Kết bạn theo lời Phật dạy

Đăng lúc: Thứ bảy - 28/10/2023 23:06 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Trong Tăng Chi Bộ Kinh, tiểu đoạn “bạn hữu”, đức Phật dạy các Tỳ Kheo nếu cần một người bạn, thì nên thân cận với những ai hội tụ bảy phẩm chất:
“Cho những gì khó cho, làm những gì khó làm, nhẫn những gì khó nhẫn, nói lên những bí mật của mình, che giấu những bí mật của người, không từ bỏ khi gặp bất hạnh, không khinh rẽ khi tài sản khánh tận”. Bài kinh được diễn đạt theo văn vần như sau:
 
“Bạn cho điều khó cho
 
Làm những điều khó làm
 
Kham nhẫn những lời nói
 
Thật khó lòng kham nhẫn
 
Nói lên bí mật mình
 
Che giấu bí mật người
 
Bất hạnh không từ bỏ
 
Khánh tận, không chê khinh
 
Tìm được người như vậy
 
Với ai cần bạn hữu
 
Hãy gần bạn như vậy!”  (hết trích)
 
 
Hoặc khi gặp một loại người thứ hai, có bảy phẩm chất như: “khả ái khả ý; tôn trọng; đáng được bắt chước; là nhà thuyết giả; kham nhẫn lời nói; nói lời sâu kín; không có hối thúc những điều không hợp lý”. Đức Phật dạy: “Khi gặp Tỳ-kheo nào thành tựu bảy pháp vừa nêu trên thì cần phải thân cận, cần phải giao thiệp, cần phải hầu hạ, dầu có bị xua đuổi.” Bài kinh được viết theo văn vần như sau:
 
“Khả ái và đáng kính
 
Đáng bắt chước, thuyết giả
 
Kham nhẫn các lời nói
 
Nói những lời thâm sâu
 
Không hối thúc ép buộc
 
Những điều không hợp lý
 
Ai có những pháp này
 
Ở đời, người như vậy
 
Người ấy là bạn hữu
 
Với ai cần bạn hữu
 
Người mong muốn lợi ích
 
Với lòng từ ai mẫn
 
Dẫu có bị đuổi xua
 
Hãy thân cận bạn ấy” (hết trích)
 
Kinh Pháp Cú, đức Phật dặn dò Trưởng lão Xa Nặc qua bài kệ số 78 như sau:
 
“Chớ thân với bạn ác
 
Chớ thân kẻ tiểu nhân
 
Hãy thân người bạn lành
 
Hãy thân bậc thượng nhân.” (hết trích)
 
Như vậy, đối với các đệ tử xuất gia, đức Phật có lời khuyên trên con đường tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ, mình cần gần gũi với các bạn lành, các vị thượng nhân, chân nhân… là những vị có phẩm chất cao đẹp sẵn sàng giúp đỡ dìu dắt mình. Kết bạn với họ, hầu hạ họ, không phải dựa dẫm vào họ để hưởng danh thơm tiếng tốt, mà là để bản thân mình học hỏi từ sự tích cực nơi họ, học tính tốt nơi họ, bởi vì “gần mực thì đen gần đèn thì sáng”. Nhờ học hỏi tu tập theo họ, mà từ một người phàm phu thô tháo, sẽ dần trở thành một bậc thánh nhân cao thượng.
 
Về phía cư sĩ tại gia, trong kinh Hiền Nhân, đức Phật cũng dạy chúng ta bốn kiểu kết bạn: Đó là Kết bạn như hoa, kết bạn như cân, kết bạn như núi, kết bạn như đất.  
 
1) Sao gọi là kết bạn như hoa: Nói về loại bạn này đức Phật dạy rằng: “Khi bông hoa còn tươi tốt thì giắt lên đầu nâng niu yêu quý, còn khô héo rồi thì vứt bỏ đi. Kết bạn cũng thế: hễ thấy giàu sang thì xu phụ theo, thấy nghèo nàn lại bỏ làm lơ”. Đức Phật minh họa đây là loại người khi đến làm bạn với chúng ta chỉ nhằm lợi dụng. Khi chúng ta làm ăn thành công, tiền bạc rủng rỉnh tạm gọi là giàu sang, thì họ bám lấy cầu thân, nhờ vả… Ông bà xưa thường nói đây là hạng người “thấy sang bắt quàng làm họ”. Nhưng khi chúng ta sa cơ, lỡ vận thì họ vội vàng tránh xa bỏ mặt. Họ “xài” chúng ta như “xài” đóa hoa. Khi hoa còn tươi tốt thì nâng niu thích thú cài lên tóc, khi hoa héo khô thì quăng liệng không đoái hoài.  Loại tình bạn kiểu lợi dụng vật chất này không thể bền lâu. Chúng ta không nên gần gũi để không bị lợi dụng.
 
2) Sao gọi là kết bạn như cân: “Khi để vật nặng thì đầu gục xuống, vật nhẹ thì đầu vổng lên, có qua có lại thì cung kính nhau, không qua lại thì khi dễ nhau”. Đây là kiểu tình bạn đặt nặng vấn đề trọng lượng đong đo cân đếm về tiền nong, lợi nhuận,  theo kiểu “có qua có lại mới toại lòng nhau” hoặc “nhả con tép thu lại con tôm”. Loại bạn này hôm nay tặng mình một, ngày mai mình tặng lại hai thì còn tình bạn, bằng không thì người đó xem thường mình. Đây cũng là loại người đặt tình bạn lên bàn cân, mình có tiền, có quyền, thì họ cúi đầu (gục đầu) trọng vọng. Nếu chẳng may mình gặp nạn thất thế thì họ sẽ ngoảnh mặt về hướng khác, coi mình không ra gì. Và dĩ nhiên họ sẽ tìm cách tránh né rời xa mình, nếu chẳng may gặp mình ở đâu đó nơi công cộng.
 
3) Sao gọi là kết bạn như núi: “Hòn núi vàng loài chim thú tụ về, lông cánh được chói màu vàng rực, kết bạn cũng thế, khi sang thì sang với nhau, khi vui thì đồng vui”. Kết bạn như núi là kiểu tình bạn san sẻ, bồi đắp, bổ sung cho nhau. Khi giàu sang thì giúp đỡ bạn nghèo túng. Khi nghèo túng thì cùng bạn vượt qua mọi khó khăn, giống như minh họa của đức Phật về sự quan hệ giữa núi và chim muông cầm thú. Các loài động vật tụ về núi vì nơi đây có nhiều thức ăn. Núi nhờ muôn loài động vật tụ về mà trở nên phong phú đầy sức sống.  Tình bạn này không phân biệt sang hèn, thành bại, đẹp xấu, họ giúp đỡ lẫn nhau để cùng vươn lên. Cả hai bên xem nhau như là bạn tốt, kết thành tri kỷ.
 
4) Sao gọi là kết bạn như đất: “Tất cả mọi vật đều nương dựa đất mà sinh, làm bạn như đất để nuôi dưỡng để ủng hộ, ân hậu không bạc…”. Nói tới đất, người ta nghĩ tới sự nhẫn nhịn, chịu đựng, chấp nhận, sẵn sàng đón nhận tất cả mọi thứ dù sạch hay dơ. Nhìn chung đất là cái nền của sự sống, là nơi vạn vật dựa vào để sinh sống và phát triển. Tình bạn như đất là thứ tình bạn thiêng liêng, cùng nương tựa, nhường nhịn, chấp nhận xấu tốt của nhau, khuyên lơn, sách tấn, an ủi, chia sẻ vui buồn… để cùng tiến bộ trong cuộc sống. Đây là một trong những yếu tố tạo nên tinh thần tùy hỷ trong đạo Phật. Là thứ tình bạn mà mọi người nên mở lòng đón nhận, bởi những người bạn thuộc dạng đất này, khi mình thành công thì bạn vui mừng không ghen tỵ. Khi mình sa sút, bạn cũng không bỏ bê xem thường, mà sẵn sàng ở bên cạnh chia sẻ, giúp đỡ mình vượt qua cơn bỉ cực.
 
 
Tác giả bài viết: Thích Nữ Hằng Như
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 279
  • Khách viếng thăm: 273
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 63032
  • Tháng hiện tại: 3083703
  • Tổng lượt truy cập: 91975276
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012