TT. Huế: Tưởng niệm 29 năm ngày HT. Chánh Pháp viên tịch

Đăng lúc: Thứ hai - 13/05/2013 08:00 - Người đăng bài viết: Nhuận tâm bình
Sáng nay, ngày 04.04 Quý Tỵ (13.05.2013) tại chùa Phổ Quang, đường Phan Bội Châu, phường Phước Vĩnh, thành phố Huế, Hòa thượng Thích Huệ Ấn và chư Tôn đức Tăng Ni hàng đệ tử đã trang nghiêm tổ chức Lễ Tưởng niệm Húy nhật 29 năm ngày Hòa thượng Thích Chánh Pháp viên tịch.
Đến dâng hương đảnh lễ có Chư Tôn đức các Ban ngành trực thuộc Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế, chư Tôn đức Tăng Ni, các Tổ đình, Tự viện trong tỉnh và đông đảo Phật tử các Đạo tràng, Đoàn chúng về đảnh lễ Tưởng niệm.

Hôm nay, chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni và toàn thể thiện tín Phật tử tỉnh Thừa Thiên Huế, cử hành lễ tưởng niệm để ôn lại cuộc đời và đạo nghiệp của Ngài, là một vị chân tu mẫu mực mà trong cái bài truy niệm có nói đến công hạnh của Hòa thượng, một tấm gương sáng cho các thế hệ hậu bối noi theo.  
 


Chân dung Hòa thượng Chánh Pháp
 
Hoà thượng Chánh Pháp Pháp danh Tâm Quang, là đệ tử đứng hàng thứ bảy của Hoà thượng Tịnh Khiết, thế danh Nguyễn Hữu Trừng, đời thứ 43 dòng thiền Lâm Tế.

Ngài sinh ngày mồng 4 tháng 4 năm Quý Sửu (1913) tại làng An Xuân, xã Quảng Lộc, quận Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên, (nay là xã Quảng An, huyện Quảng Điền); trong một gia đình truyền thống Nho giáo nhưng lại thấm nhuần tư tưởng Phật giáo nhiều đời. Chính vì vậy, mà Ngài đã sớm có ý nguyện xuất gia.

Thân phụ ngài là cụ Nguyễn Hữu Thanh, về sau xuất gia học Phật có Pháp danh là Trừng Tịnh, tự là Diệu Thanh. Thân mẫu là cụ bà Trần Thị Nguyện, Ngài có 5 anh em tất cả và Ngài là con thứ 3 trong gia đình.

Năm lên 14 tuổi, thân mẫu Ngài quá vãng, nhân lúc cung thỉnh chư vị Đại đức Tăng về cầu nguyện cho mẹ, qua phong thái cốt cách xuất trần của chư Tăng mà chí nguyện xuất gia càng được un đúc thêm trong tâm tư của Ngài.

Cư tang mẹ xong, chí xuất trần đã đến hồi quyết định, được sự chấp thuận của thân phụ, Ngài từ biệt gia đình vào chốn thiền môn.

Bước đầu, Ngài vào Tổ đình Tường Vân tham yết Đại lão Hoà thượng Thích Tịnh Hạnh xin được xuất gia, được Hoà thượng Tịnh Hạnh chấp nhận và truyền trao giới pháp tam qui ngũ giới, đặt Pháp danh là Tâm Quang. Song chẳng bao lâu, Đại lão Hoà thượng Tịnh Hạnh viên tịch. Ngài lại tham cầu học đạo với Hoà thượng Tịnh Khiết. Do học với hạnh đều khả quan, chí với nguyện đều xứng đáng nên năm Đinh Sửu (1937) Ngài được chính thức thế độ thọ Sa-di giới tại Tổ đình Tường Vân với pháp tự là Chánh Pháp.

Sau khi được thọ Sa-di giới, Ngài lại càng chuyên tâm tu học hơn nữa. Tám năm sau, tức năm Giáp Thân (1944), Ngài được Hoà thượng Tịnh Khiết cho thọ Cụ túc giới tại Giới đàn Thuyền tôn do Đại lão Hoà thượng Giác Nguyên làm đàn đầu.

Năm Mậu Tý (1948), Ngài được Sơn môn Tăng già Thừa Thiên bổ nhiệm làm trú trì chùa Phổ Quang – Huế. Tại đây, với khả năng của mình, không những nỗ lực không biết mệt mỏi trong công tác tiếp chúng độ sanh, mà Ngài còn tô bồi ngôi phạm vũ từ chỗ hoang tàn, suy sụp thành ngôi chùa cổ kính, trang nghiêm mà ngày nay ai ai cũng biết đến.

Năm Quí Sửu (1973), sau khi Hoà thượng Tịnh Khiết, trú trì Tổ đình Tường Vân viên tịch, Ngài được chư Tăng Ni trong Tông môn mời trông coi Tổ đình, để đôn thúc, hướng dẫn Tăng chúng tu học. Trong thời gian giữ chức trông coi Tổ đình, Ngài đã dùng kinh nghiệm tu tập để dẫn dắt đồ chúng, trang nghiêm phạm vũ, Ngài đã góp phần xây dựng Tổ đình ngày thêm rạng rỡ, đồng thời đem lại cho Tăng chúng, Phật tử niềm tin mãnh liệt vào chánh pháp.

Tháng 5 năm 1982 (Nhâm Tuất), khi Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Trị Thiên thành lập, Ngài được cung thỉnh vào hàng thành viên chứng minh của Giáo hội tỉnh.

Trong cuộc đời tu học, Ngài đã khéo léo dung nhiếp Thuyền Tông và Tịnh độ, cẩn mật hành trì giới luật. Ngài sống một cuộc sống hết sức đơn giản bình dị, tâm chí thì cương trực, kham nhẫn khi gặp mọi trở lực, hành động thì hết lòng phụng sự đạo pháp. Trên bước đường hoằng pháp lợi sanh, Ngài không từ nan bất cứ nhiệm vụ nào.

Cảm nhận về cuộc đời của Ngài, Hoà thượng Thiện Trí, Trú trì chùa Hiếu Quang đã tặng Ngài 2 câu đối:

Qua ỷ tùng biên duy hữu trượng phu tri ngã khổ
Giá sanh trúc bạn ư dư quân tử thức ngô cam.

Và một bài châm rằng:

Thiện tại hành giả
Thiếu thời ly tục
Đồng tuế xuất gia
Xu chánh tỵ tà
Hản lao nhẫn khổ
Thi công bất cố
Khắc kỷ nại hà
Thân tự trác ma
Tòng lâm y chỉ
Tôn lưu lâm tế
Phái diễn Tường Vân
Tăng thống thuỳ lân
Nạp vi Pháp tử
Ân cần Phật sự
Bồi thực thiện căn
Giới hạnh tinh thuần
Phong tư nhã đạm
Tuỳ cơ phú cảm
Tuỳ ngộ nhi an
Thiệp thuỷ đăng san
Tham phương phỏng đạo
Nhơn duyên thành tựu
Y chánh đàng hoàng
Cổ sát Phổ Quang
Chủ trì đương nhiệm
Từ bi nhất niệm
Trí huệ vô biên
Minh nguyệt đương nhiên
Huyền châu ánh hải
Cam lồ phổ Sái
Pháp vũ quân tư
Đức trạch đàn na
Phẩm tiêu liên xả
Dư chi bạn lữ
Khích thiết kỳ tình
Liêu tụng hữu thiên
Dĩ minh chi hỷ. (1)

Thi viết:

Đương nhiên hồi thủ mích tâm chơn
Tảo hướng không môn liễu vọng trần
Y chánh trang nghiêm thù chí nguyện
Sắc không tự tại biểu tăng luân.(1) (2

Đầu năm Ất Sửu (1985) vốn linh cảm được sự hoá duyên sắp mãn, Ngài đã đến thăm viếng các Tổ đình như: Báo Quốc, Từ Đàm, Trúc Lâm và các chùa Hồng Ân, Diệu Đức, Tháp Yết Ma, Tổ đình Tường Vân v.v... Ngài ân cần khuyên bảo đồ chúng bổn tự tinh tấn tu học, thương yêu dìu dắt lẫn nhau trong đạo nghiệp tu học, đồng thời cố gắng góp phần công đức với chư Tăng Ni chung lo Phật sự giáo hội, giúp đỡ tín đồ.

Qua một thời gian thị bệnh và tịnh dưỡng, vào lúc 10 giờ ngày 5 tháng 4 năm Ất Sửu, sau Lễ vía Đức Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát mấy giờ, Ngài đã an nhiên thâu thần thị tịch giữa tiếng tụng kinh niệm Phật của Tăng Ni, Phật tử cùng môn đồ hiếu quyến.

Ngài trụ thế 73 năm và 42 Hạ lạp.

1. MỘT ĐỜI KHỔ HẠNH (kính dâng Giác linh Hoà thượng Phổ Quang, Trí Hải ghi)

Kính lạy Giác linh Thầy, hôm nay lần giở những trang do chính tay thầy ghi lại cuộc đời khổ hạnh của thầy, lòng con không khỏi ngậm ngùi cảm khái hình dung lại những ngày con về thăm Huế năm 1983, đến hầu thầy và được nghe kể chuyện đời xuất gia của thầy từ nhỏ. Ngờ đâu đó cũng là lần cuối con được hầu chuyện cùng thầy. Sáu năm đã trôi qua, con hết nạn trở về thăm quê thì thầy đã về Phật. Thế giới hoại, chân tâm bất hoại! Chắc trong cõi vô cùng, thầy đang mỉm cười lắng nghe con viết lại những gì thầy đã kể cho con nghe.

Ông cố của thầy ở làng Đa Nghi, Quảng Trị sinh ra 4 anh em đều vào Huế tu. Ngài Thanh Tín ở chùa Xuân Tây, Quảng Điền, là con trưởng, bán thế xuất gia, sinh ra ông nội, ông nội sinh ra thân phụ thầy, thân phụ thầy sinh ra thầy. Thầy được 14 tuổi thì ông thân xuất gia, lên Lào tu và ở luôn trên ấy cho đến khi viên tịch, thọ 82 tuổi. Người con thứ, em trai ngài Thanh Tín, cũng bán thế xuất gia, chùa Lang xá, Thừa Thiên, nguyên là thân phụ của Hoà thượng Châu Lâm hiệu Viên Quang khai sơn chùa Châu Lâm, Huế. Người con thứ ba là Đại lão Hoà thượng Yết Ma, đệ tam Tổ chùa Tường Vân, nổi tiếng là bậc chân tu hàng phục được quỷ thần và thú dữ. Ngài cũng là Bổn sư của đức đệ nhất Tăng thống Thích Tịnh Khiết mà con được làm đệ tử từ lúc còn trong thai mẹ.

Người con út là Hoà thượng khai sơn chùa Từ Quang. Năm thân phụ thầy xuất gia, thầy được 14 tuổi. Ít lâu sau mẹ thầy mất, được các chú bác về nhà tụng kinh hàng tuần, nghe tán câu “nhân mạng vô thường” hay quá, thầy xin theo các chú bác đi ở chùa. Thân phụ thầy đem lên gửi thầy ở chùa Tường Vân làm điệu (chú tiểu) hầu ngài Tịnh Hạnh. Tri sự chùa này là ngài Vĩnh Chấn, thư ký là ngài Châu Lâm, cả hai đều có họ hàng với thầy (em chú bác với cha). Nhưng với nề nếp khổ hạnh ở chùa, đã xuất gia làm điệu thì phải giữ bò, gánh nước, đi củi và làm tất cả các việc nặng gọi là “chấp lao phục dịch”. Dù có bà con thân thích “làm lớn” cũng không được miễn cái lệ ấy, còn phải làm gương nữa là khác. Hằng ngày công việc của Thầy gồm có thỉnh chuông hôm, chuông mai, giữ bò, lên núi chặt bổi (vừa cành vừa lá bó lại) về đun bếp, hốt lá bỏ vào ràng bò (cho bò nằm) và quét dọn xung quanh ràng. Một hôm đi chăn bò trong rừng gặp trận mưa lớn, mả mồ lên hơi ngùn ngụt, thầy bận vào làng trú mưa nên bò chạy vô vườn nhà người ta ăn hết mấy cây khoai mì non, bị họ ra lột quần. Từ đó mỗi khi đi chăn bò thầy phải đem theo một cái quần xơ cua, để lỡ bò có vào vườn nhà ai thì thầy sẽ thu giấu cái quần ấy vào một bụi dứa. Một hôm bò chạy vào vườn của một ông thầy đồng (thường xưng là hung thần thổ địa), ông qua chùa mách. Ông thủ khố phải đánh thầy 3 roi cho ông ta thấy, rồi bắt đứng dậy lạy 3 lạy.

Hết phiên giữ bò thì phải nấu ăn, đi chợ. Đun bếp bằng bổi gai (1), về mùa đông bổi ướt phải xóc bằng một cái chĩa ba để hong trên lửa cho khô rồi mới thổi cơm được. Nấu cơm sống thì phải bị quỳ. Đi chợ thì xách thúng theo ông thủ khố hay tri sự. Về chợ Đông Ba đội một thúng đầy mà lên, nào cà, dưa, bí, mướp... Lên tới chùa thì quẹo cả cái cần cổ, vì thầy không biết cách nào hạ cái thúng xuống để nghỉ một lát. Hai hàng nước mắt thầy hoà theo mồ hôi chảy xuống. Mùa hạ đi phát bổi cùng với 2, 3 điệu chùa khác, họ phát quen, thầy chưa quen bị gai đâm chảy máu, lại bó không chặt nên khi xóc vào để gánh thì bổi tuột cả ra, phải bó lại. Khi nào dành được năm ba xu đưa cho điệu mướn xe đạp tập chơi, thì điệu phát bổi và bó bổi giùm, thầy chỉ việc gánh về chùa. Khi không có tiền đút lót cho điệu, thì thầy lén lấy một ít trà đem theo đến nơi phát bổi, vào xóm mượn cái ấm đất nấu nước sôi pha cho thầy Ký Nhuận chùa Từ Quang gần đấy một nồi trà, thầy Ký nhấm nháp nồi trà xong rồi mới phát bổi bó giúp, bỏ lên vai cho thầy gánh về. Thầy gánh chưa quen, trên vai nặng, dưới chân sỏi đá lởm chởm nên chạy chậm, các điệu về trước ăn uống xong mình mới về tới.

Khi hết gạo ăn, điệu nào thuộc công phu thì đi tụng, thầy với mấy người chưa thuộc thì phải vào kho xúc 10 thùng lúa ra xay. Công phu xong, quét dọn rồi thì soạn cối ra giã gạo cho đến 10 giờ. Đến giờ ăn trưa, mỗi điệu được một in cơm (2 chén úp lại), với một chén rau luộc và nửa chén nước tương vừa chua vừa mặn. Nếu biết cư xử với dì vải thì dì cho thêm một dĩa muối “dầu lai” và chén nước luộc rau. Điệu nào có hạnh kiểm tốt mới được lên hầu ngài Tịnh Hạnh. Hầu Ngài thì phải nấu cơm, giặt áo, sắc thuốc. Trưa Ngài nghỉ thì quạt hầu, Ngài kinh hành thì theo sau gõ mõ. Thầy ở chùa được chín mười năm thì ngài bị bệnh phải nằm bệnh viện 4 tháng. Trong thời gian này, thầy phải đi, về bệnh viện mỗi ngày 6 lượt từ lúc 5 giờ sáng. Nào lo sửa soạn trà, nước sôi, ghé nhà bổn đạo lấy sữa họ cúng dường để đem vào Ngài dùng.

Trưa về chùa ăn qua loa rồi xách cơm lên bệnh viện. Đợi Ngài dùng xong, dọn rửa, rồi đem báo Từ Bi Âm ra đọc hầu Ngài nghe. Ngài chỉ rành chữ nho, không biết quốc ngữ. Đến 3 giờ chiều chế trà Ngài dùng, đợi Ngài chích thuốc xong mới trở lên chùa ăn cơm, rồi lại xách cháo về bệnh viện. Tối đến quạt hầu Ngài và kể lịch sử trong báo Từ Bi Âm cho Ngài nghe. Tuy mệt nhọc vất vả nhưng nhờ đọc Từ Bi Âm, thầy được hiểu Phật pháp nên không sanh tâm buồn chán. Lại thấy đức hạnh của bậc thầy khả kính, lòng thầy rất ngưỡng mộ. Ai cúng tiền Ngài cũng từ chối, bảo đã có Chánh cung hoàng hậu (tức bà Nam Phương) đóng tiền phòng, bác sĩ Lê Đình Thám lo thuốc men, thì nhận tiền làm gì. Các nhà giàu sang quyền quý như ông Võ Đình Dung, Võ Đình Thuỵ ở Đà Lạt, em ngài Từ Cung (Đoan Huy Hoàng Thái hậu)... đến xin quy y, ngài một mực từ chối, giới thiệu đến chùa Báo Quốc và Ngài Thiên Hưng để nương nhờ phước đức. Đến nỗi có người cầu khẩn năm bảy lượt, Ngài mới cho quy y.

Đến khi thấy bệnh không khỏi, Ngài dạy thuê xe chở về chùa. Được hơn một tháng, vào lúc 11 giờ đêm Ngài dạy đi mời Sư dẫn thỉnh, khi ấy cả chùa thức dậy, đứng hầu xung quanh. Ngài dạy: “Thế giới hoại”. Ngài Tịnh Khiết (em ruột Ngài, về sau là đức đệ nhất Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam) thưa: “Thế giới hoại, chân tâm bất hoại” Ngài từ từ nhắm mắt mà viên tịch. Lúc ấy người thợ may ở trước chùa thấy một luồng sáng trước Chánh điện bay lên như một cây lụa điều thật dài, đồng thời nghe chuông trống Bát nhã vang dội. Cụ Phan Bội Châu có viết giùm ông thợ may một bức trướng để kính điếu Hoà thượng.

Sau khi Ngài Tịnh Hạnh viên tịch, Hoà thượng Tịnh Khiết lên thay chức vị Trú trì, thế độ cho thầy, bảo thầy làm tri sự. Thầy nghĩ mình hành điệu trên 10 năm nay chưa học hành được gì, mà nay phải cáng đáng việc chùa thì còn đâu thì giờ để học trong khi Giáo hội đang khuyến khích việc đào tạo tăng tài. Bởi thế, thầy xin Ngài để cho học thêm đã. Ngài có ý không bằng lòng. Từ đó việc tu học càng gian nan khắc khổ theo giới luật. Ngài Tịnh Khiết trị chúng rất nghiêm, ba giờ khuya hương đăng khai chuông niệm Phật, ai chưa dậy thì hương đăng cầm roi mây quất vào lưng, bắt quỳ dang hai tay đọc câu “tam giới thuỵ ma đệ nhất” (con ma ngủ là tai hại lớn nhất trong ba cõi) cho đến khi nhập chuông. Xong phải lên chùa tụng công phu. Nhà cửa, vườn tược chỗ nào hơi bê bối một chút là bị phạt roi, hay phạt quỳ. Thầy nghĩ sự khắc khổ này e không chịu nổi, muốn trốn đi chùa khác hoặc xin hội Phật học một học bổng nhưng lại nghĩ, đang làm điệu chùa Tường Vân thì ai dám cấp học bổng, chùa nào dám nhận mình. May thay gặp lúc ngài Thiên Ấn ở Quảng Ngãi ra Huế, mời chú ở đời của thầy là ngài Châu Lâm vào dạy Kinh cho tăng chúng, Ngài bèn xin Hoà thượng cho thầy theo vào Quảng Ngãi học và tiện thể giúp đỡ ông chú trong lúc đau ốm. Buộc lòng ngài Tịnh khiết phải cho đi. Học được hai tháng thì thầy bị sốt rét phải về Huế.

Hoà thượng Châu Lâm giao 100 đồng của bổn đạo cúng để thầy mang về Huế làm một tịnh thất lấy tên là Pháp Uyển Châu Lâm. Hàng tháng thầy được chu cấp hai đồng mua gạo ăn để coi thợ làm nhà. Ở một mình giữa triền núi, xung quanh đầy mồ mả, rừng thông vắng vẻ quạnh hiu, thầy ra Tường Vân rủ thêm một điệu vào ở chung cho có bạn. Nhưng được vài tháng điệu không chịu nổi bỏ về. Thầy ở lại một mình, vừa buồn vừa ăn uống thiếu thốn nên mang bệnh sốt rét. Tuy vậy nghe thầy Trí Độ ở chùa Bảo Quốc giảng kinh cho chúng vào 4 giờ chiều mỗi ngày thầy cũng cố gắng ra nghe, đến 5 giờ rưỡi mới về nấu cơm ăn. Nhiều hôm chưa về tới tịnh thất thì cơn sốt rét nổi lên, thầy phải nằm ngay bên đường chờ hết cơn rồi mới lần mò về. Trộm cũng thừa cơ hội đó quơ hết chuông, mõ, y, áo và gạo, nhân lúc thầy bất tỉnh ngoài hiên. Thầy phải gởi thơ cho Hoà thượng Châu Lâm. Ngài từ Quảng Ngãi về nhờ một bà cụ 75 tuổi bán trầm lên ở với thầy, đưa tiền bảo thầy rủ thêm hai chú lên làm nhà tăng, rồi trở về Quảng Ngãi.

Được uỷ lạo tinh thần, thầy vui vẻ vừa học vừa làm nhà. Thời tiết thật quái ác, khi thì nắng gắt, khi thì mưa tầm tã đến nỗi không đi kiếm củi được để nấu cơm. Thầy thừa lúc mưa to mang tơi cá (một thứ áo mưa bện bằng lá ở Huế ngày xưa) ra đồi lén đốn một cây thông. Khi cây thông gẫy đổ xuống, người giữ đồi nghe được ra chửi thầy thậm tệ. Thầy phải xin lỗi rồi lủi thủi vác rựa về.

Một chiều đi nghe kinh về, thầy thấy bà già bán trầm nằm bất tỉnh dưới đất bên cạnh bộ khay trà và đèn dầu vất vưởng. Thầy bồng bà lên giường rồi đi nhắn cho người cháu biết, nhưng qua ngày ngày hôm sau họ chưa lên thì bà già đã chết. Thầy bối rối vì chẳng có đồng tiền nào, phải chạy quanh nhờ người đến lo liệu chôn cất. May thay có ông đốc Quảng điền cho được cái hòm chứ không thì khốn. Đám hoàn tất, dọn dẹp nhà cửa xong xuôi, tối lại thầy ngồi một mình với cây đèn giữa chốn rừng thông đầy mồ mả mà tủi thân. Thầy lên lạy Phật, Bồ-tát và chư thiên cầu cho được bền chí theo Phật học đạo, hai hàng nước mắt cứ tuôn rơi, nghĩ mình quá bất hạnh: mồ côi mẹ, xa cha, sư phụ mất sớm, theo chú lại gặp biết bao gian khổ... Đêm đó thầy mơ thấy mình ngồi hầu quạt cố Hoà thượng, và đọc lịch sử Phật cho Hoà thượng nghe. Giấc mộng êm đềm làm thầy say sưa đến khi chuông bên Từ Hiếu đánh mới giật mình thức dậy.

Thời gian thấm thoát, nhà tăng vừa xong nhưng chưa có cửa ngõ thì Hoà thượng Châu Lâm từ Quảng Ngãi trở về. Lúc này cụ Đốc Thám và thầy Quy Thiện đang ở Tường Vân, thầy cứ đều đều mỗi sáng lo nhang đăng rồi quét dọn nhà cửa, nấu nước cho Hoà thượng xong ra Tường Vân học, đến 10 giờ về lo cơm nước cho Hoà thượng.

Thầy tiếp tục vô ra Tường Vân, đi học về còn phải làm việc chùa. Thấy thầy siêng năng nghèo khó nên nhiều chùa muốn bảo lãnh thầy ăn học, tuy vậy thầy không muốn phụ nghĩa tổ tông, từ chối tất cả để ẩn nhẫn tu học trong vất vả thiếu thốn mọi bề.

Trong thời gian ấy xảy ra sự việc Hoàng đế Bảo Đại bị tai nạn gãy chân, đức Từ Cung (Đoan Huy Hoàng Thái hậu) lên chùa xin Hoà thượng Tịnh Khiết cử cho các học tăng luân phiên vào cung điện tụng kinh cầu an mỗi tuần hai vị. Được một tháng thì đức Từ Cung xin Hoà thượng cho thầy ngày nào cũng đi tụng, còn một vị nữa thì luân phiên. Lúc đầu thầy cũng khoái, vì mỗi sáng được xe hơi của vua đến đón, vào cung được cung kính cúng dường đủ thứ gấm vóc lụa là, vinh dự tột bực. Nhưng dần dà mới thấy tù túng bực bội. Gẫm lại thầy thấy những thị vệ hầu cận trong cung nếu có phục dịch cung kính mình chẳng qua chỉ vì miếng cơm manh áo, chứ đâu phải vì đạo mà kỉnh tăng. Rồi chính mình cũng vì mỗi tháng ba đồng bạc để học đạo mà phải khép nép như kẻ tù, lúc nào cũng phải giữ ý tứ thật mệt. Ở chùa nóng thì ra giếng tắm mát, đôi khi cởi phăng cả áo nhật bình cũng được. Ở nội cung nóng đổ mồ hôi cũng không dám mặc áo ngắn, luôn luôn phải giữ oai nghi ông thầy. Khi bà hoàng hậu theo đạo Chúa ở xa về thì phải qua cung An Định mà tụng kinh, tháng này qua tháng nọ không dứt. Thầy hết chịu nổi, nên cáo bịnh xin về.

Trở về cuộc sống thiếu hụt như cũ, nhưng may thay một hôm gặp được một bà bổn đạo hảo tâm cúng dường vô điều kiện cho thầy đóng tiền ăn học hàng tháng. Được chừng 5 tháng thì phong trào Việt Minh nổi dậy, gạo củi trở nên khan hiếm, lớp học dần muốn giải tán. Đại giới đàn do thầy Mật Thể xướng lên được mở cho Chư Tăng thọ đại giới, sau đó trường tuyên bố nghỉ học vì chiến tranh. Các chùa cùng kéo nhau đi tản cư về miền quê. Các gia đình bổn đạo đi theo chùa quá đông, thầy phải thu xếp chỗ chứa. Được vài tháng, Tây đổ bộ về quê, lùng bắt từ đầu làng đến cuối làng An xuân, trói tay thầy chung một xâu với 5 đàn ông và 4 phụ nữ dẫn đi, và tiếp tục bắt trói mọi người như thế. Tất cả quý thầy và thầy đều bị đưa về giam ở điện Quan Âm sau chùa Linh Mụ, bọn Tây đánh đập quý thầy rất tàn nhẫn. Kinh sách chùa Linh Mụ bị vứt bỏ làm giấy đi cầu, thầy phải lén đem hoả táng hết.

Sáng hôm sau gặp quan ba Tây đến hỏi về quê làm gì, trả lời đi tản cư, họ mới thả cho ai về chùa nấy. Nhưng tất cả các chùa đều chung một số phận hoang tàn đổ nát. Trở về chùa không bao lâu thì thầy bị Tây bắt cùng với thầy Mật Tín, Thiện Siêu đem giam ở phòng Nhì (deuxième bureau). Trải 4, 5 ngày không ai biết 3 thầy ở đâu để tiếp tế, đến ngày thứ 6 giải về lao Thừa Phủ nhốt vào phòng tập thể nằm giữa nền xi măng, ai có ra lao động kiếm được tấm đệm lót nằm đã là sang lắm. Phòng đông chật ních, những người nằm gần chỗ tiêu tiểu cứ la oai oái suốt đêm vì bị nước tiểu bắn vào đầu. Có người khôi hài nói anh em phải biết tôn ti trật tự, tôi ở tù trước, còn anh em vô sau (là những người bị nằm gần cầu tiêu nhất) nếu làm ồn tôi phạt thức cả đêm. Bọn tù cười ầm, người tu thì kẻ tụng kinh Chúa, người tụng kinh Phật. Cũng may 3 thầy chỉ bị nhốt một tuần thì được về. Về chùa được 10 ngày, quốc gia tổ chức làm chay tại trường Quốc tử giám mời thầy làm kinh sư. Thầy về ở đám chay 3 ngày, trở lại Thuyền Tôn lúc 8 giờ tối thì sáng hôm sau, đồn bảo vệ An Cựu đi lùng, nói hồi đêm chùa tiếp tế cho Việt Minh, mời thầy về đồn giam ba ngày nữa.

Ở chùa Thuyền Tôn chừng 5 tháng thì thầy Linh Quy, Thiện Siêu đi với 2 ông bà Đốc Xướng vào kể chuyện chùa Phổ Quang lâu nay bị hoang phế vì thầy Mật Thể đã bỏ ra Bắc, chùa bị trộm sạch đồ đạc, Giáo hội có ý muốn cử thầy ra đó Trụ trì coi việc trùng tu. Nhờ Phật tử, Long Thiên Hộ pháp gia hộ, việc sửa sang ngôi chánh điện, nhà Tổ nhà Tăng được chu tất với sự đóng góp của toàn thể Giáo hội Tăng Ni cư sĩ. Xong nhiệm vụ thầy xin trở lại Tổ đình hầu hạ quý ôn, nhưng quý Hoà thượng và bổn đạo yêu cầu thầy ở lại duy trì ngôi Tam bảo.

2.Tán thán công hạnh do Hoà thượng Thiện Trí tặng:

Quả ỷ tùng biên, duy hữu trượng phu tri ngã khổ
Giá sang trúc bạn, ư hư quân tử thức ngô hân.

Và bài châm kể đời Thầy:

Lành thay hành giả
Tuổi trẻ ly trần
Đồng chân xuất gia
Hướng chánh tránh tà
Chịu thương chịu khổ
Ra công chẳng nệ
Khổ hạnh sá gì
Mài giũa thân tâm
Tòng lâm nương ở
Vốn dòng Lâm tế
Pháp phái Tường Vân
Tăng thống xót thương
Cho làm pháp tử
Chăm lo Phật sự
Vun xới căn lành
Giới hạnh nghiêm minh
Phong tư thanh nhã
Theo duyên hoá độ
Gặp cảnh thường an
Lặn suối trèo non
Khắp phương học đạo
Nhân duyên thành tựu
Y chánh đủ đầy
Cảnh chùa Phổ Quang
Ngài là chủ vị
Từ bi một niệm
Trí tuệ vô biên
Trăng sáng rỡ ràng
Ngọc ngời đại hải
Cam lồ rưới khắp
Mưa pháp đều cho
Đức thấm đàn na
Hạnh nhuần nước Phật
Bằng lữ chúng tôi
Cảm kích lòng Ngài
Làm nên tụng này
Nêu tỏ chí khí.

Và thầy Thiện Trí còn có bài thơ tặng Thầy như sau:

Đương niên hồi thủ mích tầm chân
Thú hướng không môn liễu vọng trần
Y chánh trang nghiêm thù chí nguyện
Sắc không tự tại biểu tăng luân.

(Quay đầu tầm đạo lúc còn thơ
Hướng cửa Không vì đời huyễn hư
Thân cảnh trang nghiêm tròn chí nguyện
Đến đi vô ngại một thuyền từ).

Hình ảnh buổi lễ
 


Chùa Phổ Quang - Huế





Chư Tôn đức cử hành Lễ Tưởng niệm













Phật tử các giới



Ban lễ nhạc
 

(1)     Xem bài dịch ở cuối bài
(1)    Xem bài dịch ở trang 169 cuối bài.
(1)     Là một bó lớn lá cây gồm cả cành nhỏ, chặt từ rừng về phơi khô để đun bếp thay củi.
Tác giả bài viết: PV. phatgiaoaluoi.com
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 390
  • Khách viếng thăm: 381
  • Máy chủ tìm kiếm: 9
  • Hôm nay: 97724
  • Tháng hiện tại: 2709546
  • Tổng lượt truy cập: 91601119
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012