Phát nguyện và cầu nguyện

Đăng lúc: Thứ năm - 13/02/2014 21:03 - Người đăng bài viết: Nhuận tâm bình
Phát nguyện là đưa ra lời ước nguyện mong mỏi cho bản thân hay người khác thực hiện một hành động nào đó có tác dụng đem lại thành tựu hạnh phúc. Người phát nguyện giảm thọ cho cha mẹ sống lâu, nguyện chịu khổ để người khác được vui hay nguyện ăn chay để nuôi dưỡng lòng từ bi. Lời phát nguyện được xem như lời thực tập ban đầu, cam kết thực hiện công việc có tính chất cụ thể hay trừu tượng.


danghuong1

Phát nguyện hiến máu nhân đạo để người thầy mau chóng lành bệnh, đây là công việc cụ thể, bản thân tác động được. Phát nguyện giảm thọ để thầy sống lâu, hoằng pháp thành công, đây là công việc trừu tượng, bản thân không tác động được. Người có tình thương thường xuyên phát nguyện, chịu trách nhiệm và thực hiện lời phát nguyện của mình. Thông thường lời phát nguyện đi kèm theo điều kiện, như phát nguyện tu tập đạt quả vị A La Hán trong kiếp hiện tại này, sẽ đi tu nếu gia đình cho phép hay hiến tặng tài sản để cha mẹ khỏe mạnh. Nhiều người phát nguyện thực tập Bố Thí Ba La Mật để có nhiều thuận duyên trong việc tu tập giải thoát trong kiếp hiện tại hay vị lai, nhưng phát nguyện thế nào cũng đều có điều kiện và công việc thực hiện lời phát nguyện.

Lời phát nguyện có thể mang tính chánh tư duy hay tà tư duy. Chánh tư duy mang yếu tố thiện như làm việc thiện để mong đạt các kết quả thiện. Tà tư duy mang yếu tố bất thiện như làm việc bất thiện để mong đạt các kết quả bất thiện. Người thành tâm thành ý phát nguyện và thực hiện một cách nghiêm túc, lời phát nguyện sẽ hiệu lực có thể ngay lập tức hay kết quả mỹ mãn trong tương lai.

Phát nguyện khác với lời thề vì phát nguyện mang tính hy sinh còn lời thề vẫn còn tính cố chấp. Phát nguyện trung thành với Tam Bảo, thực tập theo giáo pháp của đức Thế Tôn, đi theo tăng thân và đi trọn đường tu, thậm chí phát nguyện kiếp sống tiếp theo được gặp chánh pháp và tiếp tục tu học, là đệ tử, là con của Thế Tôn. Lời phát nguyện mạnh sẽ mang lại hiệu quả mạnh và tính hy sinh phải cao, thậm chí biết xả thân vì lời phát nguyện của mình.

Thông thường, người phát nguyện và thực hiện nó trong khả năng. Nếu còn trong khả năng, mức độ cố gắng vẫn còn thấp. Lời phát nguyện cao hơn khả năng khoảng 20%, sự cố gắng giúp người đạt được thành tựu. Chính sự thành tựu này mang lại hạnh phúc chân thật, người thực tập buông bỏ rất mau và đi nhanh về con đường đã chọn. Người phụng sự cần có lời phát nguyện và người chứng giám là chư Phật, chư Bồ Tát, chư Tăng, chư tổ, thậm chí là tổ tiên hay năng lượng trong sáng nơi bản thân. Việc phát nguyện với điều kiện không dành cho mình mà dành cho người khác, như nguyện tụng kinh Pháp Hoa liên tiếp 30 đêm để đứa con có nhiều thành tựu trong cuộc sống. Việc thành tâm khiến đứa con nhận được năng lượng thực tập từ người mẹ, nhưng bản thân người mẹ có được công đức nhiều hơn cả, đứa con chỉ nhận được một phần nào đó thôi. Bản thân đứa con biết thực tập, công đức lớn hơn rất nhiều.

Phía trên đã nói, thế hệ càng sau cùng biết tu tập, cả thế hệ trước đó được hưởng công đức không biết bao nhiêu mà kể. Vấn đề là đừng đợi người khác tu dùm, người tự tu tự giải thoát, như vậy sẽ tốt hơn, không chỉ giúp cho bản thân mà còn giúp cho nhiều người. Muốn con đường đi thuận lợi và thành tựu, không gì khác hơn là đưa ra lời phát nguyện hướng về sự giải thoát và chấp nhận hy sinh cho đối tượng nào đó như cha mẹ, gia đình, bạn bè, người xung quanh và chúng sinh.

Chấp nhận hy sinh để người khác được vui và hạnh phúc. Tính hy sinh rất đẹp, không phải ai cũng làm được vì theo lẽ thường người thích tom góp sự hưởng thụ nhiều hơn bung nó ra. Hành động hy sinh không chứng minh sự nhu nhược hay yếm thế mà là biểu hiện của tình thương, vì người mà làm. Chấp nhận chết để người khác được sống, chấp nhận đau cho người khác an lành, chấp nhận thiếu thốn cho người khác đầy đủ… và nhiều hình thức, nội dung chấp nhận khác. Một số cộng đồng không thể sống an lạc vì họ không chấp nhận sự khác biệt, đồng thời cái tôi đề cao quá mạnh, biến mình thành con thiêu thân của cái tôi, cái ngã.

Ai cũng sợ khổ đau, nhưng nhiều khi nó lại cần thiết vì mình học được cách chấp nhận và sống chung với nó. Một bà mẹ không chấp nhận bạn gái của đứa con trai vì không thể chấp nhận công việc của cô này, cách cô này nói chuyện hay cách cô nấu nướng. Đơn giản vì bà sợ, bà không muốn ai chiếm mất con trai của bà, bà cảm tưởng cô lấy đi tình cảm của đứa con dành cho bà. Bà không dám hy sinh đứa con vì không thể chấp nhận những viễn cảnh do bà tưởng tượng ra. Người đời nói nhiều về đức hy sinh nhưng hy sinh cho cái gì thì không nói rõ, có chăng là những đối tượng hy sinh không đúng đắn. Hy sinh vì hạnh phúc lành mạnh của người khác, điều này đáng làm, còn hy sinh vì hạnh phúc ảo của bản thân và người khác, đây là thứ hy sinh dại dột. Ngày xưa, đức Phật không tịch diệt sớm vì ngài muốn chia sẻ với chúng sinh các pháp môn tu tập, những sự thật do chính ngài tự thực tập và chứng ngộ, để rồi sau đó ngài gặp không biết bao tai nạn như bị hãm hại, bị chửi bới, bị vu khống… Nếu không chấp nhận các tai nạn, ngài sẽ không đi tiếp con đường hoằng pháp của mình. Từ đau khổ sinh ra hạnh phúc và hy sinh không phải là rước hoạ vào thân mà là quá trình chế tác hạnh phúc.

Phát nguyện cho mình, cho người và cho cả vong linh. Vong linh không đủ sức phát nguyện, mình giúp họ, để họ tu tập và nhanh chóng siêu thoát. Có người dẫm lên thành công của người khác để mang lại thành công cho mình, điều này hết sức nguy hiểm vì bản thân không bao giờ đủ sức mãi mãi làm như thế. Khi sức cùng lực kiệt, mình sẽ bị người khác dẫm lên tương tự, thậm chí nặng nề hơn.

Phát nguyện cho mình, nguyện dứt ưu tư phiền não, sống đời thánh thiện và yêu thương muôn loài. Thành công của người là thành công của mình, tập tâm hoan hỷ với cái vui của người. Nguyện cho người hết khổ, nhiều niềm vui, phát triển trí tuệ và đi về nẻo lành. Mình không giữ các bí kíp thành công mà đem chia sẻ với người, cùng thực tập, cùng hạnh phúc. Phát nguyện cho vong linh, nguyện thay họ chịu khổ, quyết chí đi đến nơi đen tối nhất để giúp đỡ chúng sinh. Mình không muốn thành tựu cho riêng mình mà tất cả đều thành tựu, niềm vui rất to lớn. Vong linh chịu khổ nhiều, mình mong họ đừng khổ nữa vì họ sẽ chịu không nổi. Mình chịu nổi, mình hy sinh chịu thay cho họ nhưng trong tâm không mảy may thấy mình hy sinh. Năng lượng phát nguyện giúp mình vượt thoát khó khăn, nghị lực hơn, tinh thần vững hơn và điều khó khăn cách mấy cũng vượt qua được.

Điều quan trọng là phát nguyện liên tục, đừng dừng lại, đừng tự thoả mãn với vài thành tựu mỏng manh. Tính tự mãn giết chết người tu, thậm chí làm giảm hiệu lực và có khi gây ra phản tác dụng. Phát nguyện có thể xem là mục tiêu hay thử thách, thực hiện được là mục tiêu đạt được và thử thách vượt qua. Người tu không đi vào con đường ép xác, ép tâm hay theo kiểu khổ hạnh, nhưng lời phát nguyện giúp mình có cơ sở, có con đường để đi. Mình đừng than vãn vì sao phát nguỵên hy sinh nhiều mà thành tựu hay hưởng lợi không bao nhiêu. Đừng mong cầu như thế, hãy kiên nhẫn, làm việc một cách vô tư, việc gì tới cũng sẽ tới, không mong cũng tự nhiên tới. Đức Phật ngày xưa đâu biết mình đắc đạo trong khi ngồi thiền dưới cội cây. Mọi sự thật tự nhiên đến và ngài đón nhận cũng tự nhiên như thế.

20121228071525YeWo8om0w

Cầu nguyện là sự mong cầu điều gì đó được thực hiện mang lại kết quả như ước muốn. Người có phước đức lớn mong cầu gì cũng được. Việc cầu nguyện cho điều thiện, phước người đó lớn hơn và cầu nguyện cho điều không thiện, phước giảm nhanh, hoặc mất hết rồi chịu khổ địa ngục. Cầu nguyện thường không đòi hỏi thực hiện công việc như phát nguyện nhưng phước đức được sử dụng bù đắp cho việc hưởng lợi. Trong buổi cầu nguyện, người cần nhất tâm, hướng tâm đến đối tượng muốn cầu nguyện cho. Muốn cầu nguyện cho ông bà thì hướng tâm đến ông bà mà nguyện. Kinh Rải Tâm Từ là một bài cầu nguyện hay, Kinh Từ Bi cũng vậy. Điều quan trọng là cầu nguyện với tâm thành khẩn và tràn trề yêu thương, nhất là hết sức thảnh thơi và vui vẻ. Tâm đang đau khổ cầu nguyện khó thành, nên phát nguyện thì hay hơn.

Thực tập cầu nguyện lúc thảnh thơi, thoải mái, có hạnh phúc, năng lượng cầu nguyện sẽ lớn. Người đời thường không tin lắm vào hiệu lực cầu nguyện, và các cư sĩ không biết cách cầu nguyện nên không thành tựu. Yếu tố nhân quả phải được xét đến đây. Cầu nguyện nhiều không đạt vì phước đức kém cỏi, chưa làm gì đòi hưởng quả nên cầu mãi cũng không thành. Người trồng lúa sẽ thu hoạch lúa, không trồng lúa mà đòi thu hoạch lúa thì hết sức vô lý. Muốn lời cầu nguyện thành tựu, hãy thực tập công đức và phước đức, nói cách khác là phước huệ cùng tu. Ngày nay, người ta có pháp môn thiền tịnh song tu, tức là vừa tu thiền vừa tu tịnh độ, nhưng dù tu theo pháp môn nào cũng không thể xa rời phước huệ. Tu huệ rất quan trọng, nhưng tu phước cũng không kém vì phước giúp tạo thuận duyên cho việc tu huệ nhanh chóng thành tựu. Tiền thân đức Phật đã tu phước liên tục, buông bỏ tài sản và thân thể, đến kiếp cuối cùng việc tu huệ mới thành tựu viên mãn.

Bây giờ nói về tự lực và tha lực. Tự lực là bản thân thực tập có thành tựu và tha lực là phải nhờ vào sự hỗ trợ từ bên ngoài. Tuy nhiên, tha lực mang yếu tố của tự lực bởi vì nhờ tự lực, người mới gặp tha lực. Thời đức Phật, nhiều tu sĩ đắc đạo do nhờ sự chỉ dạy của đức Phật, nhưng bản thân họ tu tập nhiều kiếp đến kiếp này mới gặp Phật và mới thành tựu, nên nói tự lực khiến cho tha lực biểu hiện và sự hiện tiền của tha lực cũng do tự lực làm nên. Nếu tự lực không có, cầu nguyện hoài, tha lực cũng không thành tựu. Dù vậy, người được khuyến khích tự lực thực tập, không quá ỷ lại vào sự thực tập của người khác. Lúc ban đầu, tự lực còn yếu kém nên phải nương tựa Tam Bảo, sau khi thực tập vững vàng, ngay cả Tam Bảo cũng phải buông và nương tựa chính mình, phải tự đi trên đôi chân của mình.

Tự lực mạnh, không cần cầu nguyện vì người có cần gì nữa đâu mà cầu, thậm chí làm nơi nương tựa cho kẻ khác, giúp ích cho đời. Giống như nguyên thủ quốc gia, có bản lĩnh mạnh mẽ, người dân được nhờ, còn tinh thần yếu đuối, nhu nhược, dân sẽ khổ. Sáng nay, một học trò hỏi tôi, con không thể nói lời ái ngữ. Bất cứ ai cũng nói lời ái ngữ được, nhưng đừng ép mình nói liền, mà phải thực tập từ từ, từng đối tượng, từng hoàn cảnh, cho đến khi lời nói ái ngữ trở thành thói quen, lúc này nó trở nên tự nhiên, không thực tập cũng là đang thực tập. Đôi khi mình cũng cần đến tha lực vì tự lực đang yết hay mờ nhạt. Đứa trẻ còn nhỏ sống nhờ cha mẹ là đương nhiên vì chưa thể tự lực cánh sinh, chưa đủ điều kiện để sống độc lập. Người lớn cũng cần tha lực như người già, người khuyết tật hay bệnh nhân. Người chưa có nhiều kinh nghiệm cần tha lực, cần học kinh nghiệm từ người đi trước, lắng nghe nhà tư vấn và học hỏi từ sách vở. Không ai có thể tự lực hoàn toàn, kể cả đức Phật. Không có các đại để tử, không có thị giả, không có tăng đoàn, sức mấy đức Phật hoằng pháp thành công. Một mình ngài không thể hoằng pháp khắp nơi như vậy.

Vào ngày rằm hay đầu tháng, các cư sĩ đến chùa cầu nguyện rất đông, cầu nguyện từ đức Phật hay các vị Bồ Tát, nhưng có một phương thức cầu nguyện rất hay là cầu nguyện từ chính mình, từ người còn sống. Trong kinh Kim Cang, đức Phật dạy, Tìm ta qua hình sắc – Cầu ta qua âm thanh – Là kẻ hành tà đạo – Không thể thấy Như Lai. Đức Phật không thể hiện qua 32 tướng tốt, qua lời nói, hay qua bất cứ phương tiện nào. Phật tại tâm, nằm ngay trong tâm. Khi tâm thanh tịnh, thực tập các hạnh Phật, người làm Phật tính phát khởi và bản thân tu tập đến lúc nào đó rồi cũng sẽ thành Phật. Năng lượng Phật trong cơ thể đầy dẫy nếu mình tiếp xúc được với nó, nên cầu nguyện với chính mình là cầu nguyện với Phật tính trong mình. Chính Phật tính này sẽ chứng minh lời cầu nguyện có thành tựu hay không.

Bên cạnh đó, cầu nguyện từ người còn sống như ông bà hay cha mẹ, xin cha mẹ gia hộ cho con sức khỏe, công việc thành tựu hay điều gì đó. Mình và tổ tiển có mối quan hệ mật thiết và con cái nhờ phước đức ông bà, cha mẹ. Những người này còn sống, năng lượng tiếp xúc sẽ mạnh và mình nương nhờ phước báu của họ. Những người có thành tựu ngày hôm nay nhờ vào phước đức của tổ tiên một phần và phước đức bản thân nhiều phần. Khi cầu nguyện, cầu nguyện với chính mình, với tổ tiên, với ông bà cha mẹ còn sống. Dĩ nhiên, thường mình cầu người đã qua đời, nhưng dù còn sống hay đã quá vãng, các yếu tố vẫn ở trong mình. Vậy đâu cần đi chùa, ở nhà hay nơi khác vẫn cầu nguyện được, giống như tu tập, tu khắp mọi nơi, không phải vào chùa mới tu.

Mục đích của đi chùa là gì, là thực tập thiền định, nghe giáo pháp, tụng kinh, tham vấn ý kiến và lời chỉ dạy của các nhà sư, còn bái sám hay cúng kiến chỉ là vấn đề rất nhỏ. Lời cầu nguyện được hằng hà sa số đối tượng nghe thấy, nhưng người nghe nhiều nhất chính là mình vì mình biết rõ điều đó hơn ai hết. Vì thế, cầu nguyện Phật tính và tổ tiên tính trong mình, mình có cơ hội làm cho lời cầu nguyện mau chóng thành tựu.

Muốn cầu nguyện có hiệu lực, người cần có sự tu tập, tức là siêng năng làm việc thiện, điều phục tâm ý và biết hy sinh. Người tham nhũng đến chùa cầu nguyện để không bị phát hiện, chắc là chẳng bao giờ thành tựu. Tên trộm đến chùa cầu cho phi vụ trót lọt, nghe thật quá viển vong. Cầu nguyện cho có sức khỏe để hoằng pháp thuận lợi, việc này có thể khả thi. Cầu nguyện làm ăn phát đạt giúp đỡ mấy đứa trẻ mồ côi, lời cầu sẽ được nghe thấy.

Phát nguyện và cầu nguyện vì mục đích thiện và điều đúng đắn, đừng lợi dụng chốn thiền môn làm chuyện sai trái. Cầu nguyện hay nhất là cầu cho sự tu tập được thuận lợi, được thành tựu, còn cầu cho sự hưởng thụ của mình, đó là lời cầu nhỏ bé. Biết bao người cầu về nhân duyên, tài sản, tiền bạc, nhà cửa, việc làm, sức khoẻ, … nhưng ít người cầu giải thoát, cũng có nhưng ít lắm, chắc là đếm trên đầu ngón tay. Tu sĩ bây giờ còn cầu về địa vị, giáo phẩm, nhiều người hâm mộ, chùa to, phật tử đông đúc, thuyết pháp hay, nổi tiếng… trong khi đạo giải thoát được tìm cầu ít dần. Hãy nhớ rằng, sống là để tu, không là mục đích gì khác.

Theo trang Đàm Linh Thất

 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 409
  • Khách viếng thăm: 402
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 120731
  • Tháng hiện tại: 1854102
  • Tổng lượt truy cập: 90745675
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012