Lược truyện Đức Phật Thích Ca (phần 2)

Đăng lúc: Thứ tư - 17/04/2013 21:19 - Người đăng bài viết: Nhuận tâm bình
Lược truyện Đức Phật Thích Ca (phần 2)

Lược truyện Đức Phật Thích Ca (phần 2)

Năm thái tử Tất Đạt Đa 9 tuổi, cậu được vua cha cho đi dự lễ cày ruộng đầu năm. Chính vua Tịnh Phạn là người chủ tọa buổi lễ này. Các vị đạo sĩ và tu sĩ Bà La Môn được mời tới dự. Buổi lễ được cử hành nơi thửa ruộng tốt nhất không xa hoàng thành. Không khí hôm nay thật tưng bừng náo nhiệt. Các thầy Bà La Môn đang tụng kinh rất nghiêm trang. Vua mặc hoàng bào và các vị quan cũng mặc triều phục đang đứng xoay mặt về phía lễ đài. Tất Đạt Đa cũng đứng tham dự lễ, nhưng vì các thầy xướng tụng quá lâu, cậu cảm thấy nóng nực nên đi tìm chỗ mát dưới tàn cây Diêm phù bên đường ngồi nghỉ.
3. Dự lễ cày ruộng đầu năm
 
1

Sau khi các thầy Bà La Môn kết thúc việc đọc kinh, vua Tịnh Phạn bước xuống ruộng, nắm lấy cán cày với sự phụ tá của hai vị quan võ, vua đã cày luống cày đầu tiên của mùa làm ruộng mới. Dân chúng vỗ tay hoan hô vang rền. Các nông dân bắt đầu xuống ruộng làm theo vua. Họ cày những luống cày đầu tiên trên thửa ruộng của họ.

Nghe tiếng reo hò, Tất Đạt Đa cũng chạy ra xem. Cậu nhìn thấy một con trâu đang nặng nhọc kéo cày, theo sau là một bác nông dân lực lưỡng, tay trái cầm cán cày, tay phải cầm cây roi quất mạnh vào lưng con trâu. Trời nắng gắt, mồ hôi ông ta chảy ra đẫm ướt cả thân mình. Nơi lưỡi cày đi qua đất được lật ngửa rẽ ra thành luống hai bên trông thật ngay hàng thẳng lối. Hàng ngàn con giun ở dưới đất chui lên, có những con bị lưỡi cày cắt làm đôi đang quằn quại trên luống đất. Những con chim bay sà xuống thấp đớp lấy những con giun đang vùng vẫy hoảng sợ. Rồi cậu lại thấy một con chim lớn sà xuống rượt bắt những con chim nhỏ để ăn thịt.

Trời lúc này nắng gắt, thái tử vừa mệt vì nắng, vừa chán nản vì thấy cảnh thú vật ăn thịt lẫn nhau, cậu bèn trở lại chỗ cây Diêm phù. Những hình ảnh mà Tất Đạt Đa vừa thấy thật là mới lạ, đã kích thích cậu ngồi xếp bằng dưới gốc cây và nhắm mắt lại để chiêm nghiệm những gì đã thấy. Cậu ngồi ngay thẳng với tư thế uy nghiêm và rất đẹp. Hình ảnh người nông dân cày ruộng cực khổ đổ mồ hôi dưới ánh nắng nóng bức; hình ảnh con trâu nặng nhọc kéo cày còn bị những nhát roi quất lên mình thành những vết thương dài; hình ảnh những con giun bị luống cày cắt đứt làm đôi đang vùng vẫy đau đớn; hình ảnh những con chim nhỏ sà xuống bắt những con giun; hình ảnh con chim lớn rượt bắt những con chim nhỏ để ăn thịt; những cảnh tượng tàn sát lẫn nhau để mà sống này cứ hiện lên trong đầu của thái tử. Cuộc sống quả là một cái vòng đau khổ, tất cả chỉ vì miếng ăn mà phải cực khổ, đấu tranh, tàn sát lẫn nhau để sống. Thái tử cảm thấy xót thương cho bác nông dân, con trâu, con giun, con chim ... cậu ước mong sao tất cả người và vật không còn khổ đau nữa, không còn phải vì sự sống mà ăn thịt lẫn nhau.
 
1

Một lát sau khi vua và bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề tới gốc cây Diêm phù để tìm con, thấy Tất Đạt Đa vẫn còn ngồi đó. Bà cảm động đến khóc khi thấy Tất Đạt Đa ngồi đẹp như một pho tượng nhỏ dưới gốc cây. Nhưng vua thì lại lo ngại vì thái tử mới có 9 tuổi mà đã biết ngồi trầm tư như thế thì lời tiên đoán của Đạo sĩ A Tư Đà có thể trở thành sự thật.
  
4. Thái tử nhân từ
 
1
 
Sau khi sinh thái tử được 7 ngày thì hoàng hậu Ma Da từ trần. Trước khi qua đời, hoàng hậu đã dặn dò người em của mình là Ma Ha Ba Xà Ba Đề (Mahapajapati): “Chắc chị sẽ không còn sống lâu để chăm sóc con được nữa. Sau khi chị mất, em hãy chăm sóc Tất Đạt Đa giùm chị”. Người em nhận lời. Bà hứa sẽ thương yêu thái tử và chăm sóc cháu như là con của mình.

Thái tử lớn lên trở thành một cậu trai thông minh, xinh đẹp và nhân từ. Vua đã sắp xếp cho thái tử được học với những vị thầy danh tiếng nhất vương quốc, và thái tử đã tỏ ra là một người thông minh phi thường. Sau vài ngày đầu học tập, những vị thầy đã trình lên vua rằng: “Muôn tâu bệ hạ! Thái tử rất thông minh, những bài học chúng tôi chỉ dạy qua một lần là thái tử hiểu và nhớ rất kỹ. Thật ra có những điều mà thái tử thắc mắc chúng tôi không thể giải đáp, hoặc thái tử có những hiểu biết mà chúng tôi chưa hiểu biết”.

Nghe được điều này, niềm tự hào của vua về đứa con trai của mình càng tăng thêm. Ông sung sướng nghĩ: “Với sự thông minh này, thái tử con ta chắc chắn sẽ trở thành một vị vua thông minh và đầy uy quyền”.

Thế nhưng thái tử có một điều khác còn nổi bật hơn cả sự thông minh của cậu: Đó là lòng tử tế, sự lịch thiệp và tình yêu thiên nhiên. Đối với những đứa trẻ cùng trang lứa với thái tử, chúng thích đùa giỡn, nghịch phá hoặc chia phe đánh nhau trong những lúc rảnh rỗi. Riêng thái tử thì ngược lại thích ngồi yên lặng một mình. Cậu thương yêu các súc vật nhỏ sống ở trong vườn của hoàng cung và trở thành người bạn thân thiện của chúng. Những con vật biết thái tử không làm thương tổn chúng, cho nên chúng không bao giờ sợ thái tử. Ngay cả những động vật hoang dại, chúng sẽ bỏ chạy khi thấy một người nào đó đến gần, nhưng mỗi khi thái tử vào trong vườn, chúng lại mừng rỡ mon men đến gần và ăn các thức ăn trên tay thái tử một cách tự nhiên, vì mỗi lần thái tử vào trong vườn đều đem theo thức ăn cho chúng.

Một ngày nọ, thái tử đang ngồi trong vườn, có một đàn thiên nga trắng xóa bay ngang trên đầu. Bất ngờ, một mũi tên bắn lên không trung, trúng vào một con trong bầy. Nó lảo đảo rồi rơi xuống đất ngay trước chân của thái tử, mũi tên vẫn còn ghim nơi cánh của nó.

“Ôi! Tội nghiệp con thiên nga quá”, thái tử nhủ thầm và ôm con chim lên, “đừng có sợ nghe cưng, ta sẽ chăm sóc cho con, từ từ rồi ta sẽ lấy mũi tên ra cho”. Thế rồi tay này thái tử nhẹ nhàng vuốt ve con thiên nga để nó bớt sợ, tay kia thái tử rút mũi tên ra một cách thận trọng. Xong thái tử lấy thuốc rửa chùi vết thương cho nó, vừa làm thái tử vừa thì thầm an ủi khiến cho nó không còn sợ hãi nữa. Lau vết thương xong thái tử cởi áo ngoài của mình ra, quấn quanh mình nó cho ấm.
 
1

Một lúc sau, có cậu thiếu niên chạy vào trong vườn. Đó là người em họ của thái tử tên là Đề Bà Đạt Đa (Devadatta). Cậu ta mang theo cung tên và rất vui mừng nói: “Tất Đạt Đa, Tất Đạt Đa, em vừa mới bắn được một con thiên nga. Anh thấy đấy, em chỉ bắn có một phát thôi là đã hạ được một con chim rồi. Nó rơi xuống chung quanh đây, anh kiếm giúp giùm em đi”.

Ngay lúc ấy, Đề Bà Đạt Đa phát hiện một mũi tên của mình dính máu nằm ở dưới đất gần bên chân của Tất Đạt Đa. Nhìn kỹ, cậu ta thấy thái tử đang cầm vật gì trong tay và rồi nhận ra đó là con thiên nga mà cậu đang tìm. Cậu la lên: “Anh lấy con thiên nga của em đấy à? Đưa lại cho em đi. Em đã bắn hạ nó thì nó là của em”. Đề Bà Đạt Đa liền chụp lấy con chim, nhưng thái tử ôm sát nó vào lòng mình, khiến Đề Bà Đạt Đa tức giận vô cùng.

Thái tử nói một cách kiên quyết rằng: “Anh đã bắt gặp con chim nằm quằn quại đầy máu nơi mình. Anh không thể đưa nó cho bất cứ ai khi nó đang bị thương”.

Đề Bà Đạt Đa la lên: “Nhưng nó là của em. Chính em đã bắn nó, anh phỗng tay trên của em đâu có được. Hãy trả nó lại đây”.

Hai cậu thiếu niên đứng tranh cãi một hồi. Đề Bà Đạt Đa càng lúc càng trở nên giận dữ, nhưng thái tử vẫn một mực không giao con thiên nga cho cậu ta. Sau cùng thái tử nói: “Khi hai người tranh cãi một vấn đề không xong thì nên giải quyết bằng pháp luật. Trước những người thông thái có thẩm quyền, chúng ta cứ trình bày những sự việc xảy ra, để cho những vị này quyết định ai đúng. Tôi nghĩ chúng ta nên giải quyết bằng cách này là tốt nhất”.

Đề Bà Đạt Đa không thích ý kiến này lắm, song chỉ còn có cách này mới hy vọng lấy lại được con thiên nga mà thôi, nên cậu phải đồng ý. Rồi họ đi vào cung điện, thưa lại với vua và quần thần. Mọi người đều bật cười với nhau khi nghe họ trình bày sự việc. Các quan nói: “Chỉ có mỗi một con chim mà làm mất thời giờ của chúng tôi quá, thật không đáng tí nào”. Nhưng vua lại nói: “Tất Đạt Đa và Đề Bà Đạt Đa là những thái tử của hoàng tộc, trẫm rất vui mừng vì chúng đã biết nhờ chúng ta giải quyết những việc bất bình bằng xét xử. Trẫm nghĩ điều đó rất quan trọng, bởi vì chúng là những nhà lãnh đạo tương lai, biết dùng cách giải quyết bằng pháp lý. Chúng ta hãy xét xử xem sao”.

Sau đó mỗi cậu trình bày những sự việc đã xảy ra. Các quan cố gắng lắng nghe để quyết định ai đúng, thì con thiên nga sẽ thuộc về người đó. Người thì cho rằng Đề Bà Đạt Đa bắn con chim, đương nhiên nó thuộc về cậu ta. Người khác lại cho rằng Tất Đạt Đa bắt được con thiên nga thì nó thuộc về thái tử. Các quan bàn luận với nhau mà chưa giải quyết dứt điểm.

Cuối cùng một ông lớn tuổi nhất nói: “Giá trị của sự sống quý hơn tất cả mọi thứ trên thế gian này. Vì thế tôi nghĩ rằng con thiên nga thuộc về ai đã cứu sống nó, không thuộc về người đã cướp mất đời sống của nó. Vậy con thiên nga này là của Tất Đạt Đa”.

Mọi người vỗ tay hoan hô ý kiến này. Thế là thái tử Tất Đạt Đa được mọi người biểu quyết thắng cuộc.

5. Cuộc thi tài cầu hôn
 
 
1
 
Thái tử ngày càng trưởng thành, lòng nhân ái của cậu càng được mọi người thương yêu quý mến. Song cha của cậu thì lại lo rầu. Ông nghĩ: “Tất Đạt Đa quá nhân ái và nhiều cảm xúc. Ta muốn con trai của ta trở thành một vị vua vĩ đại, có sức mạnh và đầy uy lực. Nhưng thái tử lại thích trầm tư một mình ở trong vườn hơn là học cách thức cai trị một vương quốc. Ta lo lắng con trai của ta chẳng bao lâu sẽ từ bỏ hoàng cung, sống đời ẩn sĩ như lời đạo sĩ A Tư Đà đã tiên đoán. Nếu thật sự như vậy thì thái tử sẽ không bao giờ trở thành vị vua vĩ đại”.

Vua rất lo lắng về việc thái tử sẽ ra đi. Vua đem nỗi lo của mình trình bày cho các quan nghe. Có một người đề nghị: “Tâu bệ hạ, thái tử hay ngồi lặng yên và mơ mộng về những thế giới khác, bởi vì cậu ta chưa tiếp xúc với hiện thực của cuộc đời này. Xin bệ hạ hãy kiếm cho thái tử một người vợ, khi thái tử có vợ và có con rồi sẽ không còn mơ mộng nữa và sẽ quan tâm đến việc học tập, cách thức cai trị vương quốc”.

Vua cho rằng đây là một đề nghị rất tuyệt vời. Vua liền cho tổ chức một buổi nhạc hội lớn ở trong cung điện. Tất cả những thiếu nữ xinh đẹp từ các gia đình quý tộc được mời đến tham dự. Cuối buổi nhạc hội thái tử được mời tặng quà cho từng cô gái, trong lúc thái tử tặng quà các quan theo dõi xem chàng thích cô nào.

Những cô gái trẻ rất lúng túng khi xuất hiện trước thái tử. Thái tử trông đẹp trai và nổi bật hẳn giữa đống quà đắt tiền để trên bàn phía trước mặt. Từng cô gái rụt rè tiến đến chỗ thái tử, không dám nhìn lên. Các cô lặng lẽ nhận nhẫn, vòng xuyến xong vội vã trở về chỗ cũ.

Cuối cùng có một cô gái trẻ tên là Da Du Đà La (Yasshodara), con gái của ông vua nước lân cận, không như những cô gái khác, cô tiến đến chỗ thái tử một cách tự nhiên. Đây là lần đầu trong đêm, thái tử nhìn chăm chú vào cô gái này. Nàng rất xinh đẹp và thái tử dường như đã bị sắc đẹp của nàng thu hút.

Họ đứng bất động, bốn mắt nhìn nhau say đắm. Lúc ấy Da Du Đà La dịu dàng lên tiếng: “Dạ thưa thái tử, quà của em đâu?”. Thái tử như người trong mơ vừa tỉnh, cậu nhìn xuống bàn nhưng quà tặng đã hết. Thái tử vội nói: “Đây, hãy nhận món quà này”. Thái tử tháo chiếc nhẫn trong tay ra. “Đây là món quà anh tặng em”. Da Du Đà La lịch sự đón nhận chiếc nhẫn và từ từ đi về chỗ cũ.

Các quan đã thấy rõ mọi việc và vui mừng đến báo cho vua biết. Họ sung sướng tường thuật: “Tâu bệ hạ, chúng tôi đã tìm được một cô gái xứng đáng cho thái tử. Cô ta là công chúa Da Du Đà La, con gái của vua Thiện Giác (Suprabuddha) ở nước láng giềng. Xin bệ hạ hãy đi qua gặp ông vua này và xin cưới con gái của ông cho thái tử”.

Vua Tịnh Phạn đồng ý và chuẩn bị lễ vật đi qua gặp cha của Da Du Đà La. Vị vua này tiếp đón vua Tịnh Phạn rất thân mật và nói: “Tôi biết con trai của Ngài là một người rất tốt, song tôi không thể gả con gái của mình cho một người nào đó một cách đơn giản. Nhiều thái tử khác cũng xin cưới con gái tôi và họ đều là những chàng trai tuyệt vời. Họ rất điệu nghệ trong việc cưỡi ngựa, bắn cung và chơi các môn thể thao quý tộc khác. Thái tử sẽ phải thi tài với những người cầu hôn đó theo phong tục của chúng tôi”.

Sau đó một cuộc thi tài được tổ chức và Da Du Đà La xinh đẹp là phần thưởng quý giá nhất. Vua Tịnh Phạn rất lo âu, ông nghĩ: “Con trai ta không quan tâm đến các môn chơi của chiến sĩ, liệu nó có thể chiến thắng cuộc thi tài này không?”. Thái tử hiểu được nỗi lo của cha nên thưa rằng: “Xin vua cha đừng quá lo lắng. Con sẽ làm hết khả năng của mình để chiến thắng và Da Du Đà La sẽ là vợ của con”.

Cuộc thi đầu tiên là bắn cung. Những chàng trai đặt những tấm bia của họ ở khoảng cách xa mà họ có thể bắn trúng chấm giữa của bia. Khi tới lượt Đề Bà Đạt Đa – em họ của Tất Đạt Đa – cậu ta không chỉ bắn trúng điểm giữa của bia, mà còn xuyên qua cả tấm bia. Mọi người hoan hô nồng nhiệt. Riêng Da Du Đà La lại che giấu nỗi lo của mình. Cô nghĩ: “Làm sao Tất Đạt Đa yêu quý của ta có thể bắn được như thế?”

Thái tử rất tự tin ở khả năng của mình. Đến lượt chàng thi bắn, Tất Đạt Đa đặt tấm bia xa tít tầm mắt mọi người. Rồi chàng lấy một mũi tên từ trong bao ra nạp vào cung. Tuy nhiên do thái tử quá mạnh tay nên khi kéo cây cung đã gãy đôi.

Thái tử nói: “Làm ơn tìm cho tôi một cây cung khác, chắc hơn cây cung này”.

Một ông quan nói: “Thưa thái tử, có một cây cung rất cổ ở trong cung. Cây cung này của một chiến sĩ mạnh nhất thời bấy giờ. Kể từ khi ông ta chết đến nay chưa có ai đủ sức kéo nổi dây cung này, huống hồ bắn nó được”.

Tôi sẽ bắn cây cung ấy”, thái tử tuyên bố trước sự ngạc nhiên của mọi người. Sau khi họ đem cây cung đến, thái tử cầm cây cung lên, thử uốn cong và kéo dây một cách dễ dàng. Sau đó thái tử tra tên vào cung, kéo hết dây và nhắm mục đích. Choang! Phát tên bắn ra kêu to đến nỗi những người trong làng cách xa đó cũng nghe được. Mũi tên xé gió đi rất nhanh, khi nó trúng tấm bia – ngay trung tâm điểm – chẳng những nó không dừng lại đó mà còn xuyên qua tiếp tục và bay xa tít tầm mắt của mọi người.

Đám đông hoan hô nồng nhiệt “Thái tử chiến thắng! Thái tử chiến thắng!”. Song bắn cung mới chỉ là cuộc thi tài đầu tiên trong ngày. Cuộc thi đấu kế tiếp là kiếm thuật.

Mỗi người chọn một cây kiếm và biểu lộ sức mạnh của mình bằng cách hạ thân cây gần đó với một nhát gươm của mình. Người thứ nhất hạ một thân cây dầy khoảng 15 cm. Người thứ hai 22 cm. Người thứ ba 30 cm.

Đến lượt thái tử, chàng chọn một cây mà hai thân mọc sát nhau. Thái tử vung gươm chém một nhát thật nhanh, cắt ngang thân cây trong chớp mắt, nhưng nó vẫn đứng sừng sững đó. Lưỡi gươm của thái tử quá bén đến nỗi vết cắt không làm cho thân cây đổ ngã. Khi mọi người nhìn thấy cây không đổ, cả đám đông, nhất là Da Du Đà La than thở: “Thái tử đã thất bại. Nhát gươm của chàng đã không cắt đứt được thân cây”.

Lúc ấy chợt một cơn gió mạnh thổi đến làm thân cây lay động và từ từ lật đổ. Lời than của đám đông chuyển qua vui mừng và họ lại reo lên: “Thái tử chiến thắng”.

Cuộc thi cuối cùng là môn cưỡi ngựa. Một con ngựa hoang hung dữ, chưa có người nào cưỡi được nó, đang được những người đàn ông khỏe mạnh dắt ra. Mỗi người cầu hôn gắng leo lên cưỡi nó. Nhưng con ngựa cứ nhảy chồm lên và đá hậu rất dữ. Không một ai có thể leo lên lưng nó được. Cuối cùng một chàng trai cũng đã điều phục được nó, ngồi trên lưng nó để cho những người giữ ngựa dắt đi. Thế nhưng chỉ một lát nó đã nhảy bổ lên với sự giận dữ, hất người ngồi trên lưng nó rơi xuống đất. Nếu không được sự cứu giúp kịp thời của những người giữ ngựa lôi anh ta ra chỗ an toàn, thì có lẽ ngựa đã giẫm anh chết rồi.

Khán giả bắt đầu la ó: “Hãy ngưng ngay cuộc thi đấu này đi! Không nên để thái tử đến gần con ngựa đó. Nó rất nguy hiểm. Nó sẽ giết chết thái tử”. Nhưng thái tử vẫn bình tĩnh. Chàng nghĩ: “Tính hiền dịu có năng lực hơn cả sức mạnh vũ phu”. Thái tử từ từ tiến ra chỗ con ngựa. Chàng vuốt ve những chòm lông trên đầu nó, nói thì thầm vào lỗ tai nó, nhẹ nhàng vuốt lên đầu lên mình nó. Thái tử đã làm dịu đi cơn giận dữ và sợ hãi của nó.

Một lát sau con ngựa trở nên hiền lành. Nó bắt đầu liếm tay của Tất Đạt Đa. Thái tử vẫn thì thầm dịu ngọt với nó. Sau đó chàng leo lên lưng nó một cách dễ dàng. Thái tử cưỡi ngựa diễu hành ngang qua mọi người, trong những tiếng reo hò vui mừng của họ. Thái tử đã đón nhận phần thưởng quý giá, đó là công chúa Da Du Đà La xinh đẹp. Cuộc thi tài đã kết thúc. Thái tử Tất Đạt Đa đã chiến thắng. Cuộc thi tài đã chứng tỏ thái tử Tất Đạt Đa không chỉ có sức mạnh phi thường, mà còn có cả lòng từ bi vô hạn nữa
 
1 
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 575
  • Khách viếng thăm: 565
  • Máy chủ tìm kiếm: 10
  • Hôm nay: 93784
  • Tháng hiện tại: 2322126
  • Tổng lượt truy cập: 91213699
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012