Nhân sự kiện Đức Thế Tôn Thành đạo: Thánh cầu hay phi Thánh cầu?

Đăng lúc: Thứ năm - 18/01/2024 22:04 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Trên bước đường tầm đạo và đạt đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng chánh giác, Đức Thế Tôn đã bỏ lại nhiều thứ. Chúng ta, những đệ tử Phật, không thể nhặt những thứ mà Ngài đã bỏ đi để làm của báu hay phương tiện hành đạo.

Con đường của Đức Thế Tôn

Thế Tôn đã bỏ lại những gì? Vợ đẹp, con xinh, ngôi cao danh vọng và quyền lực... Ngồi trên khối tài sản và ở cao hơn thiên hạ có giá trị gì khi kèm theo đó, bản thân cũng đang mang một khối khổ não? Ngài phải tìm một con đường khác.

Sau này, trong bài kinh Thánh cầu (Trung bộ kinh), Ngài kể: “Rồi này các Tỷ-kheo, sau một thời gian, khi Ta còn trẻ, niên thiếu, tóc đen nhánh, đầy đủ huyết khí của tuổi thanh xuân, trong thời vàng son cuộc đời, mặc dầu cha mẹ không bằng lòng, nước mắt đầy mặt, than khóc, Ta cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình (…). Ta xuất gia như vậy, một người đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ”.

Từ bỏ tất cả, Ngài băng sông, hướng đến cảnh núi rừng u tịch, nơi có những bậc thầy khổ hạnh đang hành đạo và giáo hóa đồ chúng. Tất cả những bậc thầy danh tiếng bấy giờ đều đã được Ngài tìm đến, học hỏi, tu tập, tự tri, tự chứng, tự đạt pháp của các vị thầy ấy một cách mau chóng. Nhưng rồi xét thấy đây vẫn chưa phải là con đường giải thoát tối hậu, “không hướng đến yểm ly, không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh, không hướng đến thượng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn”, nên Ngài từ bỏ pháp ấy, từ giã ra đi, bất chấp lời mời ở lại để được cùng quản lý đồ chúng, cùng nhận được sự tôn sùng tối thượng.

Rồi Ngài tự tu khổ hạnh. Sau sáu năm ép xác miệt mài, nhận thấy con đường ép xác chỉ đưa đến sự kiệt quệ về thể xác lẫn tinh thần chứ không đem đến giải thoát, nên một lần nữa, Ngài từ bỏ pháp ấy để hướng đến Trung đạo, thoát khỏi hai thái cực khổ hạnh và hưởng thụ. Ngài chấp nhận sự dè bỉu của những bạn đồng tu, như sau này, khi trở về hóa độ cho năm anh em Kiều Trần Như, họ đã bảo: “Này các Hiền giả, nay Sa-môn Gotama đang đi đến; vị này sống trong sự sung túc, đã từ bỏ tinh cần, đã trở lui đời sống đầy đủ vật chất. Chúng ta chớ có đảnh lễ, chớ có đứng dậy, chớ có lấy y bát. Hãy đặt một chỗ ngồi, và nếu vị ấy muốn, vị ấy sẽ ngồi”. Nhưng, uy đức của Ngài đã cảm hóa họ, khiến cho năm vị ấy “không thể giữ đúng điều đã thỏa thuận với nhau. Có người đến đón Ta và cầm lấy y bát, có người sắp đặt chỗ ngồi, có người đem nước rửa chân đến”.

Cần nói thêm, con đường Trung đạo không thể chỉ hiểu đơn giản là Con-đường-chính-giữa, theo kiểu vị trí, như giữa hai thái cực khổ hạnh và hưởng thụ. Con-đường-chính-giữa đây chính là con đường không-vướng-mắc, vượt lên tất cả, là con đường của Vô-sở-trước hướng đến Chánh đẳng giác. Cụ thể hóa của con đường này chính là Bát chánh đạo, hay gọn hơn là Giới - Định - Tuệ…

Trong rất nhiều bản kinh sau này, Đức Phật đã nhắc lại sự từ bỏ này. Ngài không chỉ từ bỏ danh vọng, quyền lực, tài sản, vợ con, tôi tớ..., mà còn bỏ cả mắt mũi, tay chân, bỏ cả thể xác... để hướng đến Vô thượng Bồ-đề.

Đức Thế Tôn - “kẻ đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ” (kinh Thánh cầu).

Đi con đường nào?

Như một người đã trải qua vô lượng kiếp để tìm ra con đường giải thoát, Đức Phật đưa ra đạo lộ của Bát Chánh đạo, phác đồ của Thập nhị nhân duyên…; chúng ta, những đệ tử Phật, lẽ ra cứ vậy, theo con đường sáng mà đi. Thế nhưng, chúng ta lại thích vòng vo, thích ghé bờ này, níu bờ nọ hơn là đi thẳng. Đi thẳng thì phải biết từ bỏ, như Phật đã nói, từ bỏ tuy dễ mà khó - dễ với người trí và khó với kẻ ngu: “Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người trí mới hiểu thấu. Còn quần chúng này thì ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục (…) thật khó mà thấy được định lý pháp Duyên khởi”.

Do đó, ngay sau khi Thành đạo, Đức Phật đã rất băn khoăn giữa hai sự chọn lựa: hoằng pháp hay nhập Niết-bàn.

Phải chăng, nhiều đệ tử Phật ngày nay đã chọn một con đường khác? - con đường “Phi Thánh cầu”, như Đức Phật đã nói: “Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình bị sanh lại tầm cầu cái bị sanh, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh… tự mình bị chết… tự mình bị sầu… tự mình bị ô nhiễm lại tầm cầu cái bị ô nhiễm.

Này các Tỷ-kheo, cái gì theo các người gọi là bị sanh (già/bệnh/chết/sầu/ô nhiễm)? Này các Tỷ-kheo, vợ con là bị sanh; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị sanh; dê và cừu là bị sanh; gà và heo là bị sanh; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị sanh; vàng và bạc là bị sanh. Này các Tỷ-kheo, những chấp thủ ấy bị sanh, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị sanh lại tầm cầu cái bị sanh”.

Con đường Trung đạo

Đi theo con đường Trung đạo không dễ, nên có người chấp nhận con đường dấn thân phụng sự, vì họ cho rằng đó chính là Bồ-tát đạo: “Phụng sự chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật”. Họ lấy câu nói ấy làm “kim chỉ nam” để “chỉ hướng cho thuyền đời”. Rằng: Tôi không dám đặt mục đích cao siêu, chỉ xin lấy đời mình mà phụng hiến cho Đạo pháp, phụng sự chúng sanh…

Có lẽ không ít người hiểu sai về câu nói đó. Phụng sự chúng sanh là hạnh Bồ-tát, không nề gian khổ để cứu độ chúng sanh, giúp họ vượt bể khổ, đến bờ Niết-bàn, chứ không phải chỉ là đem cái ăn, cái mặc, dựng những ngôi nhà tình thương cho họ. Chúng ta có thể làm những việc từ thiện như thế, nhưng phải hiểu rằng đó là phương tiện để hướng người vào đạo. Vào đạo rồi phải cho họ loại thức ăn khác, kiểu như Pháp thực, Thiền duyệt thực…

Bên cạnh đó, có người lại tự biến mình thành công cụ “bảo vệ Phật pháp”, thấy ai xúc phạm đến Phật, Pháp, Tăng thì lập tức liệt họ vào “thế lực thù địch”. Thực ra, Phật giáo không bao giờ xây dựng nên hình tượng “thù địch” hay “ngoại đạo chống phá” để phải tìm cách trừ diệt. Trong Phật giáo, chữ trừ diệt, nếu có, cũng chỉ để diễn tả một sự đoạn tận, như trừ diệt ác ma, thực chất là để trừ đoạn tham sân si.

Đức Phật không dạy cho chúng ta các pháp gầy dựng và làm lớn mạnh sanh tử. “Này các Tỷ-kheo, có người tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sanh, tìm cầu cái vô sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị già, tìm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị bệnh… cái không bệnh… tự mình bị chết… cái bất tử… tự mình bị sầu… cái không sầu… tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của ô nhiễm, tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, như vậy, gọi là Thánh cầu”.

Đệ tử Phật, do vậy, rõ biết: Vượt khỏi những sự trói buộc, những sự tham đắm, say mê các dục, tầm cầu con đường Thánh, thì sẽ vượt khỏi tầm mắt của Ác-ma, không còn bị Ác-ma sử dụng như ý muốn.

 

Tác giả bài viết: Đăng Tâm
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 134
  • Khách viếng thăm: 116
  • Máy chủ tìm kiếm: 18
  • Hôm nay: 59153
  • Tháng hiện tại: 1339090
  • Tổng lượt truy cập: 107912980
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012