Sống tỉnh thức trong cuộc đời - Phần III

Đăng lúc: Thứ bảy - 29/09/2012 22:36 - Người đăng bài viết: Diệu Thành
Sống tỉnh thức trong cuộc đời - Phần III

Sống tỉnh thức trong cuộc đời - Phần III

Phần III- Sống Tỉnh Thức Trong Cuộc Đời 

   Trong đạo Phật, tu học có nghĩa là làm cho bản thân mình mỗi ngày mỗi trở nên an lạc và thánh thiện hơn. Một ngày tu tập đúng pháp, thực hành đúng pháp sẽ giúp chúng ta thấy rõ mình hơn, thấy rõ những người xung quanh hơn và làm cho đời sống của chúng ta có ý nghĩa hơn. Nếu chúng ta tu tập có kết quả thì người khác sẽ cảm nhận được niềm an lạc, thanh thoát từ con người của ta. Khi Đức Phật còn tại thế, trên đường hoằng pháp của Ngài, dân chúng mỗi khi nhìn thấy hình bóng của Ngài, bước đi từng bước chân an lạc, uy nghiêm và trầm tĩnh, đủ khiến họ sinh tâm tin tưởng và hoan hỷ. Cái hấp lực ấy toát ra từ đời sống tâm linh của Ngài.

      Là người con Phật, nếu chúng ta học đúng pháp, chúng ta có thể làm được như Đức Phật. Chúng ta không nên nói: “Chỉ có Đức Phật mới làm được như vậy. Tôi là người phàm, phiền não chất đầy, thì khó mà làm được!” Đức Phật dạy: “Tất cả chúng sanh có thể thành Phật.” Bất cứ lúc nào ta có sự tỉnh thức, biết trở về với chính mình, làm chủ chính mình, yêu thương mình, yêu thương mọi người, lúc đó, Đức Phật hiện diện trong mỗi chúng ta.

      Phật tức là người tỉnh thức; tiếng Phạn là Buddha, tiếng Việt ngày xưa là Bụt. Vì vậy, đạo Phật gọi là đạo tỉnh thức. Tỉnh thức nghĩa là tâm tư của mình có mặt trọn vẹn trong hiện tại, có định tĩnh, có an lạc ngay bây giờ mà không bị phiền não, lo âu lôi kéo. Người có an lạc, có tự chủ, thì gọi là người tỉnh thức. Đức Phật đã thoát ly được những lo âu, phiền muộn, những trói buộc bởi tài, sắc, danh, lợi. Ngài trở thành một người tự tại, giải thoát nên được gọi là Phật, bậc Giác Ngộ Tỉnh Thức Vẹn Toàn.

     Nếu chúng ta tu tập được lời dạy của Phật thì Đức Phật trong ta lớn dần lên, đến một ngày nào đó, hạt giống Phật trong ta bừng nở, ta có được niềm hạnh phúc tròn đầy, ta sẽ là một vị Phật. Mục đích của sự tu tập là làm cho đời sống của ta có an lạc, giải thoát và giúp cho những người xung quanh ta vơi bớt những khổ đau, phiền muộn. Sống như vậy gọi là sống tỉnh thức, sống theo hạnh của Đức Phật. Điều này không phải là mơ hồ, viễn tưởng. Chúng ta có thể thực hiện được ngay trong đời sống hàng ngày của mình. Ví dụ:

      -Khi ăn cơm, chúng ta khoan thai, ăn trong sự im lặng, ý thức rằng: hạt cơm và thức ăn là tặng phẩm của trời đất, của công sức lao tác đã làm nên và ban cho ta. Ta ăn với tất cả tấm lòng tri ân sâu sắc, với niềm vui trọn vẹn của tâm và thân. Khi đó, ta là con người tỉnh thức trong lúc ăn.

      -Khi đi, ta bước những bước chân nhẹ nhàng và vững chãi có ý thức, và rũ bỏ được những phiền muộn, thì ta là con người tỉnh thức trong lúc đi.

     -Khi đứng, khi ngồi,… ta cũng làm như vậy, thì đời sống của ta là một chuỗi dài tỉnh thức, an lạc. Sống như vậy tức là sống trong tỉnh thức, trong an lạc.

      Chúng ta không sống được trong tỉnh thức an lạc vì chúng ta bị vọng niệm lôi kéo. Cho nên, tục ngữ Việt Nam có câu: “Túy sinh, mộng tử,” nghĩa là sống như người say, chết như người đi trong mộng. Người đời không biết tu tập, họ sống như người say. Họ không chỉ say vì rượu, mà say vì những tham vọng, những dự tính mong cầu, lúc nào cũng sống trong lo toan, bồn chồn, sống mà không biết rằng mình đã phí hoài một cuộc đời. Của cải vật chất chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích của cuộc sống. Hạnh phúc chân thật không đòi hỏi phải có thật nhiều những điều kiện vật chất, mà nó xuất hiện thật đơn giản và bình lặng trong tâm ta. Lúc nào ta trở về với chính mình, dừng lại những ham muốn, chấm dứt được những cơn say, những cơn mộng, thì ta có được an lạc; nếu không, suốt đời ta chỉ là kẻ đi tìm kiếm. Chẳng hạn, khi chúng ta đang ngồi đây với nhau, nhưng lại ao ước: “Làm sao có tiền để đi du lịch nước Pháp một chuyến.” Ngay lúc ngồi đây mà khởi ý nghĩ như vậy là chúng ta đã đánh mất niềm an lạc của giây phút  hiện tại rồi. Chúng ta đánh mất cõi thiên đàng ngay trong hiện tại để đi vào cõi địa đàng đau khổ. Thiên đàng là một cõi rất thật, không vượt quá tầm tay. Chỉ cần dừng lại những cơn say, những cơn mộng để ý thức được là ta đang sống và nhận biết những mầu nhiệm đang xảy ra xung quanh mình, ngay lúc đó ta liền có hạnh phúc. Vọng tưởng về một nơi ngoài thực tại, là ta đang đánh mất sự an lạc, thanh tịnh của tâm hồn ngay trong giây phút hiện tại.

      Trong kinh Bhaddekaratta (Người Biết Sống Một Mình), Đức Phật dạy:

Đừng tìm về quá khứ

Đừng tưởng tới tương lai

Quá khứ đã không còn

Tương lai thì chưa tới.

Kẻ thức giả an trú

Đêm ngày trong chánh niệm

Vững chãi và thảnh thơi

Trong phút giây hiện tại.

      Những bậc đại trượng phu, những vị thiền sư đã sống được những giây phút đó trong cuộc đời của họ. Họ không thể tham đắm lôi kéo. Hai mươi bốn giờ trong một ngày, họ sản xuất năng lượng an lạc, năng lượng tỉnh thức, năng lượng của Từ-Bi-Hỷ-Xả. Cho nên, kinh Pháp cú nói: “Thà sống một ngày mà thấy được diệu pháp, còn hơn sống một trăm năm trong khổ đau, thất niệm.”

     Nhiều người thường than: “Con là nợ, vợ là oan gia, cửa nhà là nghiệp báo.” Nói như vậy vì quá khổ đau trong cuộc sống gia đình và vì không biết tu tập để vượt thoát. Nói vậy là không phải! Khi trước, hai người yêu nhau đâu có nói như vậy. Tại sao ta không nghĩ rằng: vợ, con, những người thân của ta là gia tài thiêng liêng quý báu mà ta nên gìn giữ và chăm sóc. Nhận thức được điều đó, ta sẽ có niềm tri ân và lòng thương yêu. Nếu cứ than thân trách phận, hằn học, ruồng rẫy, thì đó không phải là thái độ không ngoan của người tỉnh thức.

     Sống tỉnh thức giúp ta biết rõ con đường đi của ta trong khi sống cũng như sau khi chết. Đức Phật dạy: “Đừng lo lắng khi chết sẽ đi về đâu. Hãy quán chiếu đời sống bây giờ của ta như thế nào, ta biết tương lai của ta sẽ ra sao.” Lúc còn sống, tâm hồn ta rộng mở yêu thương, đối xử nhân hậu với mọi người thỉ hẳn nhiên lúc chết ta sẽ ra đi theo nẻo chân, thiện, tươi sáng. Đó là cõi Tịnh Độ, Niết Bàn hay Cực Lạc.

      Để đi vào cõi Tịnh Độ, chỉ có một cánh cửa duy nhất, đó là thực tập sống có ý thức minh mẫn và sống trọn vẹn với những gì mình đang có, với những  gì đang xảy ra trong mỗi giây phút. Trong kinh Pháp Ấn, Đức Phật dạy: “Ai muốn được giải thoát, hãy sống với tâm vô trú, vô nguyện,” nghĩa là sống một cách an vui, không mong cầu, không vướng mắc gì cả. Đời sống quanh ta có biết bao điều kỳ diệu. Tiếp xúc với mỗi giây phút mầu nhiệm ấy, ta sẽ có an lạc. Đức Phật lại dạy: “Duy tâm Tịnh Độ,” nghĩa là cõi Tịnh Độ ở ngay trong tâm của ta. Tâm ta an lạc, không có những lo âu, mong cầu thì tự động cõi Tịnh Độ sẽ hiển bày.

      Trong đời sống, Niết Bàn được ví như mặt trăng. Nhũng phiền muộn lo toan tựa như những đợt sóng. Trăng đẹp như thế đó, nhưng nếu có gió lớn, sóng làm cho mặt hồ bị xao động thì mặt trăng không thể nào hiện rõ ra được. Người tu tập giỏi có khả năng làm cho những đợt sóng đó lắng đi, làm cho năng lượng của sự thảnh thơi, vững chãi được tỏa rạng. Món quà quý báu nhất mà ta hiến tặng cho mọi người là sự bình an của tâm tư ta, và món quà quý báu nhất mà người mẹ có thể tặng cho con là trái tim thương yêu của mẹ, là sự an lạc, thanh thản trong tâm hồn mình. Đứa con đi học về mệt nhọc, bước vào nhà, mẹ đón con bằng một nụ cười thông cảm, âu yếm, người con cảm thấy sung sướng, hạnh phúc liền. Làm bậc cha mẹ, cho dù ta lo cho con cái áo quần, nhà cửa đầy đủ, đẹp đẽ, nhưng nếu ta phiền muộn, không có niềm an lạc, thì vật chất kia có nghĩa lý gì! Tương lai của giới trẻ như thế nào, phần lớn tùy thuộc vào các bậc cha mẹ và các thế hệ đi trước. Nếu ta truyền được cho con cái ta năng lượng của tình thương, sự hiểu biết, sự an lạc của ta thì con cái sẽ học hành giỏi hơn và sẽ trở nên người hữu dụng cho nhân quần xã hội sau này.

      Chúng ta phải chế tác ra nguồn an lạc, niềm vui sống, sự hân hoan để trở nên những đóa hoa xinh đẹp, hiến tặng cho mọi người sự tươi mát và an vui của chính mình. nếu cứ mãi lo đến đời sống vật chất, mãi lo bon chen làm giàu, xây dựng nhà to cửa lớn mà quên chăm sóc đời sống tâm linh, chúng ta sẽ trở nên những người khô cằn, vô cảm, không biết yêu thương. Tương lai của thế kỷ 21 như thế nào, tùy thuộc vào sự tu tập của chúng ta. Đây là điều chúng ta cần thấy rõ để đừng dẫm vào những sai lầm mà bao người đi trước đã vấp phải.

      Ngày nay, người Tây phương đã nhận ra những sai lầm từ chính bản thân và xã hội của họ. Do đó, họ hướng về đạo Phật và tìm đến đạo Phật để tu học. Họ tìm đến đời sống thiền tập của Phật giáo để mong xây dựng lại đời sống tâm linh đã đổ vỡ. Qua tu tập, họ tìm được con người của họ, tìm lại đời sống an lạc tỉnh thức.Họ nhận thấy rằng đời sống vật chất tuy đầy đủ, nhưng tinh thần vẫn luôn căng thẳng. Họ trở nên cô đơn. Họ thèm muốn có được một đời sống an lành, hạnh phúc thật sự.

      Xã hội Tây phương quá tự do. Thanh niên nam nữ đến tuổi 18, tự do quyết định cuộc đời mình. Sống buông thả, muốn làm gì thì làm, không cần cha mẹ quản lý. Họ như con thiêu thân không định hướng tự lao vào cuộc sống, chỉ biết thỏa mãn những thôi thúc, những đòi hỏi thấp hèn. Họ đánh mất gốc rễ gia đình, những giá trị truyền thống giữa cha mẹ con cái cũng như tình bằng hữu. Họ trở nên một hòn đảo cô đơn, không có người Hiểu và Thương. Không có người thông cảm và chia sẽ những niềm thao thức, lo âu.Vì vậy nhiều người tìm đến với đạo Phật để giúp họ khôi phục lại con người của họ. Đạo Phật hướng dẫn cho họ một đời sống tinh thần mà trong đó nét nổi bật nhất là con đường thiền tập. Thực hành thiền giúp cho họ trầm tĩnh, an lạc, thấy được giá trị quý báu của Hiểu và Thương, của Từ – Bi – Hỷ – Xả, và họ trở nên con người mới, sống có ý chân thật cho mình và cho những người xung quanh. Đây là bài học mà người Tây phương đã trả giá  qua bao năm tháng khổ đau, cô đơn, tìm kiếm, mà chúng ta cần học hỏi và ghi nhớ.

      Chúng ta cần phải định hướng cho đường đi của mình và đường đi của thế hệ trẻ, chỉ bày cho họ nhìn thấy đâu là hạnh phúc đích thực, đâu là hạnh phúc giả tạo. Đây là điều mà chúng ta cần nhận thức rõ và đặt mình cho một quyết tâm để sống an lạc, hạnh phúc cho bản thân, cho gia đình và xã hội. Hạnh phúc, an lạc không nằm ở đâu xa, mà nằm ngay ở trong tâm hồn của ta. Chỉ cần chúng ta dang rộng vòng tay ra, mở rộng quả tim ra đón nhận thì hạnh phúc, an lạc sẽ đến ngay tức khắc chứ không đợi ngày mai, ngày mốt hay sau khi chết. Đây là điều mà Đức Phật muốn gởi gắm đến cho chúng ta. Chúng ta cần luôn sống tỉnh thức để thấy được tất cả những sự mầu nhiệm đang xảy ra với chúng ta, cũng như thấy được những nguyên nhân đưa đến khổ đau. Chỉ cần dừng tâm lại và sống một cách sâu sắc với hiện tại, tức khắc nguồn an lạc sẽ đến với chúng ta.

Phần IPhần IIPhần IIIPhần IVPhần V
Phần VIPhần VIIPhần VIIIPhần IXPhần XPhần XI
Phần XII

 

Tác giả bài viết: Thích Nhuận Hải
Nguồn tin: phapbao.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 311
  • Khách viếng thăm: 307
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 69512
  • Tháng hiện tại: 2877655
  • Tổng lượt truy cập: 88682258
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012