Pho Tượng gỗ trên núi Tuyết Sơn

Đăng lúc: Thứ năm - 07/04/2016 21:46 - Người đăng bài viết: Nhuận tâm bình
Phật pháp không phụ thuộc hoàn toàn vào hội đoàn, chùa tháp, hình tượng, hay màu sắc chiếc áo cà sa của tăng lữ. Đạo Phật cần được trả về theo đúng bản chất của nó trong cách hiểu của nhân gian để góp phần làm tiêu tan những băng hoại suy đồi và làm hồi sinh những mầm móng nhân bản đã bị chôn vùi bởi sự vô minh của chính chúng ta.

Cách đây 20 năm, trong một lần về Sài Gòn, tôi vô tình có được quyển Quốc Văn lớp 8 trước năm 1975 từ nhà một người quen đang dọn dẹp thanh lý sách cũ. Trong quyển sách tôi nhớ mang máng có câu chuyện “Pho tượng gỗ trên núi Tuyết Sơn” do tác giả Đức Nhuận (có lẽ là Cố Hòa thượng Thích Đức Nhuận?) kể lại cùng với bao nhiêu đoản văn đầy tính nhân văn khác nữa. Quyển sách đã thất lạc khiến tôi nuối tiếc mãi. Bây giờ lùng sục khắp các nhà sách cũ ở Sài Gòn không thể nào tìm lại quyển sách giáo khoa của miền Nam một thời, đặc biệt là câu chuyện về pho tượng gỗ mà tôi vô cùng yêu thích. Tìm hỏi mãi trong các nguồn tư liệu cũng chỉ có câu chuyện thiền nổi tiếng “Đơn Hà Thiêu Phật Mộc” trong Trung Hoa Chư Thiền Đức Hành Trạng của Hòa Thượng Thích Thanh Từ mà thôi. Câu chuyện “Pho tượng gỗ trên núi Tuyết Sơn” đại ý như thế này:

“Có một Thiền sư tu hành đắc đạo trên dãy núi Tuyết Sơn. Cứ mỗi mùa đông trôi qua, lớp lớp đệ tử của Ngài giác ngộ và xuống núi hành đạo. Nhưng có một đệ tử đã trải qua nhiều mùa đông tu hành cần mẫn nhưng vẫn không thể nào giác ngộ. Vị Thiền sư đã áp dụng nhiều phương cách để khai thị cho người đệ tử của mình nhưng người đệ tử vẫn mãi chìm đắm trong si mê.

Mùa đông năm ấy đến sớm hơn, tuyết rơi nhiều hơn, cả dãy Tuyết Sơn phủ một màu trắng xóa. Lại một lớp đệ tử nữa của Thiền sư xuống núi hành đạo, chỉ còn lại hai thầy trò trên núi. Với lòng từ bi vô hạn, Thiền sư muốn sau mùa đông này người đệ tử đáng thương của mình phải ngộ được chân lý của Phật đạo.

Càng về cuối mùa đông trời càng lạnh giá, củi khô tích trữ trên núi cũng đã cạn dần. Một hôm, ngồi bên đống lửa nhỏ, Thiền sư gọi người đệ tử đến và nói:

- ‘Mùa đông năm nay kéo dài mà củi thì đã sắp hết, trời lạnh quá, con vào trong động xem có còn củi hay không”.
Người đệ tử ngoan ngoãn vào động, lần thứ nhất trở ra, người đệ tử nói:

- “Bạch Thầy, củi trong động đã mang ra dùng hết, trong động không còn một thanh củi nào”.

- “Vậy con trở vào xem có thứ gì bằng gỗ mang ra đây để đốt sưởi ấm. Ta tin là vẫn còn”. Vị Thiền sư ôn tồn nói với đệ tử.

Người đệ tử lại vâng lời đi vào. Củi thì đã hết, hang động bằng đá thì làm sao tìm ra thứ gì bằng gỗ. Tìm khắp từng ngóc ngách trong hang động cũng không còn thứ gì. “Không lẽ thầy nói sai”, người để tử nghĩ thầm. Chợt người đệ tử ngước lên pho tượng mà hàng ngày mình ra vào thắp nhang cầu nguyện. Một thoáng rùng mình. Nhưng không! Ý nghĩ về pho tượng gỗ chỉ thoáng qua cũng đã khiến người đệ tử thấy tội lỗi đang xâm chiếm lấy tâm mình. Lần thứ hai người đệ tử trở ra tay không.

Lần này vị Thiền sư tỏ ra nghiêm khắc.

- “Ta đã bảo trong động còn gỗ, ngươi vào mang bất cứ thứ gì bằng gỗ ngay ra đây cho ta không thì chớ trách”.

Người đệ tử trở vào động với tâm trạng vô cùng lo sợ. Đã cố tìm lại một lần nữa nhưng không có thứ gì ngoài pho tượng. Mình đã toát mồ hôi, tay chân run lập cập, biết là thầy sẽ phật lòng nhưng người đệ tử đành trở ra tay không một lần nữa quỳ xuống thưa:

- “Bạch Thầy, chắc là Thầy muốn phạt con nhưng sự thật là trong động không còn thứ gì bằng gỗ ngoài tôn tượng Đức Thế tôn”.

Vị Thiền sư đứng dậy quát lớn:

-  “Ta đã bảo bất cứ thứ gì bằng gỗ, tại sao ngươi không vâng lời. Mau vào mang pho tượng ra đây cho ta!”
Người đệ tử hoảng sợ trở vào, năm vóc sát đất đảnh lễ pho tượng không biết bao nhiêu lần. Phải vận hết lòng can đảm người để tử mới dám chạm tay vào pho tượng, từng bước nặng nhọc mang ra đặt trước mặt thầy. 
Ngay lập tức vị thiền sư vung búa chẻ pho tượng ra làm đôi vứt vào đống lửa trước sự ngỡ ngàng tột độ của người đệ tử. Từng ánh lửa theo thanh gỗ bốc lên phừng phực trong sự tĩnh lặng của mùa đông trên dãy Tuyết Sơn, soi rõ sự giác ngộ với niềm hạnh phúc vô biên của người đệ tử”.

***

Khác với những câu chuyện thiền “hốt nhiên tỉnh ngộ” khác, câu chuyện này rất gẫn gũi với đời sống của chúng ta. Và không phải ngẫu nhiên mà câu chuyện được đưa vào chương trình phổ thông ở miền Nam trước 1975!

Đại đức Thích Nguyên Hiền viết:

“Con đường học Đạo không gì khác hơn là đi tìm lại cái tâm đã mất. Nhưng tâm thể là gì? Bởi cái gọi là “không từ trên trời rơi xuống, chẳng phải dưới đất mọc lên…khi lưỡng nghi chưa rạch ròi, lúc nhất khí vừa phân biệt”, cái đó không thể dùng ngôn từ để diễn đạt được. Vì thế, lấy cái hữu hình để biểu hiện cái vô hình, lấy cái biểu tượng để tượng trưng cho cái vô tượng. Do vậy chư Phật nêu cành lá giúp chúng sanh tìm về cội gốc, liệt Tổ lấy sự tướng để diễn bày lý thể? Nhân quả tánh tướng, từ gốc đến ngọn rốt ráo đều y nhiên như thế! Cũng vậy! Nếu không có kinh điển thì không thể thấu suốt được nghĩa lý mà Phật chỉ dạy, nếu không có tượng Phật thì khó có thể tưởng niệm được danh hiệu của Phật”.

(Trích diễn từ tại Lễ rót đồng đúc Đại Hồng Chung, Vĩnh Minh Tự Viện)

1

Cái lý ấy đã được lịch đại Tổ sư truyền dạy và áp dụng cho hợp với căn cơ của chúng hữu tình, không còn gì phải bàn cãi.
Nhưng ở một góc độ khác, ta từng nghe Phật dạy: “Này, các người hãy tự thắp đuốc lên mà đi”. Lời nói đó của Đức Phật thể hiện Đạo của Ngài là một đạo nhân bản hơn cả, tôn vinh giá trị của con người hơn cả, làm cho quyền con người được đề cao hơn cả. Chỉ có con người mới quyết định số phận của chính mình mà không một thế lực siêu nhiên, một Đấng Cứu Thế nào có thể làm thay được. Ngay cả Đức Thế Tôn cũng chỉ có thể chỉ ra con đường đến hạnh phúc an vui – Con đường Bát Chánh Đạo – để con người tự thắp đuốc lên mà đi. Vì vậy chấp vào hình tượng để cầu xin sự cứu vớt như cách khấn vái thần linh là một sai lầm nghiêm trọng.

Thiết nghĩ, làm cho quảng đại quần chúng hiểu được tầm quan trọng của việc kính ngưỡng Tam Bảo, chùa tháp, tôn tượng, kinh điển v.v… để làm phương tiện tu tập nhưng không xao lãng việc tự thân hành trì là một việc làm đầy thử thách của giáo dục Phật giáo đương đại, nhất là trong bối cảnh nền văn hóa bị pha trộn bởi những tôn giáo, triết lý, trường phái và kể cả những tín ngưỡng bản địa.

***

Trong đời sống đầy nhiễu nhương, đầy cám dỗ, đúng sai lẫn lộn này, việc xác định cái gì là “cứu cánh”, cái gì là “phương tiện” trở thành điều thiết yếu trong cuộc mưu cầu hạnh phúc mà hình như nền giáo dục đương đại chưa trang bị được cho chúng ta. Bởi vậy mà lắm kẻ lao mình vào những cuộc truy hoan như những con thiêu thân lao vào bóng đèn mà không biết rốt cuộc chúng sẽ gục ngã ngay dưới ánh sáng phù hoa đó. Lắm kẻ chạy theo tiền tài, danh vọng, xa hoa mà không biết rằng hạnh phúc đích thực cần cho cuộc đời không nằm ở những thứ mà họ đánh đổi tất cả để có được. Chính mỗi chúng ta cũng ngấu nghiến nghe, đọc, nhìn, ngắm như một cách giải trí mà quên rằng không thể có hạnh phúc nếu không có một tâm hồn an tĩnh và một tuệ trí khai mở. Để đạt tới “cứu cánh” không thể không cần đến “phương tiện”, nhưng chấp vào “phương tiện” tới mức tưởng đó là “cứu cánh” lại là một sai lầm ghê gớm của chúng sanh. Tinh thần Phật giáo là vậy, nương vào phương tiện nhưng không chấp phương tiện, buông xả để đạt được cảnh giới chân như.

Sống một đời sống đúng với tinh thần Phật giáo sẽ thấy mỗi một khoảnh khắc đi qua có thể là một trải nghiệm ở niết bàn nếu trong khoảnh khắc đó mình làm được những điều tốt đẹp cho mình, cho người. Vì người Phật tử không hiểu được những điều rất căn bản đó nên “niết bàn” trở thành một danh từ hết sức siêu hình, trừu tượng, dẫn tới những hình thức tu tập cực đoan, hoặc mang màu sắc mê tín, hoặc chấp vào những hội đoàn tôn giáo vốn luôn bị chi phối bởi thế sự làm phương tiện cho giải thoát. Hiểu được chân lý đó rồi, người Phật tử không còn dao động bởi những suy đồi, những đổi thay, những trái khuấy, những quan niệm đúng sai trong thời mạt pháp nữa.

Phật pháp là bất biến, là như nhiên, thậm chí khái niệm thời chánh pháp, tượng pháp hay mạt pháp vừa nhắc đến cũng chỉ là tương đối, hoặc phù du, hoặc không tồn tại. Phật pháp không phụ thuộc hoàn toàn vào hội đoàn, chùa tháp, hình tượng, hay màu sắc chiếc áo cà sa của tăng lữ. Đạo Phật cần được trả về theo đúng bản chất của nó trong cách hiểu của nhân gian để góp phần làm tiêu tan những băng hoại suy đồi và làm hồi sinh những mầm móng nhân bản đã bị chôn vùi bởi sự vô minh của chính chúng ta.

Sài Gòn, tháng tư, 2016
Nguyên Trường Trần Phước Lĩnh

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 475
  • Khách viếng thăm: 422
  • Máy chủ tìm kiếm: 53
  • Hôm nay: 55991
  • Tháng hiện tại: 2775572
  • Tổng lượt truy cập: 88580175
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012