Nơi nương tựa của những linh hồn tài hoa bạc mệnh

Đăng lúc: Thứ sáu - 02/11/2012 21:00 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Nghệ sĩ hài Lý Lắc bên mộ NSND Phùng Há

Nghệ sĩ hài Lý Lắc bên mộ NSND Phùng Há

Đó là nơi "yên giấc ngàn thu" của những người nghệ sĩ sau khi trả xong nợ đời sân khấu đầy vinh danh và khổ lụy...
Đó là nơi "yên giấc ngàn thu" của những người nghệ sĩ sau khi trả xong nợ đời sân khấu đầy vinh danh và khổ lụy...

Nằm khuất trong một ngõ hẻm trên đường Thống Nhất (P.11, Q.Gò Vấp, TP.HCM), có một ngôi chùa đặc biệt bên cạnh nghĩa trang Nghệ sĩ, từng được cố NSND Phùng Há sáng lập cách đây nửa thế kỷ.

Hào quang sân khấu

Tôi đến thăm chùa vào một buổi chiều muộn. Tiếp tôi là nghệ sĩ hài Lý Lắc - một nghệ sĩ không gia đình, tự nguyện đến làm công quả trong chùa. Dù tuổi già, sức yếu nhưng ông rất nhiệt tình dẫn tôi đi dạo một vòng quanh nghĩa trang Nghệ sĩ. Với chất giọng trầm ấm, nhỏ đều, ông kể cho tôi về lịch sử ngôi chùa đặc biệt này cũng như cuộc đời tài hoa của những nhân vật nằm đây.

Ông bắt đầu hồi tưởng về "sự tích" ngôi chùa: "Chùa này do cô Bảy (NSND Phùng Há) sáng lập cách đây 60 năm. Cô thấy xót xa trước cảnh nhiều nghệ sĩ nổi tiếng một thời nhưng lúc "về chiều" lại không chốn nương thân, thậm chí đến lúc chết cũng không có hòm mà chôn. Với sự động viên của hai người bạn thân thiết là Tư Trang và Năm Châu, cô suy nghĩ đến việc tìm đất an nghỉ cuối đời cho nghệ sĩ...

Năm 1949, NSND Phùng Há huy động tiền đóng góp từ các mạnh thường quân, các doanh nghiệp có tấm lòng hảo tâm đứng ra mua đất, xây chùa và nghĩa trang. Chùa Nghệ Sĩ và nghĩa trang Nghệ sĩ được hình thành từ đó với diện tích 6.080m2, tọa lạc trên xã Hạnh Thông Tây, Gò Vấp, TP.HCM. 

Hiện nay, trong chùa có tất cả 546 ngôi mộ được xây đắp chu đáo cùng 500 hũ hài cốt chứa trong hai tháp cốt trong vườn chùa". Nhìn những hũ hài cốt mà lòng tôi nao nao, chợt nghĩ đời người phải chăng rồi cũng chỉ còn lại một nắm tro tàn...

Nghệ sĩ hài Lý Lắc bên mộ NSND Phùng Há

Ông dẫn tôi dạo quanh nghĩa trang, chỉ cho tôi nơi an nghỉ của những "cây đại thụ" sân khấu cải lương. Họ đã khắc sâu trong lòng khán giả cả nước không những về tài năng mà còn là tấm gương đạo đức như: NSND Phụng Há - cô đào nổi danh một thời; NSND Năm Châu; NSND Năm Đồ; NSND Ba Vân hay các NSND Thành Tôn, Từ Anh, Tư Út...

Trong thời hoàng kim còn có các nghệ sĩ khác từ NSND Út Trà Ôn, mệnh danh ông vua vọng cổ qua bài Tình anh bán chiếu gắn liền cả một đời người; NSƯT Thanh Nga được xem là nữ hoàng sân khấu tài sắc vẹn toàn của những năm 70; NSƯT Hoàng Giang, NSƯT Trường Xuân cho đến giọng ca vàng Hữu Phước; hoàng đế đĩa nhựa Lê Tuấn Tài; Út Hiền; soạn giả Hà Triều, Hoa Phượng, soạn giả Vĩnh Điền, đạo diễn Chi Lăng... Bây giờ đến "hàng hậu bối nổi tiếng" cũng về đây an nghỉ vĩnh cửu như: Đức Lợi, Minh Phụng, Lương Tuấn, Kiều Hoa, Bảy Cao, Trương Ánh Loan, Hoàng Tuấn, Lương Tuấn, Lê Vũ Cầu, Tô Kiều Lan, Quốc Hòa, Lê Công Tuấn Anh...

Nhìn chung, họ là những nghệ sĩ, diễn viên rất lộng lẫy trên sân khấu, họ đội mão quan, vua, vận áo cân đai, hay những bộ xiêm y sang trọng, tô son điểm phấn hóa thành những ông hoàng, bà chúa uy phong lẫm liệt, sắc đẹp khuynh thành. Tưởng như cuộc sống là thiên đường đối với những nghệ sĩ, nhưng đó chỉ là những hào nhoáng bên ngoài.

"Vô thường" trong cõi trần

"Đời nghệ sĩ rất nhiều thăng trầm. Sau khi tấm màn nhung khép lại, ánh đèn sân khấu nhường chỗ cho bóng tối trong căn nhà của họ. Trở lại với đời thường, họ phải đối diện trước cảnh cô đơn, trống vắng lạnh lùng... Đến khi sắc tàn, hơi cạn, họ bị người đời lãng quên nhanh chóng, nên khi về đây là những nấm mồ hiu quạnh, có mấy ai viếng thăm?", nghệ sĩ già Lý Lắc chua xót giùm họ, cũng như chính ông đã quá hiểu cái mong manh, vô thường của kiếp cầm ca.

Ông tiếp tục dẫn tôi đến trước ngôi mộ nghệ sĩ Năm Đồ - cô đào tài danh một thời. Khi về già, cô chẳng có gì ngoài một manh chiếu rách nằm thoi thóp bên lề đường, được người ta thương xót đưa về chùa và  giờ còn lại một nấm mồ hoang lạnh, không người viếng thăm. Ông nói rằng, ngày xưa cô Năm Đào được nhiều người mến mộ, có bao nhiêu chàng trai si tình vây quanh, nhưng năm tháng qua đi, hương sắc cũng tàn phai, cuối đời lại phải chịu cảnh cô đơn, khi chết không có người thân.

Một thân phận nghệ sĩ bi thương không kém là nghệ sĩ Bảy Cao. Ông nổi tiếng là "thần đồng" vọng cổ, bởi chỉ nghe một lần đã thuộc. Năm lên 7 tuổi, ông đã biết ca rất nhiều bản ngắn, bản dài. Thế nhưng, ông bầu gánh hát Hoa Sen, danh ca lừng danh và cũng là một soạn giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng này khi mất chẳng có một cái hòm để chôn. Chùa Nghệ Sĩ phải đứng ra mua hòm và chôn cất đàng hoàng với đầy đủ các nghi lễ. Ngày tiễn ông đi, trời Sài Gòn không mưa mà lòng người u ám, đau xót thay một thân phận...

Tôi cũng đến viếng thăm ngôi mộ của nghệ sĩ Đức Lợi  - từng là trụ cột lớn của đoàn Cải lương Sài Gòn và đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, từng đoạt huy chương Vàng (HCV) tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp Toàn quốc năm 1995. Anh là một kép hát oai phong, dõng dạc với giọng ca trầm ấm trong nhiều vở tuồng kiếm hiệp mà một thời Đoàn hát Kim Chưởng tung hoành khắp miền Nam. Nhưng rồi bệnh tật đeo bám dai dẳng, khiến anh phải sống bằng trợ cấp của những tấm lòng hảo tâm. Khi an nghỉ nơi cửa Phật, anh phải nhờ những người nghệ sĩ đưa tiễn...

Trong nghĩa trang, phần lớn là những nghệ sĩ cầm ca này, có hai nhân vật không phải "dân" cải lương, nhưng cũng cùng một số phận nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh. Đó là ngôi sao điện ảnh Lê Công Tuấn Anh - xuất thân từ một đứa trẻ đường phố, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn. Cuộc đời tài năng của chàng nghệ sĩ họ Lê này đã mang theo một tấn bi kịch, những người yêu mến anh vẫn hằng tiếc nuối, nhưng bên lề cũng còn những chuyện thị phi về cuộc tình ngang trái của anh với những bóng hồng đã qua... Rồi những bóng hồng ấy đã không để anh yên, sau khi anh nằm xuống vẫn lôi nhau lên báo để tranh cãi. Giờ, anh vẫn nằm cô quạnh nơi đây. Thỉnh thoảng, có những người bạn thân thiết đến mộ anh đặt bó hoa rồi lại tất bật trở về với cuộc sống riêng. Còn những bóng hồng ngày xưa thì chưa một lần ghé lại.

Theo nghệ sĩ hài Lý Lắc thì điều lớn nhất mà Lê Công Tuấn Anh có được là sự yêu mến của khán giả. Tình cảm đấy có lẽ là sự an ủi duy nhất cho linh hồn anh.

Và, nghệ sĩ kịch Lê Vũ Cầu - người nghệ sĩ giang hồ phiêu bạt khắp nơi, cuối cùng cũng dừng chân an nghỉ nơi cửa chùa...

Hoàng hôn tím sẫm, chia tay ngôi chùa, chia tay người nghệ sĩ già tốt bụng, tôi thấy trong lòng mênh mang một nỗi buồn nhân thế... Dẫu biết rằng cuộc đời con người vốn là kiếp con tằm nhả tơ, nhưng chạnh lòng cho những "con tằm" đem hết tơ nhả cho đời mà chỉ nhận được nỗi cô đơn, hiu quạnh...  Chẳng biết nói gì hơn, tôi đành mượn 4 câu thơ trên tường chùa thay cho lời kết:

"Buông bức màn rồi danh vọng hết

Người về lòng rũ sạch sầu thương

Người vào cởi áo lau son phấn

Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường...".

 


Tác giả bài viết: Hương Sen
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 318
  • Khách viếng thăm: 313
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 101616
  • Tháng hiện tại: 2909759
  • Tổng lượt truy cập: 88714362
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012