Biết thương mình

Đăng lúc: Chủ nhật - 15/07/2018 20:19 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Trong Kinh tạng Nikàya thuộc văn hệ Pàli, có một thuật ngữ dùng để chỉ cho một người thể hiện một cách thái sáng suốt, chân thành và từ ái đối với chính mình cũng như đối với người khác gọi là “yêu mến tự ngã” (attakàmeti) (1).
Đây là một thuật ngữ có ý nghĩa rất hay trong đạo Phật. “Yêu mến tự ngã” nghĩa là biết thương mình bằng cách quyết tâm thực thi một lẽ sống chân chánh, hiền thiện, thể hiện qua việc từ bỏ thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác; thực hành thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩa thiện. Vua Pasenadi nước Kosala một hôm tâm sự với Đức Thế Tôn về lối suy tư chín chắn của mình qua việc phân định rõ thế nào là kẻ không biết thương mình và thế nào là người biết thương mình:

- Bạch Thế Tôn, ở đây khi con đang ngồi yên tịnh một mình, tư tưởng này khởi lên nơi con: “Đối với những ai, tự ngã là thân ái? Đối với những ai, tự ngã là kẻ thù?” Và rồi bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau:
 
“Những ai sống thân làm ác, sống miệng nói ác, sống ý nghĩ ác; đối với người ấy, tự ngã là kẻ thù. Dầu họ có nói: “Tự ngã là thân ái của chúng tôi”, nhưng tự ngã đối với họ là kẻ thù. Vì sao vậy? Những gì kẻ thù làm cho kẻ thù, tự ngã của họ làm cho tự ngã của họ như vậy. Do vậy, đối với họ, tự ngã là kẻ thù.
 
Những ai sống thân làm thiện, sống miệng nói thiện, sống ý nghĩ thiện; đối với họ, tự ngã là thân ái. Dầu cho họ có nói: “Tự ngã là kẻ thù của chúng tôi”, nhưng tự ngã đối với họ là thân ái. Vì sao vậy? Những gì kẻ thân ái làm cho kẻ thân ái, tự ngã của họ làm cho tự ngã của họ như vậy. Do vậy, đối với họ, tự ngã là kẻ thân ái”.
 
- Như vậy là phải, thưa Đại vương. Như vậy là phải, thưa Đại vương. Thưa Đại vương, những ai sống thân làm ác, sống miệng nói ác, sống ý nghĩ ác; đối với người ấy, tự ngã là kẻ thù. Dầu họ có nói: “Tự ngã là thân ái của chúng tôi”, nhưng tự ngã đối với họ là kẻ thù. Vì sao vậy? Những gì kẻ thù làm cho kẻ thù, tự ngã của họ làm cho tự ngã của họ như vậy. Do vậy, đối với họ, tự ngã là kẻ thù. Thưa Đại vương, những ai sống thân làm thiện, sống miệng nói thiện, sống ý nghĩ thiện; đối với họ, tự ngã là thân ái. Dầu cho họ có nói: “Tự ngã là kẻ thù của chúng tôi”, nhưng tự ngã đối với họ là thân ái. Vì sao vậy? Những gì kẻ thân ái làm cho kẻ thân ái, tự ngã của họ làm cho tự ngã của họ như vậy. Do vậy, đối với họ, tự ngã là kẻ thân ái. (2)
 
Câu chuyện đàm đạo trên xác nhận rất rõ quan niệm của đao Phật về yêu mến tự ngã. Yêu mến tự ngã hay biết thương mình tức là thực hiện một lối sống từ bỏ thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác; thực hành thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện. Sống ngược lại tức là không yêu mến tự ngã hay không biết thương mình. Đây không gì khác là nếp sống đạo đức của người Phật tử gọi là “tịnh tu ba nghiệp”, được thể hiện qua việc từ bỏ mười ác nghiệp (gồm 3 ác nghiệp về thân: sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục; 4 ác nghiệp về lời: nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm; 3 ác nghiệp về ý: tham dục, sân hận, tà kiến), thực hành mười thiện nghiệp (gồm 3 thiện phiệp về thân: không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh trong các dục; 4 thiện nghiệp về lời: không nói láo, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác, không nói lời phù phiếm; 3 thiện nghiệp về ý: không tham dục, không sân hận, có chánh kiến). Theo quan niệm của đạo Phật thì người nào nỗ lực thực thi nếp sống bỏ ác làm lành như vậy thì được gọi là người yêu mến tự ngã hay kẻ biết thương mình.
 
Sao gọi là yêu mến tự ngã? Tự ngã là bản thân mình, là những gì gắn liền mật thiết với bản thân mình, tức hết thảy những gì mà con người đối diện, hành xử và cảm nghiệm trong chuỗi hiện hữu của mình. Nó là sự vận hành của nghiệp, là những gì thiết thân nhất đối với cá nhân mỗi người, do người ấy tạo tác và lãnh thọ, gắn liền với người ấy ở lúc này hay lúc khác, từ đời này sang đời khác. Tự ngã ấy có thể là tốt hay xấu, hiền lành hay hung bạo, may mắn hay bất hạnh, hạnh phúc hay khổ đau, tùy thuộc vào các nghiệp thiện hay bất thiện mà người ấy đã làm, đã tích tập. Nếu một người biết nuôi dưỡng điều lành điều thiện thì tự ngã của người ấy sẽ hiền thiện, luôn luôn cảm nhận những cảm giác hiền thiện an lạc. Nếu người ấy tích tập các nghiệp xấu ác, bất thiện thì tự ngã của người ấy sẽ trở thành bất thiện, phải thường xuyên nhận lãnh các cảm thọ bất an khổ não. Yêu mến tự ngã nghĩa là biết yêu quý bản thân mình, xót thương cho cái số phận bị trói buộc khổ đau của chính mình, nhận ra mọi mê lầm khổ não mà tự ngã phải gánh chịu, thương quý nó, tôn trọng nó, mong muốn cho nó thoát khỏi mê lầm, được an lạc, đối xử công bằng với nó, quyết tâm làm cho nó hiền thiện hạnh phúc, không để cho nó rơi vào xấu ác khổ đau. Bằng cách nào? Bằng cách từ bỏ thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác; thực hành thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện. Nói cách khác, yêu mến tự ngã là quyết tâm từ bỏ lối sống mê lầm, bất chánh, xấu ác, biểu lộ qua các hành vi như sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời phù phiếm, tham dục, sân hận, tà kiến, khiến đưa đến hại mình, hại người, hại cả hai; nỗ lực thực hiện một nếp sống sáng suốt, chân chánh, hiền thiện, thể hiện qua các việc như không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh trong các dục, không nói láo, không nói hai lưỡi, không nói lời phù phiếm, không tham dục, không sân hận, có chánh kiến, khiến đưa đến lợi mình, lợi người, lợi cả hai. Đây chính là biểu hiện cụ thể của thái độ yêu mến tự ngã hay biết thương mình được nói đến trong đạo Phật, một thái độ sáng suốt mở đường cho nếp sống chân chánh hạnh phúc của người con Phật.
 
Mà thương mình như thế thì cũng chính là thương người. Đó là tình thương xuất phát từ trí tuệ, từ tâm thức sáng suốt, tràn đầy hiểu biết và rộng mở hết sức tự nhiên của người con Phật, gọi là yêu mến tự ngã nhưng hoàn toàn không tư dục, không ích kỷ, không vị kỷ, một tình thương hướng thiện và hướng thượng, lợi mình và lợi người, tức là vừa làm cho mình cao đẹp hơn, hiền thiện hơn, nhân bản hơn, hoàn thiện hơn về đạo đức nhân tính, vừa khiến cho người khác yên tâm hơn, tin tưởng hơn, hoan hỷ hơn, quý mến hơn đối với mình. Rõ ràng, ai mà sống từ bỏ thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác; thực hành thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện như thế thì không cần chi nói đến thương người, vì tự nó nếp sống ấy đã là thương người, tôn trọng người, quý mến người rồi. Trong giáo lý đạo Phật, nếp sống ấy được xem là “quà tặng an tịnh” (santam upahàram) dành cho người khác (3) hay còn được gọi là nếp sống đại bố thí (mahàdàna) (4), vì nó đem lại lợi lạc cho nhiều người, vừa khiến cho mình được thoải mái an lạc, vừa khiến cho người khác được hoan hỷ an lạc, thoát khỏi mọi lo âu và sợ hãi, mọi lo lắng và hận thù. Bậc Giác ngộ cho chúng ta một lời khuyên nhẹ nhàng mà đầy trí tuệ như vầy:
 
Tâm ta đi cùng khắp, Tất cả mọi phương trời,
Cũng không tìm thấy được, Ai thân hơn tự ngã.
 
Tự ngã đối mọi người, Quá thân ái như vậy;
 
 Vậy ai yêu tự ngã, Chớ hại tự ngã người. (5)
 
Yêu quý tự ngã hay thương mến bản thân mình thì không nên và không được làm hại người khác. Đó là tiêu chí sống và hành động hết sức sáng suốt và nhân bản của người Phật tử. Vì hết thảy mọi người đều yêu quý bản thân mình, không muốn nó bị thương tổn (6), và vì làm hại người khác cũng chính là làm hại mình, là không yêu quý tự ngã, không biết thương mình. Theo quan niệm Duyên sinh của đạo Phật thì cuộc sống là một hợp thể tồn tại hỗ tương, mình và người là một, không thể tách rời. Hết thảy mọi hành vi tốt hay xấu của con người đều trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến thế giới chung quanh; đến lượt sự vận hành của thế giới chung quanh tác động đến bản thân mình. Vì vậy mà làm ác hay gây tổn hại cho người khác (nghĩa là sát sanh, lấy của không cho… có tà kiến) cũng chính là làm hại mình, gây tổn hại cho mình và ngược lại. Chính trong ý nghĩa của quy luật tồn tại hỗ tương như vậy mà đạo Phật khuyên mọi người cần phải biết thương mình, nghĩa là cần phải nỗ lực làm điều lành, tránh xa điều ác để cuộc sống trở nên hiền thiện tốt đẹp, khiến cho mình và mọi người khác đều được lợi ích an lạc. Vì biết thương mình, làm điều tốt cho mình, không làm điều xấu ác, cũng chính là thương người. Và thương người, làm điều tốt cho người, không làm điều xấu ác, cũng chính là biết thương mình vậy. Đây là lý do vì sao đạo Phật luôn luôn nhấn mạnh đến lối sống bỏ ác làm lành, một lẽ sống được mệnh danh là yêu quý tự ngã nhưng vốn bao hàm bên trong nó ý nghĩa tự lợi và lợi tha.
 
Đến đây, chúng ta thử chiêm nghiệm lại những lời khuyên hết sức căn bản của Đức Phật cho con trẻ Ràhula nhấn mạnh đến nếp sống bỏ ác làm lành, một nếp sống cẩn trọng và sáng suốt dành cho mọi người Phật tử, dành cho những ai biết yêu quý tự ngã và tôn trọng tự ngã của người khác, quyết tâm từ bỏ thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, nỗ lực thực hành thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện nhằm tránh cho mình và người khác khỏi phiền muộn khổ đau và nhằm khiến cho mình và người khác được hạnh phúc an lạc:
 
- Này Ràhula, con nghĩ thế nào? Mục đích của cái gương là gì?
 
- Bạch Thế Tôn, mục đích là để phản tỉnh.
 
- Cũng vậy, này Ràhula, sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành thân nghiệp. Sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành khẩu nghiệp. Sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành ý nghiệp.
 
Này Ràhula, khi con muốn làm một thân nghiệp, khẩu nghiệp hay ý nghiệp gì, hãy phản tỉnh như sau: “Thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp này của ta có thể đưa đến tự hại, có thể đưa đến hại người, có thể đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ”. Này Ràhula, nếu trong khi phản tỉnh, con biết: “Thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp này ta muốn làm. Thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp này của ta có thể đưa đến tự hại, có thể đưa đến hại người, có thể đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ”. Một thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp như vậy, này Ràhula, con nhất định chớ có làm. Này Ràhula, nếu sau khi phản tỉnh, con biết: “Thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp này ta muốn làm. Thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp này của ta không có thể đưa đến tự hại, không có thể đưa đến hại người, không có thể đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc”. Một thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp như vậy, này Ràhula, con nên làm.
 
Này Ràhula, khi con đang làm một thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp, con cần phải phản tỉnh như sau: “Thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp này ta đang làm. Thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp này của ta đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ. Này Ràhula, nếu trong khi phản tỉnh, con biết: “Thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp này ta đang làm. Thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp này của ta đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ”. Này Ràhula, con hãy từ bỏ một thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp như vậy. Nhưng nếu, này Ràhula, trong khi phản tỉnh con biết như sau: “Thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp này ta đang làm. Thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp này của ta không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc”. Thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp như vậy, này Ràhula, con cần phải tiếp tục làm.
 
Này Ràhula, sau khi con làm xong một thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp, con cần phải phản tỉnh như sau: “Thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp
 
này ta đã làm. Thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp này của ta đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ”. Nếu trong khi phản tỉnh, này Ràhula, con biết như sau: “Thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp này ta đã làm. Thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp này của ta đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ”. Một thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp như vậy, này Ràhula, con cần phải thưa lên, cần phải tỏ lộ, cần phải trình bày trước các vị Đạo sư, hay trước các vị đồng Phạm hạnh có trí. Sau khi đã thưa lên, tỏ lộ, trình bày, cần phải phòng hộ trong tương lai. Nếu trong khi phản tỉnh, này Ràhula, con biết như sau: “Thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp này ta đã làm. Thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp này của ta không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc”. Do vậy, này Ràhula, con phải an trú trong niềm hoan hỷ tự mình tiếp tục tu học ngày đêm trong các thiện pháp”. (7)

Cứ theo lời Phật dạy cho vị Sa-môn nhỏ tuổi Ràhula thì biết thương mình tức là biết quan tâm lo lắng đối với khổ đau của mình và khổ đau của người, nhận ra nguyên nhân gây khổ đau cho mình và gây khổ đau cho người, đồng thời cũng thấy rõ cách thức mang lại hạnh phúc cho mình và hạnh phúc cho người, quyết tâm ngăn tránh các hành vi xấu ác gây tổn hại cho mình và gây tổn hại cho người, nỗ lực làm các việc tốt lành đưa đến hạnh phúc cho mình và hạnh phúc cho người. Nói rõ hơn, biết thương mình thì không khổ đau và không còn gây khổ đau, vì đó là thái độ cẩn trọng và sáng suốt của một người đã hiểu rõ cội gốc của khổ đau và quyết tâm bước đi trên con đường chân chánh, hiền thiện, rời xa khổ đau. Đây là ý nghĩa của nếp sống Chánh tinh tấn (Sammà-viriya) được nhấn mạnh trong đạo Phật, một nếp sống sáng suốt, hiểu mình thương người, theo đó người nào phát nguyện đi theo con đường giác ngộ của Phật, quyết tâm không làm mọi điều ác, nỗ lực làm các hạnh lành, thì được gọi là người “biết thương mình” hay còn được gọi là kẻ “thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt” hoặc “thấy nguy hiểm đối với luân hồi khổ đau (samsàra)”. Người con Phật được khuyên nỗ lực thực thi một lẽ sống đạo đức hướng thượng như vậy vì mục đích đoạn trừ khổ đau, xây dựng đời sống hạnh phúc an lạc cho mình và cho người khác ngay trong cuộc thế có nhiều mê chấp khổ đau này.
 
-------------------------------

1. Tiểu kinh Rừng sừng bò, Kinh Tùy phiền não, Trung Bộ.
2. Kinh Thân ái, Tương Ưng Bộ.
3. Kinh Đất, Tương Ưng Bộ.
4. Kinh Nguồn nước công đức, Tăng Chi Bộ.
5. Kinh Mallikà, Tương Ưng Bộ.
6. Kinh Pháp Cú, các số 129-132, nói rằng hết thảy chúng sanh đều mong sống, sợ chết, yêu hạnh phúc, ghét khổ đau; hãy lấy tâm lý của mình làm ví dụ để tôn trọng người khác, để không làm hại người khác.
7. Kinh Giáo giới La-hầu-la ở rừng Am-bà-la, Trung Bộ.

Tác giả bài viết: Thanh Trúc
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 224
  • Khách viếng thăm: 200
  • Máy chủ tìm kiếm: 24
  • Hôm nay: 12681
  • Tháng hiện tại: 2820824
  • Tổng lượt truy cập: 88625427
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012