Lời vàng còn mãi ngàn năm

Đăng lúc: Chủ nhật - 05/03/2023 05:49 - Người đăng bài viết: Quảng Hoàng
Khi màn đêm còn phủ kín cả bầu trời, ngoài kia sương khuya vẫn còn rơi, mọi người vẫn còn say sưa trong giấc ngủ. Thì nơi đây, sau một hồi chuông, đại chúng lại thức dậy chuẩn bị cho khóa lễ buổi sáng. Ngày mới lại bắt đầu. Giữa không gian thanh vắng đầy yên tĩnh, hòa trong không khí tinh anh của buổi sớm mai, từng lời kinh câu kệ âm ba vang vọng, lúc trầm lúc bổng theo tiếng nhịp mõ lan xa, khắc sâu những lời giáo huấn vắn tắt của đức Phật trước lúc Niết-bàn vào dòng tâm thức còn u mê vừa chợt tỉnh của những đứa con đang tìm về bờ giác.


“Đó là những lời từ Phật dạy
Cũng là lời để lại sau cùng
Phật đà trí tuệ đại hùng
Muôn đời soi sáng trùng trùng nhân gian”.

Kinh Di Giáo hay còn gọi là Kinh Giáo Huấn Vắn Tắt Lúc Sắp Niết-bàn Của Phật. Đó là những lời chỉ dạy, căn dặn cốt yếu nhất, những phẩm hạnh thường ngày mà người xuất gia phải nghiêm trì vâng giữ để đạt đến tuệ giác giải thoát, và cũng chính là điều cốt yếu của chánh pháp. Ngài gọi các đệ tử Tỳ-kheo một cách thân ái, ân cần, như tấm lòng của người cha lo cho các con khờ trước lúc đi xa, nghe thật trìu mến và cảm động, có sức thuyết phục cảm hóa người nghe một cách lạ thường. Tuy rằng thời khóa tụng kinh Di Giáo tại chùa chỉ mới diễn ra trong thời gian gần đây, thế nhưng mọi người ai cũng hấp thụ và cảm nhận được giá trị và nghĩa lý của lời Phật dạy. Sư phụ Trụ trì chùa Hoằng Pháp cũng đã từng đọc trên đĩa CD, và mở cho đại chúng nghe vào mỗi buổi sáng sau thời công phu Lăng-nghiêm, khi mọi người đi chấp tác quét dọn quanh chùa. Trong không khí mát mẻ của buổi sáng, cái hơi lạnh của những giọt nước mưa đêm qua còn đọng lại, lẫn trong tiếng chổi xào xạc, tiếng ve ngân rả rít đầu Hè, hòa vào lời dạy của Phật lúc sắp giã biệt cõi đời qua giọng đọc trầm ấm của Sư phụ, làm cho tâm tư của chúng con bồi hồi xúc cảm. Dường như không gian và thời gian muôn vật nơi đây đang chùn lại, cảm nhận được cái thời khắc đau buồn này. Ôi thương kính Phật vô cùng, vị cha lành của chúng sanh. Ngài đã chỉ bày tường tận mọi thứ để các đệ tử y cứ mà thực hành, cũng như Như Lai vẫn còn ở đời, hãy xem tịnh giới là bậc Thầy cao cả mà tôn kính giữ gìn. Ngài dạy các tố chất phẩm hạnh không thể thiếu của một vị Tăng sĩ cần phải ghi khắc, làm đề mục để tu tập, cũng như Ngài đã thực hành và chứng đắc:

1. Chế ngự năm căn và vọng tâm.

2. Tiết độ ăn uống, ngủ nghỉ.

3. Kiên trì nhẫn nhục và đề phòng giận dữ phát sinh.

4. Phế bỏ trang sức, khất thực để trừ kiêu mạn.

5. Giữ tâm chất trực, không hý luận.

6. Thực hành hạnh ít ham muốn, biết đủ và siêu thoát.

7. Nỗ lực tinh tấn.

8. Giữ gìn chánh niệm.

9. Thực tập thiền định.

10. Trao dồi trí tuệ.

Đức Phật đã tha thiết khuyến dụ: “Này các thầy Tỳ-kheo, hãy thường nhất tâm nỗ lực cần cầu tuệ giác giải thoát. Toàn thể vũ trụ dù pháp biến dịch hay pháp bất động, đều là trạng thái bất an và tan hoại. Chỉ có đạo Ta là cao quý. Chỉ có chân lý của đạo Ta là bất di bất dịch. Hãy tinh tấn lên để giải thoát”. Như vậy, mục tiêu tối hậu của người tu Phật là phải giải thoát mọi khổ đau, và điều kiện quyết định là tinh tấn nghiêm trì giới luật.

Những lời di huấn trên, ta thấy đức Phật thương chúng sanh như cha mẹ thương con, không nỡ để chúng ta say đắm ngũ dục quên mất đường về, khuyên các con thức tỉnh chánh niệm, đừng để mất thân người trong tấm áo ca-sa. Cũng nối tiếp tinh thần của Phật, nên Sư Tổ khai sáng chùa Hoằng Pháp cũng dạy các đệ tử lúc sinh thời. Dầu đến lúc gần lìa cõi tạm, Ngài vẫn còn chưa thỏa nguyện bình sinh. Mỗi khi các đệ tử xa gần về thăm, là Ngài cứ nhắc nhở: “Hãy tinh tấn tu hành, chuyên cần niệm Phật, đừng để vọng niệm theo trần cảnh. Vẫn biết nhị đế phải dung thông, nhưng trong cái tùy duyên với muôn nghìn phương tiện thiện xảo ấy, các con đừng để bị nhận chìm trong tục đế, mà phải như đóa sen thanh khiết nơi vũng bùn lầy nước đục. Tuy bất cứ hoàn cảnh hay trạng huống nào, vẫn xứng đáng với con dòng họ Thích. Đừng phản bội lại lý tưởng của chính mình”. Thật là hạnh nguyện vị tha một trái tim Bồ-tát. Từ ngày thành đạo dưới cội Bồ-đề, Ngài chuyển bánh xe pháp, giảng giải giáo lý, hóa độ chúng sanh. Cho đến lúc vào đại Niết-bàn, đức Phật làm việc liên tục không hề biết mệt mỏi, ngõ hầu hoàn thành hạnh nguyện “khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”. Để truyền bá chánh pháp, Ngài đã đi khắp xứ Ấn Độ, hết nơi này đến nơi khác. Hễ nơi nào có dấu chân của Ngài cùng Tăng đoàn bước đến, thì tà giáo ngoại đạo lui xa rồi mất dạng, như những đám mây và bóng tối trước ánh sáng bình minh. Giọng thuyết pháp của Ngài có oai lực như tiếng sư tử hống, hay tiếng sóng gầm, làm khiếp phục tan biến những âm thanh tầm thường khác, nhiếp phục muôn loài.



 

Chúng ta lại thấy, Ngài không dạy một điều nào mà Ngài không làm. Dù đã thành Phật, Ngài vẫn luôn luôn thể hiện sự tinh tấn và gương mẫu qua thân tướng của Ngài. Ngài làm việc theo một thời khóa biểu cố định, không bao giờ xao lãng, giải đãi. Mỗi ngày, Ngài dậy sớm tắm rửa, thay đổi y phục, rồi thiền quán nhân duyên hóa độ trong ngày, đến khi mặt trời xuất hiện. Buổi sáng thuyết pháp cho Tăng chúng, đi khất thực, đến trưa mới nghỉ thọ trai. Buổi chiều, Ngài thuyết pháp cho dân chúng, và giảng giải những nghi vấn cho Tăng chúng. Mỗi năm, Ngài đi khắp nơi để thuyết pháp độ sanh trong chín tháng mùa nắng, còn ba tháng mùa mưa thì Ngài ở tinh xá để an cư kiết hạ. Và cứ thế, ròng rã suốt bốn mươi chín năm truyền bá giáo pháp khắp nơi. Cho đến giờ phút cuối cùng trước khi nhập diệt, Ngài vẫn dùng khoảng thời gian ngắn ngủi thiêng liêng quý báu đó, để giáo huấn Tăng đoàn với bệnh thân đau đớn khôn cùng. Hạnh của Ngài thật cao vời! Lòng từ bi của Ngài thật bao la vô lượng!

Cho đến hôm nay, những gì Ngài để lại cho cuộc đời là một sự hy sinh vĩ đại, một gia tài vô giá cho nhân loại không gì có thể so sánh bằng. Nói đến đây, chúng ta thường nghe có người cho rằng: khi đến ta chẳng mang gì đến, và khi đi ta cũng chẳng mang theo gì. Nhưng kỳ thật, lý luận ấy chỉ xét về khía cạnh vật chất mà ta mang đến cõi trần này. Chứ đến cõi đời này, ta mang cho đời nhiều thứ lắm, như niềm vui nỗi buồn, hạnh phúc hay đau khổ…

Cuộc đời của đức Phật là một tấm gương soi sáng cho đời, để ta biết được Ngài là một con người như chúng ta. Ngài xuất hiện ở cõi đời luôn luôn đem đến sự an vui lợi ích cho mọi chúng sanh, từ khi Ngài đản sanh đến khi nhập vào cõi Niết-bàn. Còn chúng ta thì sao?... Là đệ tử của Phật, mình hãy thường xuyên ôn lại cuộc đời cao đẹp của đấng Đạo sư, và đọc những lời giáo huấn tối hậu này để tỏ lòng biết ơn bậc Thầy dẫn đường cao cả nhất. Vì sự mê muội của chúng ta mà Ngài xuất hiện ở cõi đời ô trọc này, lại chịu nhiều nỗi nhọc nhằn để dẫn dắt chúng ta về bến giác. Đọc bài kinh, chúng ta nhắc nhở cho nhau, cùng nhau hết lòng trân trọng phụng hành những điều giáo huấn, mà Ngài đã ân cần dạy bảo trong đêm cuối cùng của ngày mùng Tám tháng Hai lịch sử tại rừng Sa-la song thọ. Đó cũng là cách báo ân Phật, để Ngài an lòng khi đang ngự ở cõi đại Niết-bàn.

“Rừng Sa-la đêm ấy
Quả tim hồng ngừng đập
Lời kinh còn vang vọng
Phật còn mãi ở đời!”.

(Sưu tầm)

Tuy chúng ta cách xa Phật, nhưng những người đệ tử của Phật đang hành theo giáo pháp chân chánh của Ngài, thì cũng giống như Ngài vẫn đang ở bên cạnh, đang ngày đêm đưa lối dẫn đường. Ngài vẫn sống mãi trong tâm thức của những người đệ tử có đức tin trong sạch. Và nơi đây, mái già lam Hoằng Pháp, lời dạy của Ngài sẽ mãi vang vọng lan xa, làm thức tỉnh mọi người quay về nơi chánh đạo. Nhìn tôn tượng của Ngài trước khói trầm hương, chúng con cung kính chắp tay, tâm thành hướng nguyện:

“Đốt nén tâm hương cúng Phật đà
Nhớ lời di huấn đức Thích-ca
Cầu xin Tam Bảo thường gia hộ
Đạo pháp hoằng thông khắp mọi nhà”.


Tác giả bài viết: Tâm Vượng
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 256
  • Khách viếng thăm: 235
  • Máy chủ tìm kiếm: 21
  • Hôm nay: 88562
  • Tháng hiện tại: 2809335
  • Tổng lượt truy cập: 88613938
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012