Đức Phật dạy về việc biết hổ thẹn

Đăng lúc: Thứ ba - 07/09/2021 06:50 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Có Tàm có Quý là điều vô cùng quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Bởi lẽ rằng nếu còn tâm xấu hổ, còn tâm ăn năn cắn rứt thì sẽ tự nhiên biết thủ lễ tiết, tự nhiên biết tận nghĩa vụ, tự nhiên có thể liêm khiết.

 
Có một câu chuyện trích từ kinh văn về vấn đề này như sau:
 
“Một thời, Thế Tôn ở Sàvatthi, tại vườn ông Anàthapindika, gọi các Tỷ kheo: Này các Tỷ kheo, hai pháp này là pháp đen. Thế nào là hai? Không tàm và không quý. Và này các Tỷ kheo, hai pháp này gọi là pháp trắng. Thế nào là hai? Tàm và Quý.
 
Hai pháp trắng này, này các Tỷ kheo, che chở cho thế giới. Nếu không có hai pháp trắng này che chở cho thế giới thời không thể chỉ ra được đây là mẹ hay là em hoặc chị của mẹ, đây là vợ của anh hay em, đây là vợ của thầy hay vợ các tôn trưởng. Và thế giới sẽ đi đến hỗn loạn như giữa các loài dê, heo, chó, gà, vịt.
 
Này các Tỷ kheo, vì có hai pháp trắng này che chở, nên mới có thể chỉ được đây là mẹ hay là em hoặc chị của mẹ, đây là vợ của anh hay em, đây là vợ của thầy hay vợ các vị tôn trưởng.”
 
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 2, phẩm Hình phạt, phần Hai loại tội [trích], VNCPHVN ấn hành 1996, tr.100).
 
Hiểu một cách thông thường, cái gì gọi là tàm? Tàm nghĩa là tự mình làm chuyện sai quấy, chính mình cảm thấy rất áy náy. Chúng ta thường nói là lương tâm cắn rứt. Cho nên có “Tàm” thì sẽ không làm chuyện sai quấy, vì làm chuyện sai quấy tâm không an, lương tâm cắn rứt. Người này có lương tâm. Tàm là ý nghĩa như vậy.
 
Còn Quý, quý là lời phê bình của dư luận bên ngoài. Anh làm việc xấu xa, rất nhiều người phê bình anh, nghe được rất áy náy, cũng chẳng dám làm chuyện xấu nữa. Đây tức là có tàm có quý. Nếu không có tàm quý thì vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng.
 
Có Tàm có Quý là điều vô cùng quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Bởi lẽ rằng nếu còn tâm xấu hổ, còn tâm ăn năn cắn rứt thì sẽ tự nhiên biết thủ lễ tiết, tự nhiên biết tận nghĩa vụ, tự nhiên có thể liêm khiết. 
 
Khi có tâm tàm quý, đối người tiếp vật chúng ta sẽ cẩn trọng ngay từ lời ăn tiếng nói. Nói lời chân thật, không nói lời thô ác, dối trá. Lời không thật thì chỉ có thể khiến người khác tin tưởng mình vài lần, có thể lừa dối được vài người nhưng không thể lừa dối được trời đất quỷ thần. Nếu có lỡ nói dối, tâm sẽ biết ăn năn mà không tái phạm. Chắc chắn rằng, khi có tâm tàm quý, lời nói chân thật thì ắt được mọi người tin tưởng, yêu mến.
 
Khi có tâm tàm quý, hành vi sinh hoạt hàng ngày của mình sẽ chừng mực, dung hòa với tất cả mọi người xung quanh. Đồ của người khác, khi chưa hỏi qua thì tuyệt nhiên không đụng vào. Biết hổ thẹn với lương tâm thì chúng ta sẽ không bao giờ phạm giới trộm cắp vật. Người đi làm không biến thời gian của cơ quan để làm việc riêng cho mình, không dùng đồ chung để phục vụ lợi ích cá nhân. Chính nhờ những hành vi đó mà đồng nghiệp sẽ cảm nể.
 
Hòa thượng Thích Trí Quảng từng nói rất hay về chuyện tu học quanh hai chữ tàm quý như thế này: “Khi biết tàm quý, nếu bị người xem thường, chúng ta sẽ nghĩ lại xem mình đã làm gì, nói gì khiến cho người ta xem thường mình. Ví dụ trong lớp học có người không biết tàm quý, tức họ không biết nhìn xem thái độ của người xung quanh đối với mình như thế nào để tự sửa mình, mà cứ nghĩ mình tốt, mình giỏi. Người như vậy vào đạo tràng tìm chỗ tốt mà đứng, không biết nhìn trước nhìn sau coi mình là ai. Nếu lỡ đứng trước người được kính trọng thì không biết tàm quý, lại còn hãnh diện được đứng trước. Nhưng người biết tàm quý thì sợ tổn phúc vì đứng trước người tuổi tác lớn, đạo đức hơn mình. Không biết tàm quý thì người xung quanh liếc mắt với mình, ý nói mình phải lùi phía sau để nhường cho người lớn tuổi, mà mình cũng chưa xấu hổ, không chịu nhường, đến khi người giữ trật tự đến kéo mình lại phía sau, mình cũng chưa chấp nhận, còn đứng lại cãi.
 
Người tu biết xấu hổ, vào đạo tràng, biết mình đứng chỗ nào. Đứng đúng chỗ, nói đúng chỗ, ngồi đúng chỗ, mọi người chấp nhận dễ, không có vấn đề gì xảy ra, thì đạo tràng được thanh tịnh. Tâm chúng ta phải nhận biết như vậy. Lỡ đứng trước người lớn tuổi, nếu có tâm tàm quý, phải quay lại xin lỗi họ; đó là biết tàm quý đối với mọi người, đối với xã hội. Tuy nhiên, cái biết tàm quý này cũng chưa đủ, còn phải biết tàm quý với lương tâm mình, vì sự phán xét của xã hội có lúc đúng lúc sai; trong khi cái biết của lương tâm luôn luôn đúng. Lương tâm là tâm lương thiện, là tâm tốt lành; nhưng vì người chưa phát hiện được tâm thiện này, cho nên họ phạm nhiều sai trái. Vì vậy, hạnh xấu hổ với lương tâm mới quan trọng. Từ thuở nhỏ tôi đã cố gắng thực hiện hạnh tàm quý đối với lương tâm mình.
 
Thật vậy, khi mặc áo tu, gặp người lớn tuổi hay bằng tuổi tôi mà họ chắp tay xá chào tôi và nói thưa thầy, thì lúc đó tòa án lương tâm tự xét lại coi mình có phải là thầy người ta hay không, mà thầy ở chỗ nào. Quán sát như vậy, tự thấy xấu hổ với lòng mình, vì thấy không xứng đáng là thầy người ta mà họ lại cung kính mình là thầy. Trong các buổi sinh hoạt xã hội, với người gọi tôi bằng thầy, tôi thường suy nghĩ điều này, hoặc gặp bạn đồng học gọi tôi là anh, tôi thấy bình thường, vì cùng học một lớp thì làm sao làm thầy họ được. Có những người bạn không biết xấu hổ, lúc nào cũng nghĩ họ là thầy của thiên hạ; đối với người có tuổi tác đáng là anh, là cha mẹ, là ông bà, mà họ cũng dám xưng thầy. Tôi lỡ xưng thầy với ai thì thấy xấu hổ”.
 
Khép lại bài viết này, theo ngu ý của người viết, biết hổ thẹn cũng là một tập tính tốt. Nhờ biết hổ thẹn mà mỗi hành vi, việc làm, lời nói của chúng đều cẩn trọng  hơn. Nếu thực hành được một trong mười một thiện pháp này mà đức Phật dạy, chắc chắn trong cuộc sống mỗi người chúng ta từ thường nhật sinh hoạt, công việc tới tu học đều sẽ thuận lợi.
 
 
Tác giả bài viết: Hỷ Liên
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 547
  • Khách viếng thăm: 544
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 162590
  • Tháng hiện tại: 189023
  • Tổng lượt truy cập: 116994679
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012