"Một thời Đức Phật du hóa tại nước Câu-lâu-sấu, ở Kiếm-ma-sắt-đàm, đô ấp Câu-lâu. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:
- Có một con đường khiến chúng sanh được thanh tịnh, xả bỏ ưu sầu, than khóc, dứt hết buồn khổ ảo não, chứng được như pháp. Đó là Thánh chánh định, có tập, có trợ và cũng có cụ, bao gồm bảy chi….
- Trong các chi ấy, chánh kiến đứng ngay hàng đầu. Nếu thấy rõ tà kiến là tà kiến thì đó gọi là chánh kiến. Nếu thấy rõ chánh kiến là chánh kiến thì đó cũng gọi là chánh kiến.
- Thế nào là tà kiến? Đó là cho rằng không có bố thí, không có trai tự (cúng dường), không có chú thuyết (tế lễ), không có thiện, ác nghiệp, không có quả báo của thiện, ác nghiệp, không có đời này đời sau, không có cha, không có mẹ, không có bậc Chân nhân ở trên đời đi đến thiện xứ, khéo ra khỏi cõi này, khéo hướng đến cõi kia, tự tri, tự giác, trong đời này hay đời sau mà tự tác chứng, thành tựu an trụ. Như vậy gọi là tà kiến.
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Song, kinh Thánh đạo, số 189 [trích])
Người học Phật đều biết chánh kiến là thấy biết chân chánh, như thật về Bốn sự thật, Nhân quả, Duyên khởi v.v… , ngược lại được gọi là tà kiến. Pháp thoại này, Đức Phật nói cụ thể hơn về những phương diện của chánh kiến, đặc biệt là thấy “có cha, có mẹ”.
Có người xem sự hiện hữu của mình chính là hậu quả đam mê dục lạc của cha và mẹ; không có gì thiêng liêng ở đây và cũng chẳng cần phải thực hành bổn phận hay trách nhiệm gì với họ cả. Bấy giờ cha mẹ có cũng như không, chữ hiếu trở nên thừa thãi. Mọi tội lỗi bất hiếu, xúc phạm mẹ cha đều bắt nguồn từ cái thấy sai lạc, tà kiến “không có cha, không có mẹ” này.
Thế nên, thấy “có cha, có mẹ” để biết cội nguồn, niệm ân đức dày công nuôi dưỡng. Người con hiếu mong được báo đền ân đức mẹ cha dù biết rằng chẳng bao giờ đủ. Vậy nên, những ai chủ trương vứt bát hương, bỏ thờ tự, dẹp giỗ quảy… là theo tà kiến chối bỏ cội nguồn, quay lưng với tổ tiên.
Ý kiến bạn đọc