Nghệ sĩ xuất gia

Đăng lúc: Thứ tư - 11/07/2018 07:22 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Có một vũ kịch sư tên là Talaputa đến tham vấn Đức Thế Tôn về sanh thú tương lai liên quan đến nghề nghiệp của mình, thưa rằng các vị Đạo sư, Tổ sư thuở xưa có truyền dạy: “Ai là nhà vũ kịch, trên sân khấu giữa kịch trường, với các điệu bộ giả sự thật, làm quần chúng vui cười, thích thú; người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh cộng trú với chư Thiên hay cười (pahàsadeva)”.
Do vấn đề khá tế nhị nên Đức Thế Tôn không muốn đưa ra câu trả lời. Ngài bảo Talaputa chớ có hỏi Ngài về vấn đề ấy. Talaputa quyết tìm cho được câu trả lời từ Đức Phật nên nêu câu hỏi đến lần thứ ba. Đức Thế Tôn tuần tự giảng giải cho Talaputa về sanh thú tương lai tùy thuộc vào nghiệp lực. Ở đây lời nhận xét của bậc Đại giác Thế Tôn liên quan đến tính chất nghề nghiệp là rất đáng cho mọi người suy ngẫm:
 
“Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Rồi Talaputa, nhà vũ kịch sư (natagàmani), đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, vũ kịch sư Talaputa bạch Thế Tôn:
 
- Con được nghe, bạch Thế Tôn, các vị Đạo sư, Tổ sư thuở xưa nói về các nhà vũ kịch, nói rằng: “Ai là nhà vũ kịch, trên sân khấu giữa kịch trường, với các điệu bộ giả sự thật, làm quần chúng vui cười, thích thú; người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh cộng trú với chư Thiên hay cười (pahàsadeva)”. Ở đây, Thế Tôn nói như thế nào?
 
- Thôi vừa rồi, này Talaputa. Hãy dừng ở đây.
 
Chớ có hỏi Ta về điều này.
 
Lần thứ hai, vũ kịch sư Talaputa bạch Thế Tôn:
 
- Bạch Thế Tôn, con có nghe các vị Đạo sư, Tổ sư thuở xưa nói về các nhà vũ kịch, nói rằng: “Ai là nhà vũ kịch, trên sân khấu hay giữa kịch trường, với các điệu bộ giả sự thật, làm quần chúng vui cười, thích thú; người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh cọng trú với chư Thiên hay cười”. Ở đây, Thế Tôn nói như thế nào?
 
- Thôi vừa rồi, này Talaputa. Hãy dừng ở đây.
 
Chớ có hỏi Ta về điều này.
 
Lần thứ ba, vũ kịch sư Talaputa bạch Thế Tôn:
 
- Bạch Thế Tôn, con có nghe các vị Đạo sư, các vị Tổ sư thuở xưa nói về các nhà vũ kịch, nói rằng: “Ai là nhà vũ kịch, trên sân khấu hay giữa kịch trường, với các điệu bộ giả sự thật, làm quần chúng vui cười, thích thú; người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh cộng trú với chư Thiên hay cười”. Ở đây, Thế Tôn nói như thế nào?
 
- Thật sự, Ta đã không chấp nhận và nói rằng: “Thôi vừa rồi, này Talaputa. Hãy dừng ở đây. Chớ có hỏi Ta về điều này”. Tuy vậy, Ta sẽ trả lời cho Ông.
 
Này Talaputa, đối với những loài hữu tình thuở trước chưa đoạn trừ lòng tham, còn bị lòng tham trói buộc, nếu nhà vũ kịch trên sân khấu hay trong kịch trường, tập trung những pháp hấp dẫn, thời khiến lòng tham của họ càng tăng thịnh. Này Thôn trưởng, đối với những loại hữu tình thuở trước chưa đoạn trừ lòng sân, còn bị lòng sân trói buộc, nếu nhà vũ kịch trên sân khấu hay trong kịch trường tập trung những pháp liên hệ đến sân, thời khiến cho lòng sân của họ càng tăng thịnh. Này Thôn trưởng, đối với loài hữu tình thuở trước chưa đoạn trừ lòng si, còn bị lòng si trói buộc, nếu nhà vũ kịch trên sân khấu hay trong kịch trường tập trung những pháp liên hệ đến si, thời khiến cho lòng si của họ càng tăng thịnh.
 
Người ấy tự mình đắm say, phóng dật, làm người khác đắm say và phóng dật, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh trong địa ngục Hý tiếu (Pahàso). Nếu người ấy có (tà) kiến như sau: “Người vũ kịch nào, trên sân khấu hay giữa kịch trường, với các điệu bộ giả sự thật, làm quần chúng vui cười, thích thú; người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh cộng trú với chư Thiên hay cười”. Như vậy là tà kiến. Ai rơi vào tà kiến, này Talaputa, Ta nói rằng người ấy chỉ có một trong hai sanh thú: một là địa ngục, hai là súc sanh.
 
Khi được nói vậy, vũ kịch sư Talaputa phát khóc và rơi nước mắt.
 
- Chính vì vậy, này Talaputa, Ta đã không chấp nhận và nói: “Thôi vừa rồi, này Talaputa. Hãy dừng ở đây. Chớ có hỏi Ta về điều này”.
 
- Bạch Thế Tôn, con khóc không phải vì Thế Tôn đã nói như vậy. Nhưng, bạch Thế Tôn, vì con đã bị các Đạo sư, các Tổ sư vũ kịch thời trước đã lâu ngày lừa dối con, dối trá con, dắt dẫn lầm lạc con rằng: “Người vũ kịch nào trên sân khấu hay giữa kịch trường, với các điệu bộ giả sự thật, làm quần chúng vui cười, thích thú; người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên hay cười”.
 
Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Bạch Thế Tôn, con nay xin quy y Phật, Pháp và chúng Tăng. Mong Thế Tôn cho con được xuất gia với Thế Tôn, được thọ đại giới!
 
Vũ kịch sư Talaputa được xuất gia với Thế Tôn, được thọ đại giới. Thọ đại giới không bao lâu, Tôn giả Talaputa... trở thành một vị A-la-hán nữa” (1).
 
Chuyện nhà vũ kịch Talaputa được Đức Thế Tôn khuyến giáo, xuất gia tu học đạo lý giác ngộ và trở thành một vị A-la-hán là một diễm phúc lớn cho vị ấy. Vị ấy không còn chìm đắm trong thế giới mê say phóng dật, đã vượt qua được số phận luẩn quẩn, thoát khỏi mọi hệ lụy khổ đau, nhờ nhận ra nghiệp duyên đầy phiền não mà mình mắc phải, nỗ lực dứt bỏ các nghiệp mê lầm bị chi phối và dẫn dắt bởi tham-sân-si.
 
Những lời dạy của Đức Phật cho Talaputa liên quan đến tính chất nghề nghiệp hay nghiệp nhân là rất đáng cho chúng ta suy nghĩ. Đức Phật không phê phán các nghề nghiệp mưu sinh. Ai sinh ra cũng cần có cái ăn cái mặc. Ngài chỉ lưu nhắc mọi người đừng vì lý do nuôi sống mà làm các nghề nghiệp sai trái, không lương thiện, gây nên các nghiệp lỗi lầm, tạo khổ đau cho mình và gây phiền lụy khổ đau cho người khác. Thế nào là các nghiệp lỗi lầm tạo khổ đau cho mình và gây phiền lụy khổ đau cho người khác?
 
Đó là những việc làm bị tập quán tham-sân-si chi phối và dẫn dắt hay các nghề nghiệp được theo đuổi vì động cơ tham-sân-si. Đức Phật gọi những việc làm hay các nghề nghiệp được thực hiện do tham-sân-si thôi thúc như vậy là ác nghiệp (2) và khuyên nhắc mọi người nên từ bỏ, không nên thực hành. Vì sao? Vì tham-sân-si là căn bản bất thiện, là gốc rễ của khổ đau; người mà bị tham-sân-si chi phối thì mọi ý nghĩ, lời nói và việc làm đều sai lầm và đưa đến quả báo khổ đau, khổ cho mình và gây phiền lụy cho người khác, ở đời này và nhiều đời sau:
 
“Người có tham, thưa Hiền giả, bị tham chinh phục, tâm mất tự chủ, nghĩ đến hại mình, nghĩ đến hại người, nghĩ đến hại cả hai, cảm giác khổ ưu thuộc về tâm. Người có tham, thưa Hiền giả, bị tham chinh phục, tâm bị mất tự chủ, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Người có tham, thưa Hiền giả, bị tham chinh phục, tâm mất tự chủ, không như thật rõ biết lợi mình, không như thật rõ biết lợi người, không như thật rõ biết lợi cả hai. Tham, thưa Hiền giả, làm thành mù, làm thành không mắt, làm thành không trí, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn não, không đưa đến Niết-bàn.
 
Người có sân, thưa Hiền giả, bị sân chinh phục, tâm mất tự chủ, nghĩ đến hại mình, nghĩ đến hại người, nghĩ đến hại cả hai, cảm giác khổ ưu thuộc về tâm. Người có sân, thưa Hiền giả, bị sân chinh phục, tâm bị mất tự chủ, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Người có sân, thưa Hiền giả, bị sân chinh phục, tâm mất tự chủ, không như thật rõ biết lợi mình, không như thật rõ biết lợi người, không như thật rõ biết lợi cả hai. Sân, thưa Hiền giả, làm thành mù, làm thành không mắt, làm thành không trí, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn não, không đưa đến Niết-bàn.
 
Người có si, thưa Hiền giả, bị si chinh phục, tâm mất tự chủ, nghĩ đến hại mình, nghĩ đến hại người, nghĩ đến hại cả hai, cảm giác khổ ưu thuộc về tâm. Người có si, thưa Hiền giả bị si chinh phục, tâm mất tự chủ, làm ác hạnh với thân, làm ác hạnh với lời, làm ác hạnh với ý. Người có si, thưa Hiền giả, bị si chinh phục, tâm mất tự chủ, không như thật rõ biết lợi mình, không như thật rõ biết lợi người, không như thật rõ biết lợi cả hai. Si, thưa Hiền giả, làm thành mù, làm thành không mắt, làm thành không trí, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn não, không đưa đến Niết-bàn” (3).
 
Như vậy, do tính chất mê lầm xấu ác của tham-sân-si, Đức Phật không tán thành các nghề nghiệp hay các việc làm gắn liền với động cơ tham-sân-si. Vì theo tri kiến của Phật thì tham-sân- si kêu gọi và thúc giục tham-sân-si. Khi con người sinh sống vì động cơ tham-sân-si thì theo đó mỗi ý nghĩ, lời nói và việc của người ấy làm sẽ có tác dụng khơi gợi và làm tăng trưởng các thói quen tham-sân-si trong lòng người khác, khiến cho người khác cũng dần dần bị tập quán tham-sân-si ngự trị và chi phối. Đây chính là chỗ mà bậc Giác ngộ khuyên nhắc mọi người nên thận trọng cân nhắc trong khi theo đuổi các nghề nghiệp của mình, vì theo lời Phật thì một người sinh sống theo cách làm dấy khởi và tăng trưởng tham-sân-si tức là “tự mình đắm say, phóng dật và làm cho người khác đắm say, phóng dật; sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú, địa ngục” (4). Tham-sân-si là gốc rễ của lối sống mê lầm, phóng dật, đưa đến khổ đau. Chính vì vậy mà đạo Phật gọi lối sống do tham-sân-si điều động là hại mình, hại người, hại cả hai; không rõ biết lợi mình, lợi người, lợi cả hai; một lối sống mù lòa, mê mờ, không có mắt, không sáng suốt, không trí tuệ, dự phần vào tổn hại và não hại, không đưa đến tịch tịnh, an lạc, Niết-bàn. Nói khác đi, Đức Phật không tán thành lối sống tà kiến, mê say, phóng dật, bị chi phối và dẫn dắt bởi tham-sân-si. Ngài thấy rõ sự nguy hại tiềm ẩn của ba loại độc tố tham-sân-si; chủ trương mạng sống thanh tịnh (parisuddhàjìva), tức một hình thái nuôi sống trong sạch, chân chánh, hiền thiện, thoát khỏi sự chi phối và sai sử của tham-sân-si, không lỗi lầm, không xấu ác, đưa đến lợi mình, lợi người, lợi cả hai; không đưa đến hại mình, hại người, hại cả hai. Đây chính là quan niệm sinh sống chân chánh (Chánh mạng) nằm trong hệ thống Bát Thánh đạo, một đường lối thực hành Phật giáo đưa đến hoàn thiện con người, hoàn thiện nhân tính, cả về giới đức, tâm đức, tuệ đức, hướng đến giác ngộ, giải thoát hoàn toàn mọi khổ đau.
 
Nhìn chung, với quan niệm sống là để hoàn thiện con người, thực hiện mục tiêu nhân sinh, tức thực chứng cứu cánh giác ngộ, cứu cánh Niết-bàn, Đức Phật không tán thành lối sống mê lầm, bị chi phối và dẫn dắt bởi các độc tố tham-sân-si. Ngài chủ trương sinh sống theo Chánh mạng (Sammà- àjìva), tức nuôi sống bằng các nghề nghiệp chân chánh, lương thiện, bằng những việc làm chân chánh, hiền thiện, không gian trá, xảo trá, không dối gạt người khác, tự mình không tham-sân-si, không vô tình hay cố ý khích động và lôi kéo người khác vào thế giới mê lầm khiến tăng trưởng tham- sân-si. Với quan niệm rõ ràng như vậy về ý nghĩa và mục đích nhân sinh, Đức Phật khuyên nhắc mọi người nên thực tập nếp sống thiểu dục tri túc, nuôi sống bằng Chánh mạng, không làm các nghề nghiệp sai trái, lỗi lầm tạo khổ đau cho mình và gây phiền lụy khổ đau cho người khác. Đây chính là lối sống sáng suốt, chân chánh, không lầm lỗi, dần dần thoát khỏi sự chi phối của tham-sân-si, hướng đến chấm dứt khổ đau mà bậc Giác ngộ mong muốn mọi người nỗ lực thực hiện trên cuộc đời vì an lạc cho chính mình và lợi lạc cho người khác.

----------------------------------
 
1. Kinh Puta, Tăng Chi Bộ.
2. Kinh Giao thọ Thi-ca-la-việt, Trường Bộ.
3. Kinh Channa, Tăng Chi Bộ.
4. Kinh Puta, Tăng Chi Bộ.

Tác giả bài viết: Nguyên Ngọc
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 476
  • Khách viếng thăm: 407
  • Máy chủ tìm kiếm: 69
  • Hôm nay: 127249
  • Tháng hiện tại: 2100042
  • Tổng lượt truy cập: 90991615
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012