Con đường tu học được dạy bắt đầu từ hai chữ “xả ly”, nhưng tự mình trải nghiệm & chiêm nghiệm thì mới phát hiện ra không hẳn là xả ly đồ vật này hay trạng thái nọ, mà chính yếu là xả ly mọi ý đồ của bản ngã ảo tưởng để sống tùy duyên thuận pháp.
Xả ly ở thái độ nội tâm là chính. Không bám víu bất kỳ điều gì, không cần đạt được bất kỳ điều gì chính là thái độ sống “thuận pháp” chứ không “thuận ngã”, nhưng trong đời sống bên ngoài có “bỏ” được gì, có “ly” được gì cụ thể hay không thì lại phải “tùy duyên”, tức tùy vào căn cơ trình độ của mình và bối cảnh đời sống.
Muốn vẽ một bức tranh đẹp là tác ý đúng, nhưng bức tranh mình vẽ sẽ đẹp đến mức nào lại phải tùy vào trình độ của mình và hoàn cảnh khi vẽ. Nếu không trải qua nhiều thất bại thì khó mà thấy ra những nỗ lực “bỏ” cho bằng được cái này, “xả” cho bằng được cái kia lại là biểu hiện của "cái Ta tu" để rồi rơi vào tình huống “bỏ được cái này lại vướng ngay vào cái khác”, và bản ngã thì ngày càng tăng trưởng, chứ hoàn toàn không phải "xả ly bản ngã ảo tưởng" như Đức Phật đã dạy.
Tu học được dạy là quá trình liên tục điều chỉnh nhận thức & hành vi, nhưng phải tự thân trải nghiệm mới biết nó giống như lên dây đàn vậy. Lên dây căng quá (bước tới) thì cũng không được, để dây trùng quá (dừng lại) thì cũng không xong. Và cái “Ta” cứ thế loay hoay giữa bước tới & dừng lại mà không biết phải làm sao? không biết “lên dây” tâm cỡ nào mới là chính xác đây?
Không có cái “Ta” nào có thể biết và trả lời được câu hỏi này, mà chỉ có Pháp biết, tánh biết nơi mỗi người tự biết như thế nào mới là phù hợp, mới là chính xác với riêng người ấy. Vậy nên tu học là xả ly mọi ý đồ "Ta tu” để tâm có thể tự tu, tánh biết tự điều chỉnh mới xong.
Khi còn ảo tưởng về “Ta” thì luôn muốn được tốt hơn, luôn theo đuổi những gì đẹp đẽ cao siêu lý tưởng, nên phải tự thân trải qua trăm cay ngàn đắng thì cái “Ta” mới chịu đầu hàng hoàn toàn, chứ đâu còn cách nào khác.
Nếu nội tâm không được mài giũa qua trải nghiệm vô vàn những “bão táp phong ba” thì làm sao nhận ra được bản ngã chỉ là ảo tưởng & cố chấp, làm sao phát hiện ra giá trị của cái tâm bình thường, làm sao thấy ra được thái độ sống bình thường tự nhiên trong sáng mới là biểu hiện nội lực & trí tuệ cao nhất của tâm. Và chính nó mới là chỗ nương tựa hi hữu và rốt ráo nhất, giúp mỗi người vượt qua mọi thử thách trong đời sống…
bắt đầu, phát hiện, trạng thái, bản ngã, ảo tưởng, thái độ, nội tâm, đời sống, cụ thể, căn cơ, trình độ, hoàn cảnh, trải qua, thất bại, nỗ lực, biểu hiện, tình huống, ngày càng, hoàn toàn, nam mô, a di
Mã an toàn:
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Chùa Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, thành phố Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật...
Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.
Ngày thành lập : 12-09-2012
Ý kiến bạn đọc