Tiếng chuông huyền diệu

Đăng lúc: Chủ nhật - 07/04/2013 10:07 - Người đăng bài viết: Nhuận tâm bình
Tiếng mõ tụng kinh cứ đều đều vang lên trong đêm vắng. Những làn khói từ nén nhang trầm nhẹ nhàng lan tỏa mờ mờ như sương sớm quanh quẩn chánh điện tạo không khí thêm trầm mặc uy nghiêm.

Bên ngoài đại lộ, dòng xe cứ nối đuôi nhau bóp kèn inh ỏi ngược xuôi, thi thoảng lại tiếng xe ai đó nẹt pô nghe đinh tai nhức óc rồi hú ga rin rít đến rợn người. Hai cuộc sống, hai cuộc đời kề cận bên nhau, chỉ cách nhau một bức tường rào nhưng là hai thế giới biệt lập rất lạ lùng.

Dừng tụng sau một hồi kinh dài, Sư cô Diệu Hiền nói khẽ:

- Chị Sáu lo chuẩn bị bữa ăn sáng cho sắp nhỏ, nhớ nấu cháo cho con Phúc ăn, hôm qua nó hơi sốt, à nhớ nói chú Hai nấu nồi xông cho thằng Tâm nữa nghe, tội nghiệp...

Trong cái phòng khá rộng tương đối tươm tất, hàng chục đứa trẻ mồ côi đang say sưa ngủ ngon lành như chưa từng có bao bất hạnh đi qua cuộc đời của chúng. Có đứa ôm gối ôm cứng ngắt như đang ôm chính người thân của mình, có đứa nằm mơ thấy gì vui mà phá lên cười khanh khách, có đứa lại khóc tức tưởi vì giấc mơ không hạnh phúc (?).

Đứng ngoài nhìn vào sắp nhỏ, chị Sáu không cầm được nước mắt. Chúng nó mồ côi nhưng lại được những tấm lòng nhân ái chở che, được ăn no mặc ấm, được cắp sách tới trường, vui chơi có bè có bạn, còn con chị... nó đã không còn trên cõi đời này để được chị yêu thương, ve vuốt, hôn lên trán như chị đã từng làm với những đứa trẻ mồ côi xa lạ ở ngôi chùa này hàng chục năm nay. Phải chi con chị còn sống để được nghe những lời xin lỗi muộn mằn, chị sẵn sàng quỳ dưới chân con để xin nó thứ tha tội lỗi của một bà mẹ nhẫn tâm bỏ rơi nó trước một ngôi chùa miệt Bình Dương để chối bỏ cuộc tình vụng trộm với một tên sở khanh đểu cáng, để khi chị trở lại tìm con thì nó đã không còn dù đã được các sư cô tận tình chăm sóc. Nó chết vì lạnh trong cơn bão số 6, mà suy cho cùng nó chết vì sự nhẫn tâm của người rứt ruột đẻ ra nó. Chị hóa điên, hóa dại mấy năm liền, người nhà đưa chị vào Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa chữa trị cật lực. Cũng may là bệnh chị thuyên giảm. Chị bỏ nhà tìm xuống miệt này để trốn chạy quá khứ, trốn chạy tội lỗi của chính mình. Một buổi chiều, chị dừng chân bên ngoài ngôi chùa nhỏ giữa lòng thành phố mênh mông. Tiếng chuông chùa trầm mặc, ngân nga, thúc giục. Cố nhón chân nhìn qua vách tường, chị thấy sắp nhỏ đang được các sư cô chuẩn bị bữa ăn. Lòng tin của chị nhóm lên. Chị hăm hở vào chùa xin được quy y.

- Thưa sư cô. Xin sư làm phước cho con xuống tóc quy y cửa Phật. Con... Nói đến đó, chị bật khóc nức nở.

- Thôi, chị cứ ở lại đây với chùa chăm sóc mấy cháu. Chuyện xuống tóc sẽ tính sau. Tiếng Sư cô Diệu Hiền từ tốn.

Vậy mà đã mười tám năm trời lặng lẽ trôi qua. Chị đã gắn bó ngôi chùa, với tiếng mõ, lời kinh, với lũ nhỏ như chính gia đình của mình lúc nào không rõ. Có quá nhiều kỷ niệm đã buộc chặt cuộc đời chị với tiếng chuông chùa. Quên sao được ngày con Thiện có chồng. Nó nằng nặc mời chị làm chủ hôn đàng gái:

- Má Sáu phải đại diện đàng gái con mới chịu nghe. Con mồ côi từ nhỏ, họ hàng không biết ở đâu, nhờ má mà con mới lớn khôn. Nói đến đó nó khóc ròng làm chị cũng khóc theo.

- Ờ, má hứa mà. Con vui lên đi. Lần đầu tiên chị “làm sui” ở tuổi ba tám trong niềm hạnh phúc vô biên. Giá như... con chị còn sống... Chị lại ngậm ngùi.

Ở ngôi chùa này, chị đã quen với việc mấy đứa nhỏ mồ côi chạy sà vào lòng nũng nịu khoe vừa mới được điểm 10, hay mới được nhận quần áo mới. Buồn, vui, hạnh phúc, chúng nó đều sẻ chia cùng chị. Mà chúng có còn ai đâu để nói, để tâm sự vui buồn. Ngay cả những cái tên chúng nó cũng đều do Sư cô Diệu Hiền đặt cho: thằng Tâm, con Phúc, con Thiện, thằng Nguyện..., cái tên nào cũng chứa đựng sự hạnh phúc, hiền lành, may mắn. Chị đã quá quen với cái chuyện người ta quấn những đứa trẻ bỏ ngay trước cổng chùa, có người còn để lại vài chữ ghi rõ họ tên đứa bé, tên cha, mẹ, quê quán, nhưng cũng có người không để lại một chữ nào. Mặc,  chùa vẫn cứ cưu mang đùm bọc chở che những mảnh đời khốn khó, cố tình bị người đời bỏ quên.

- Làm gì mà lơ thơ lững thững dữ vậy cô Sáu? Tiếng chú Hai Hơn đưa chị về thực tại.

- Có gì đâu anh. Thấy sắp nhỏ ngủ ngon quá. Nhớ con nên tui đứng nhìn giây lát thôi. Chị khẽ khàng trả lời.

- Còn anh đang làm gì mà thức sớm vậy? Chị hỏi.

- Tui thức lâu rồi. Chuẩn bị nấu nồi xông cho thằng Tâm. Tội nghiệp.

Bất chợt chị hỏi nhỏ:

 - Tui thấy anh vô đây làm công quả mà tối ngày không nói một câu. Bộ có chuyện gì nghiêm trọng lắm hả? Nếu tiện, anh kể tui nghe được hôn?

- Có gì đâu mà giấu giếm cô ơi. Tại tui gây nhiều tội lỗi quá, nên giờ muốn vô đây sám hối cuộc đời. Nếu cô muốn tui kể cho nghe.

Những thước phim quá khứ buồn cứ nối nhau trở về theo lời kể chú Hai Hơn. Trước 1975, ở đất Phong Dinh này nói tới tên chú là giới cầm quyền địa phương le lưỡi lắc đầu. Một tay cướp bóc chuyên nghiệp chọc trời khuấy nước. Cướp không xong thì giết. Hai Hơn vô ra tù như cóc bỏ dĩa. Vậy mà chưa một bóng hồng nào lọt vào mắt của chú. Sau giải phóng, chú hoàn lương về quê cũ làm ăn và “gác kiếm giang hồ”. Bảy năm sau, chú để ý thương một cô gái gần nhà không đẹp nhưng có chiếc răng “lòi xỉ” dễ xiêu lòng. Một đám cưới nghèo nhanh chóng diễn ra trong niềm hạnh phúc muộn màng nhưng tràn ngập. Một cô con gái xinh xắn ra đời. Chú đặt tên nó là Trần Thị Hồi Tâm, như căn dặn lòng mình không thể sa ngã một lần nào nữa.

Nhưng sóng gió đã nổi lên kể từ khi những thằng bạn tù năm xưa bắt đầu xuất hiện. Nhà thiếu truớc hụt sau, tính khí giang hồ bốc lên theo những trận nhậu và những lời tâng bốc “chết người”. Hai Hơn bặm gan theo bọn phản động cướp chính quyền. Chuyện vỡ lỡ, bốn thằng trong bọn bị tử hình, chú nhanh chân đào thoát đến tận miệt Đồng Tháp rồi An Giang với cái tên Bảy Bò. Mười chín năm trốn tránh xứ lạ quê nguời, chú cũng nhớ vợ nhớ con đứt ruột nhưng chưa một lần dám mạo hiểm về thăm. Năm rồi chú quá bất ngờ khi được một người công an xa lạ tìm đến giữa đồng - nơi chú đang lẩn trốn - trong cơn mưa tầm tã.

- Chú liệu mà về đầu thú. Cách mạng rất khoan hồng cho những ai lầm lỡ biết quay về nẻo sáng. Thím Hai và em Tâm đã mất do căn bệnh hiểm nghèo. Còn đây là lá thư của chú Ba Sang, người vừa mới ra đầu thú, chú đọc đi.

Chú cố nén nỗi đau vào lòng để không bật lên tiếng khóc. Vợ con chú đã không còn. Chú đã quá vô tâm và có lỗi vạn lần với họ. Đến khi nhắm mắt xuôi tay, họ đã không gặp được mặt chú. Hai Hơn về đầu thú. Không ai xa lánh chú. Chính quyền tới động viên an ủi chú. Chú hối hận nhiều hơn...

Một chiều, đi qua ngôi chùa này, chú đã vô tình nhìn thấy lũ trẻ mồ côi đang nô đùa hạnh phúc trong sự yêu thương của các nhà tu hành. Tiếng chuông chùa cứ ngân nga thúc giục, chú nhớ con Tâm đến xé lòng. Thôi thì xin vào đây khuya sớm chăm sóc lũ nhỏ xem như là một cách trả ơn cuộc đời, sám hối tội tày đình.

- Thôi anh cũng đừng buồn, con người ta có số mạng cả. Chị an ủi.

Tiếng chuông chùa buổi sáng lại ngân lên siêu thoát, như muốn lôi cuốn chúng sanh trút bỏ những cám dỗ, đua chen, lừa lọc cuộc đời để về với Phật. Hai Hơn chắp tay nhìn đăm đăm lên tượng Phật Thích Ca, miệng cứ nguyện cầu lẩm bẩm điều gì đó chắc thiêng liêng lắm mà chỉ có chú mới hiểu được. Phía sau chú, chị Sáu cũng đang niệm Phật liên hồi, đôi mắt nhắm nghiền thành kính.

Buổi sáng bắt đầu. Tiếng lũ trẻ í ới gọi nhau ra sân chùa tập thể dục. Con Tịnh liến thoắng kể chuyện sang sảng:

- Chị báo cho mấy em nghe một tin mừng.

- Tin gì vậy chị? Tụi nhỏ nhao nhao.

- Chị sắp được đi du lịch 5 ngày ở Đà Lạt. Biết sao hôn? Chị học giỏi nhất khối lớp 9 nên được thưởng. Ngon hôn?

- Hoan hô chị Tịnh. Tụi em cũng cố gắng học giỏi như chị. Hoan hô. Tiếng tụi đồng loạt cất lên rôm rả. Mà chị có tiền đem theo hôn?

- Thì... thì... thôi chuyện đó tính sau. Giờ tập thể dục xong mấy chị em mình phụ mấy thầy bẻ lá, chặt cành làm thuốc Nam, sau đó tranh thủ ôn bài, làm vệ sinh phòng ngủ, sân chùa nghe. Tiếng con Tịnh trịnh trọng hướng dẫn sau cái gãi đầu mắc cỡ.

Chị Sáu nghe cay xè sống mũi. Con nhỏ mồ côi nhưng lại xinh đẹp, học giỏi rất lạ thường. Nhiều lần nó gặng hỏi:

- Cô ơi! Con đã lớn rồi, đủ sức chịu đựng mà, cô cho con biết cha mẹ con là ai, ở đâu, còn sống hay đã chết?

Những lúc ấy, chị chỉ biết xoa đầu nó vỗ về:

- Cô không biết, mà rồi thế nào con cũng có dịp gặp lại mẹ cha, trái đất tròn mà con, ráng sống có đức hạnh, hiền lành thì Phật độ con ạ.

- Vậy hả cô? Con sẽ cố gắng sống tốt, để dành tiền sau này về quê thăm cha mẹ ông bà há cô? Nó hân hoan ra mặt.

Lúc nó quay đi với niềm phấn khích vô bờ cũng là lúc chị ngồi bệt xuống sân chùa rưng rưng nước mắt. Chị đã lừa dối nó, đã gieo vào lòng nó một niềm tin không có thật bởi cha mẹ nó đã chết vì căn bệnh AIDS sau khi bỏ nó truớc cổng chùa này. Chị đã làm một điều không thể chấp nhận ở chốn tôn nghiêm, nhưng chị không thể làm khác hơn. Hàng đêm chị quỳ trước tượng Phật để sám hối, để van xin đấng từ bi hỷ xả cho sự nói dối nhưng đang làm sống dậy một con người bé bỏng trong trắng thơ ngây. Mai này có hiểu ra chắc nó không trách hờn chị đâu, bao giờ chị cũng cố tự an ủi mình như vậy.

Hôm nay có khá nhiều đoàn khách đến tham quan chùa. Ngôi chùa được cả thành phố này đặt cho cái tên rất lạ, chùa “Mồ Côi”. Tụi nhỏ hể hả với thật nhiều quà bánh, tập vở, dụng cụ học tập, quần áo mới. Căn phòng tập thể có thêm một ti vi màu mới cáu cạnh làm chúng khoái chí cười lanh lảnh. Có lẽ niềm vui đã xua đi nỗi buồn đang đeo mang chúng như một nghiệp chướng không đáng có.

Thay mặt sắp nhỏ, con Tịnh nói:

- Con xin đại diện cho mấy mươi đứa trẻ mồ côi cha mẹ đang nương náu cổng chùa xin cảm ơn sự quan tâm của các cô chú, chúng con hứa sau nầy lớn lên sẽ... sẽ.... Nói đến đó mắt nó đã đỏ hoe hoe, giọng lạc đi... ngập ngừng rồi tắt hẳn. Thay vào đó là tiếng khóc nức nở đến nao lòng. Như một phản ứng dây chuyền, một đứa, hai đứa, rồi mấy mươi đứa nhỏ cùng bật khóc.

Sân chùa im phăng phắc. Chỉ còn nghe tiếng khóc của cả đoàn khách đến thăm. Những cái lắc đầu đau xót, những tiếng khịt mũi kềm chế cơn xúc động, những chiếc khăn tay đầm đìa nước mắt.

Ở phía sau hậu sảnh, chị Sáu, chú Hai Hơn cũng đang cố kềm lòng đăm đăm nhìn lên Đức Phật từ bi. Hình ảnh đứa con gái chị Sáu lạnh ngắt tím rịm trong cơn bão trước cổng chùa, hình ảnh ba má con Tịnh chết thảm thương như củi mục đen sì, hình ảnh con Hồi Tâm - con tướng cướp Hai Hơn - hấp hối trên giường bệnh miệng vẫn gọi “Ba ơi” đang mồn một ùa về ác nghiệt.

Tiếng chuông chùa lại thong thả ngân nga trầm mặc giữa lòng thành phố đang sôi động nhịp sống mới ngày đêm. Vẫn có tiếng còi xe inh ỏi, những tiếng rú rít, nẹt pô xuống đường tạo những khoảng lửa xanh lè rờn rợn. Vẫn có những vũ trường, quán bar, quán nhậu, karaoke thâu đêm suốt sáng. Những cậu ấm, cô chiêu quay cuồng trong thuốc lắc, xài tiền đô như nước, đua xe bạt mạng trên các đại lộ. Những đại gia sẵn sàng nhét vào áo ngực, quần lót các cô vũ nữ những tờ giấy bạc với cái cười khoái trá, dâm dật, nhưng họ lại sẵn sàng từ chối khéo léo với những món quà nghèo cho sắp nhỏ ở các chùa, trại trẻ mồ côi.

Mặc. Tiếng chuông chùa muôn đời vẫn thế. Vẫn ung dung, tự tại, đĩnh đạc trước bao thế thái nhân tình. Chỉ có những ai hiểu được tiếng thanh âm ngân nga trong ấy mới thấy lòng nhẹ nhàng thư thái tìm về với nguồn gốc cuộc đời trong sự tĩnh lặng hư vô.

Truyện ngắn của Song Anh (Giác Ngộ)
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 258
  • Khách viếng thăm: 247
  • Máy chủ tìm kiếm: 11
  • Hôm nay: 58373
  • Tháng hiện tại: 2992082
  • Tổng lượt truy cập: 91883655
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012