Sáp nhập Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng
Trung ương đã thống nhất chủ trương sắp xếp, tinh gọn và hợp nhất cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở cả cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã. Đồng thời, Trung ương cũng chủ trương kết thúc hoạt động của công đoàn viên chức, công đoàn lực lượng vũ trang và giảm mức đóng góp công đoàn phí của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Ban Chấp hành Trung ương cũng nhất trí về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và pháp luật liên quan đến chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để phục vụ việc sắp xếp bộ máy. Các văn bản pháp luật này cần hoàn thành trước ngày 30-6 và có hiệu lực từ ngày 1-7.
Các quy định mới sẽ có thời gian chuyển tiếp để đảm bảo hoạt động thông suốt, không bị gián đoạn, phù hợp với lộ trình sắp xếp, sáp nhập. Trung ương yêu cầu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả việc hoàn thiện thể chế.
Theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo, có 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh giữ nguyên hiện trạng, bao gồm: Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. 52 địa phương còn lại thuộc diện sắp xếp, trong đó có 4 thành phố trực thuộc Trung ương là: TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Một số phương án sáp nhập đang được nghiên cứu như Đà Nẵng và Quảng Nam; Bắc Giang và Bắc Ninh; Hải Phòng và Hải Dương; Lào Cai và Yên Bái...
Ý kiến bạn đọc