Vai trò của người Trú trì

Đăng lúc: Thứ ba - 11/11/2014 10:15 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Ngôi chùa sở dĩ trở thành một nét văn hóa đặc thù, trở thành ngôi nhà tâm linh thiêng liêng giữa cuộc đời bụi bặm khổ lụy này là do vị trụ trì. Nếu như ngôi chùa là linh hồn của dân tộc thì vị trụ trì là linh hồn ngôi chùa. Ngôi chùa có mang tính nhập thế và hưng thịnh hay không là do đạo hạnh và tài năng lãnh đạo của vị trụ trì.
DẪN NHẬP:

“Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng
Ra đi ai cũng nhớ chùa chung,
Mái chùa che chở hồn dân tộc,
Nếp sống muôn đời của Tổ tông”.
 
Mái chùa không biết tự bao giờ đã trở thành ngôi nhà chung che chở hồn dân tộc, đó chính là ngôi nhà tâm linh hướng dẫn con người biết nhân quả đạo lý, biết sống đạo đức, yêu thương gắn bó với quê hương đất nước. Nên, chùa là cái hồn dân tộc, thân thương gần gũi, hòa quyện trong lòng người dân như máu với thịt, như hơi thở, như bữa ăn hằng ngày.

Ngôi chùa sở dĩ trở thành một nét văn hóa đặc thù, trở thành ngôi nhà tâm linh thiêng liêng giữa cuộc đời bụi bặm khổ lụy này là do vị trụ trì. Nếu như ngôi chùa là linh hồn của dân tộc thì vị trụ trì là linh hồn ngôi chùa. Ngôi chùa có mang tính nhập thế và hưng thịnh hay không là do đạo hạnh và tài năng lãnh đạo của vị trụ trì.

Phải nói rằng, vị trụ trì đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc thịnh suy của chánh pháp. Vị trụ trì là người thay mặt Giáo Hội lãnh đạo Tăng –Ni Phật tử tại trú xứ tu học. Nếu vị trụ trì là người đạo cao đức trọng, biết cách quản lý lãnh đạo ngôi chùa thì ngôi chùa đó sẽ hưng thịnh và có nhiều đóng góp thiết thực cho làng nước, xã hội. Ngược lại nếu vị trụ trì không hội đủ các tiêu chuẩn trên thì ngôi chùa chỉ khép kín và không đóng góp được gì nhiều cho cộng đồng xã hội và đạo pháp. Chúng ta biết rằng lãnh đạo ngôi chùa là một sứ mạng thiêng liêng của người làm trụ trì, phải gánh vác trên đôi vai trọng trách tiếp nối chư vị Tổ sư “truyền trì mạng mạch Phật pháp”. Gánh vác một trọng trách to lớn như vậy, người trụ trì không thể nào không trang bị cho mình một kiến thức đầy đủ về cách làm trụ trì.        

NỘI DUNG:
 

Một đất nước mà không có lãnh đạo, nước đó sẽ rối loạn, một gia đình mà không có người chủ chốt thì gia đình đó không nề nếp. Cũng như thế, một ngôi chùa mà không có vị trụ trì, ngôi chùa đó sẽ đứng yên không thể thực hiện nổi vai trò hoằng dương chánh pháp. Chính vì vậy, ngôi chùa cần có vị trụ trì lãnh đạo điều hành mọi công việc thì ngôi chùa mới hưng thịnh, thực hành sứ mạng hoằng dương chánh pháp.

Theo như môn “quản trị học” dạy rằng bất cứ công việc gì nếu biết tổ chức và quản lý thì công việc đó rút ngắn được thời gian mà lại gặt hái thành công gấp nhiều lần. Cũng như vậy, bất cứ một đoàn thể nào muốn phát triển, hòa hợp, mạnh mẽ thì điều tiên quyết là phải biết cách tổ chức.

Tự viện là nơi mà đoàn thể Tăng bảo cư trú, cùng tu, cùng học trong phép “lục hòa” của đức Phật Đã là một đoàn thể đông người tất nhiên cần có hệ thống tổ chức một cách khoa học thì đoàn thể Tăng chúng mới hưng thịnh, hòa hợp được. Như chúng ta đã biết, đạo Phật tồn tại hơn hai ngàn rưỡi năm cho đến nay vẫn đang phát triển và thịnh hành trong nhiều quốc gia trên thế giới. Có được điều này là do đạo Phật đã có một cách tổ chức đúng đắn. Đạo Phật trãi qua mấy ngàn năm phát triển khắp năm châu, phát triển đến đâu đều có hệ thống tổ chức đến đó.

Các Tự viện Phật giáo ngày nay ở Việt Nam ta nhìn chung đều có một hể thống tổ chức nghiêm ngặt từ trên xuống dưới, nhưng chỉ có một điều, sự tổ chức chưa nhuần nhuyễn, chưa nhịp nhàng, chưa đúng phương pháp khoa học, chính vì vậy mà đạo Phật chúng ta chưa có sự phát triển mạnh mẽ như các tôn giáo khác. Đây chính là một điểm yếu mà chúng ta cần nhìn nhận và chấn chỉnh thì đạo Phật chúng ta mới có thể sánh vai cùng các tôn giáo lớn trên thế giới . Muốn khắc phục điều này các vị trụ trì Tự Viện nên tìm hiểu và áp dụng theo hệ thống tổ chức và quản lý truyền thống của chư vị Tổ sư từng hành trì, đồng thời nghiên cứu thêm tri thức về môn Quản trị học - là môn học đang được giảng dạy ở các trường Đại học thì việc tổ chức quản lý của Tự Viện sẽ gặt được nhiều thành công hơn.

1. Tìm hiểu thuật ngữ “chùa”:
 
- “Chùa” còn gọi là “Tự viện”, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường.
 
- “Chùa” là thuật ngữ chung cho tất cả những cơ sở Phật giáo, là nơi có thờ Phật, Bồ tát…, nơi cư ngụ, sinh hoạt lễ bái của Tăng chúng, nơi diễn ra tất cả hoạt động phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng tu học của Tăng ni và tín đồ Phật giáo.
 
- Trong thuật ngữ Phật học ta thường gặp từ Pháp vương gia tức là nhà của Pháp vương (ám chỉ Phật), chùa được xem như nhà của Phật, người giữ nhà của Phật là trụ trì.
 
- Một vài thuật ngữ tương đương với “Chùa” là Già lam (Đại Già lam, Trung Già lam, Tiểu Già lam), Tăng già lam. [1]       
 
2. Ý nghĩa “trụ trì”:

Lúc phật giáo mới truyền vào Trung Quốc, các nhà truyền giáo thường dùng hình thức truyền đạo từ người thầy trực tiếp truyền cho đệ tử, hoặc ở nơi hang đá tu hành v.v…chưa có chức danh trụ trì. Mãi đến đời Đường Trung Quốc, Phật giáo Thiền tông hưng thịnh, người học thiền ngày một đông nên tổ Bách Trượng mới đặt ra chức “trụ trì” để điều hành các Phật sự của Thiền viện mà Pháp sư Nghiêm Truyền phụng mạng tổ Bách Trượng làm trụ trì với ý nghĩa là người có đầy đủ quyền năng để điều hành tất cả các phật sự ở Thiền viện. Như vậy chức danh trụ trì có từ đó. Đến đời Tống thì chức vị “trụ trì” được áp dụng rộng rãi tại các tự viện cho đến ngày nay. [2]  

Chữ “trụ trì” mang ý nghĩa “ trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng”.
 
- Thế nào là “ trụ pháp vương gia”? Câu này nhằm nhắc nhở hành giả với vấn đề giáo pháp đã cảm nhận nơi tự thân thể hiện, ngôn hạnh tương ưng, các pháp thế và xuất thế ứng dụng trong đời sống hàng ngày qua thân khẩu ý xuất phát từ “trí tuệ hành” nên tự tại các pháp  và có thể an nhiên với vấn đề ưu bi khổ não. Thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân được xuất phát từ Như Lai tâm, ứng dụng từ Như Lai hạnh nên được gọi là “ trụ pháp vương gia”. [3]  
 
- Thế nào là “trì Như Lai tạng”? Như ta đã biết với việc làm tâm và hạnh xuất phát từ bản thể Như Lai, mà thể Như Lai là không từ đâu đến không đi về đâu, chính là bản thể chơn như thường trú, ta và Phật giống nhau thường tồn bất diệt. “Trì Như Lai tạng” là giữ gìn cái chân tánh Như Lai sẵn có nơi mình là nói về thể, còn về ứng dụng thì “trì Như Lai tạng” mang ý nghĩa giữ gìn và truyền bá ba tạng kinh – luật - luận của Như Lai. 
 
 3. Vai trò của trụ trì trong việc quản lý “Tự viện”
 
3.1. Đạo hạnh của vị trụ trì:
 
Trụ trì là linh hồn ngôi chùa, là người giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong việc truyền trì mạng mạch phật pháp, là người chịu trách nhiệm trước giáo hội về việc  hướng dẫn Tăng ni Phật tử tại trú xứ tu học đúng pháp, đúng luật. Cho nên, hơn ai hết vị trụ trì phải là người có giới hạnh trang nghiêm, vì dù vị trụ trì có tài cao nhưng đức không trọng thì sẽ khó mà nhiếp hóa lòng người. Nên, người trụ trì phải toát lên được “oai đáng kính, nghi đáng sợ”, là người “đức trọng quỷ thần kinh”. Có như vậy mới xứng đáng làm bậc thầy của thiên hạ, mới có thể nhiếp hóa đồ chúng và quần chúng tu tập.

Nghiêm trì giới luật là một trong yếu tố quan trọng hàng đầu của vị trụ trì. Sự nghiêm trì giới luật làm cho vị trụ trì sáng ngời uy đức, đủ làm chổ nương tựa cho hàng ngũ xuất gia và quần chúng Phật tử. Chỉ cần nhìn vào oai nghi, cử chỉ của vị trụ trì thôi người ta cũng đủ sanh tâm quy ngưỡng Phật pháp. Cho nên việc giữ giới luật của vị trụ trì không chỉ vì lợi ích cá nhân thôi mà còn làm lợi ích cho rất nhiều người. [4]

 Thứ hai, người trụ trì phải là người có tâm hồn bao dung, hiền hòa, sự bình an tỏa ra một cách tự nhiên khiến cho mọi người cảm nhận được sự bình an khi tiếp xúc, gần gũi, đó chính là tâm “từ bi”. “Từ” là lòng thương yêu hoàn toàn vị tha, thương yêu bình đẳng đối với chúng sanh mà không cần sự đáp trả nào. “Bi” là cứu khổ, với một tình thương ấm áp như nắng mùa xuân, người trụ trì luôn giang rộng đôi tay cứu giúp những người khó khăn về măt vật chất, và khổ não về tinh thần. Cho nên rất nhiều trường hợp có những người quy ngưỡng đạo Phật vì xúc động trước lòng từ của vị Tăng và cũng không ít người bỏ đạo vì bất mãn trước lối cư xử và lối sống thiếu đạo hạnh của vị Tăng. Vì vậy ở cương vị của trụ trì, người trụ trì phải tu tập tâm từ bi thuần thục để có một tình thương và uy đức lan tỏa đến mọi người.

Thứ ba, người trụ trì phải có phong thái điềm tĩnh vững vàng để xử lý và giải quyết mọi công việc từ trong ra ngoài. Có câu “tình sanh thì trí cách”, một tâm hồn náo động lăng xăng sẽ không đủ sáng suốt để nhìn hết mọi khía cạnh công việc và hậu quả của vấn đề đó. Cho nên chỉ có bình tĩnh ung dung thì người trụ trì mới có thể đầy đủ  sáng suốt để xử lý mọi vấn đề một cách gọn gàng chính xác nhất.

Vị trụ trì là người chịu trách nhiệm đối với trọng trách “truyền trì mạng mạch Phật pháp”, thực hiên vai trò “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”. Thế nhưng ít người chấn hưng chốn già lam đúng theo ý nghĩa của nó mà có một số vị trụ trì quên mất đạo đức, bỏ cả ngôn hạnh, không cần nhân nghĩa, phá hoại pháp độ, làm theo ý riêng của mình. Khi làm trụ trì, họ xem già lam là của riêng mình để làm việc riêng tư, không nghĩ đến Giáo hội, làm cho đạo pháp ngày một đi xuống. Người trụ trì phải hiểu việc thành lập chốn Già lam là vì người học đạo, vì chánh pháp của đức Phật phải được hoằng truyền. Cho nên người trụ trì không xem tự viện như ngôi nhà riêng của cá nhân mình, nên sống trong tinh thần vô ngã và vô ngã sở “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ Tâm” (Kinh Kim Cang). Ngôi tự viện chỉ là một phương tiện để chúng ta thực hành sứ mạng của Như Lai, là nơi chốn thuận lợi cho chúng Tăng tu học, cũng là nơi chốn hoằng truyền chánh pháp.Tự viện là của chung của Tăng chúng, là một đơn vị trực thuộc của Giáo Hội, chịu sự quản lý của Giáo Hội. Vì vậy người trụ trì không được xem ngôi chùa là “của tôi, tôi có quyền làm gì thì làm”. Người trụ trì không được lạm dụng Tự Viện để dung chứa thân nhân quyến thuộc mà hãy vì Phật pháp mà quên đi cá nhân, hãy sử dụng ngôi Tự Viện một cách đúng chánh pháp.

Tóm lại, người trụ trì phải trang bị cho mình đầy đủ “huệ” và “đức”, có huệ mà không có đức thì mọi người chẳng kính, có đức mà không có huệ thì khó hướng dẫn đàn hậu lai. Vị trụ trì phải lấy đức làm cho huệ càng ngày càng tỏa sáng. Có huệ và đức thì mới có khả năng kế thừa và tiếp nối sự nghiệp các bậc tiền nhân.
 
3.2. Kiến thức của vị trụ trì:

Không phải ai sanh ra lớn lên là biết chỉ đạo, hoặc lãnh đạo mà bất cứ người nào cũng phải trãi qua thời gian học tập, trau dồi kiến thức. Người trụ trì là người cần trang bị cho mình rất nhiều kiến thức về mọi lãnh vực cần thiết của chức vị trụ trì như kiến thức về giới luật, về phật pháp, phải có kinh nghiệm tiếp tăng độ chúng, phải biết cách tổ chức tu học trong Thiền môn, phải biết kiến thức xây dựng chùa, biết cách trang trí thờ tự trong một ngôi chùa như thế nào. Dù rằng đã có một vốn liếng kiến thức về trụ trì chăng nữa thì người trụ trì vẫn luôn luôn bổ túc sự học hỏi của mình không ngừng nghỉ. Vẫn biết rằng vị trụ trì bận rộn trăm công nghìn việc nhưng phải giành vài giờ trong tuần nghiên cứu thêm kinh điển  và tham dự các buổi giảng do Giáo hội tổ chức về khóa trụ trì.

Trước hết, người trụ trì phải dành thời gian nghiên cứ giáo lý không ngừng. Vì sao vậy ? Vì kho tàng giáo lý của đức Phật thì mênh mông nhưng thời gian trôi quá nhanh quá nên cơ hội nghiên cứu của chúng ta quá ít. Hơn nữa, vai trò của vị trụ trì không cho phép chúng ta dốt nát về giáo lý. Ngày nay tín đồ Phật tử đa số là người trí thức và rất nhiều người có trình độ Phật pháp rất thâm sâu, nếu như Phật pháp chúng ta thua họ, sẽ khiến họ sanh tâm xem thường. Chúng ta có thể kém hơn họ về kiến thức thế gian nhưng không được kém họ về Phật pháp. Chính vì lý do này mà người trụ trì luôn đặt nặng vấn đề trau dồi kiến thức Phật pháp không ngừng.

Người trụ trì phải am tường những pháp căn bản của giới luật để biện biệt trong hành trì và hướng dẫn đồ chúng. Ví dụ như muốn dạy cho đệ tử biết cách làm “thị giả” thì người trụ trì phải có kiến thức cũng như kinh nghiệm làm “thị giả” như thế nào. Người trụ trì phải biết: cương giới, giới trường, ngũ thiên, thất trụ, cấc pháp yết ma, … am tường cách thức truyền giới và thọ giới, phải biết làm “thầy” phải hội đủ các điều kiện gì, phải biết cách thức thế phát xuất gia cho đệ tử v.v…

Người trụ trì phải am tường nghi lễ Phật giáo, vì phần đông quần chúng biết đến đạo Phật qua hình ảnh ngôi chùa thân thương, qua hình tượng Phật từ ái, qua vị trụ trì khả kính và nhất là qua nghi lễ Phật giáo. Nghi lễ Phật giáo là một loại hình tín ngưỡng tôn giáo không thể thiếu đối với đại đa số quần chúng. Từ Nghi lễ Phật giáo mà Tam bảo được tôn vinh, nên vị trụ trì dễ gần gũi và dẫn dắt tín đồ hơn.

Người trụ trì phải biết cách tổ chức các lễ hội phật giáo sao cho lễ hội đó phải mang nét đặc thù của văn hóa Phật giáo, vừa tính trang nghiêm trọng thể vừa tránh được lãng phí, vừa truyền tải được những ý nghĩa sâu sắc của triết lý đạo Phật.

Người trụ trì phải biết cách tổ chức, biết cách điều hành đạo tràng tu Bát Quan Trai, tu Phật thất … để người Phật tử cảm thấy ngày một thăng tiến hơn trên con đường tâm linh. Họ cảm thấy hạnh phúc, an lạc trong những ngày tu, họ cảm nhận được sự ấm áp của tình thầy trò, tình huynh đệ, họ càng đoàn kết với nhau hơn, cùng nhau hết lòng hộ trì Tam bảo.

Vị trụ trì phải thông suốt mọi đường lối của Giáo hội. Chúng ta biết Hiến chương và Nội quy của Giáo hội được xây dựng trên hiến pháp và pháp luật nhà nước. Chính phủ Việt Nam công nhận chính thức rằng GHPGVH là tổ chức duy nhất đại diện cho Tăng ni phật tử Việt Nam trong và ngoài nước. Giáo hội có trách nhiệm quản lý Tăng ni phật tử và toàn thể Tự Viện tại Việt Nam. [5]  

Ngôi chùa là một cơ sở của giáo hội, vị trụ trì thay mặt giáo hội điều hành mọi công việc Phật sự tại bổn tự và hướng dẫn quần chúng tu học, tất nhiên vị trụ trì phải hiểu rõ tất cả văn kiện, nghị quyết mà giáo hội đưa ra. Là một thành viên của giáo hội PGVN, người trụ trì phải thể hiện tinh thần chung là thống nhất ý chí và hành động, lấy hiến chương và nội quy của GH làm chuẩn để sinh hoạt, tránh chống đối, gây bất lợi cho đạo pháp.
 
3. 3. Trách nhiệm của vị trụ trì:       

Người trụ trì gánh vác trên đôi vai của mình nhiều trách nhiệm nặng nề. Trước hết, người trụ trì phải biết cách tổ chức và điều hành một cách có hệ thống sự tu học của Tăng chúng nội tự. Lo việc trong chùa cho ổn định nề nếp rồi, người trụ trì còn lo việc bên ngoài như làm các công tác từ thiện xã hội, hướng dẫn quần chúng và Phật tử tu tập …Sau đây là một số nhiệm vụ điển hình mà người trụ trị phải thực hiện.

3. 3.1.  Sắp xếp ban điều hành và các ban trong Tự Viện:

Đối với những ngôi chùa ít Tăng chúng thì vấn đề tổ chức nội tự không quan trọng lắm, nhưng đối với những ngôi Tự Viện mà Tăng chúng đông thì vấn đề tổ chức điều hành có hệ thống là một vấn đề không thể thiếu được. Đó là trách nhiệm cốt lõi của vị trụ trì. Nếu một người trụ trì kém về mặt tổ chức sẽ đưa đến sự bất mãn, xáo trộn, không có nề nếp, dẫn đến chất lượng tu học của Tăng chúng cũng không được cao. Ngược lại nếu vị trụ trì biết cách tổ chức và điều hành nội tự một cách có hệ thống và mang tính khoa học thì mọi việc được rút ngắn thời gian, mang tính gọn nhẹ, trôi chảy, nhưng kết quả lại cao. Bên cạnh đó người trụ trì biết cách điều hành sẽ khiến cho đời sống sinh hoạt Tăng chúng có nề nếp, hòa hợp trong tinh thần cùng học, cùng tu, cùng giữ giới luật, đây là một môi trường lý tưởng cho sự tu học của Tăng chúng. Như vậy, vị trụ trì phải biết tổ chức đại chúng nội tự tu học như thế nào?

Người trụ trì không thể ôm trọn hết mọi công việc nội tự, nhất là nơi Tăng chúng đông đảo. Người trụ trì phải cử ra Ban chức sự (Ban điều hành) để chia bớt trách nhiệm với mình. Tổng quát Ban chức sự có thể như sau:
 
- Một phó trụ trì có khả năng quán xuyến mọi việc để thay thế trụ trì khi trụ trì vắng mặt.
 
- Một tri chúng để kiểm soát chúng, kiểm soát thời khóa tu học và oai nghi của chúng, nhắc nhở chúng áp dụng đúng Thanh quy.
 
- Một thủ quỷ giữ tiền của Tự viện, chỉ xuất theo lệnh trụ trì và ban chức sự.
 
- Một tri sự để sắp xếp và kiểm soát việc lao tác của chúng, nhắc nhở chúng hoàn thành nhiệm vụ của mình.
 
Ban chức sự phải làm việc ăn khớp với nhau dưới sự chỉ đạo, giám sát của trụ trì, không để xảy ra tình trạng chồng chéo trách nhiệm của nhau mà nhiệm vụ người nào người đó phải hoàn thành. Ban chức sự do trụ trì chỉ định hay do đại chúng đề cử và cần có nhiệm kỳ thay đổi để mọi người được trãi qua thời gian trong ban chức sự hầu rèn luyện khả năng dẫn chúng về sau.

Ngoài ban chức sự căn bản trên, cần có thêm:
 
- Một Hương Đăng (hoặc một nhóm người làm Hương đăng) để coi sóc về Chánh điện như coi sóc về hoa quả cúng Phật, lau chánh điện, thức chúng …
 
- Một Trưởng liêu (mỗi liêu có một trưởng liêu) để gần gủi và sách tấn chúng.
 
- Một Tri khố để sắp xếp việc ăn uống cho chúng.
 
- Một Tri khách để tiếp khách và sắp xếp việc ăn ở trong thời gian khách lưu trú, đồng thời giải đáp những câu hỏi thông thường của khách. Tuy nhiên tri khách phải là người tế nhị, am hiểu tình hình nội viện và xã hội, là người có khả năng giải đáp mọi thắc mắc về Phật pháp cho khách.
 
- Một khán bịnh để chăm sóc sức khỏe cho chúng. Người khán bịnh phải được bồi dưỡng trong y học. Các tự viện bên Trung Hoa ngay xưa, người quản lý nhà trù là một thầy thuốc.
 
- Một Thủ kho để giữ gìn vật tư, kỹ thuật máy móc, đồ dùng của nội viện.
 
- Một Tri viên để chăm sóc vườn tược cây cảnh của chùa. [6]
 
Những công việc trên có thể luân phiên mỗi người (có thể là 2, 3 người như Hương đăng) một tháng hoặc ba tháng, hay một năm, tùy theo cách bố trí khác nhau của mỗi chùa. Ngoài ra để sự sinh hoạt của chúng có sự nhịp nhàng điều độ thì mỗi ngày phải chia phiên hành đường (dọn ăn cho đại chúng), Trị nhật (nấu ăn cho đại chúng), làm nhà vệ sinh … Người trụ trì phải tránh tình trạng thiên vị một ai đó mà giao cho họ những công việc nhẹ không đồng với chúng, sẽ dẫn đến sự bất mãn của đại chúng. Vị trụ trì điều hành mọi công việc trên tinh thần bình đẳng với một tấm lòng bao dung rộng mở, hết lòng thương yêu chúng. Nói chung vị trụ trì có đầu óc tổ chức làm sao để mọi người cùng tu học và chấp tác trong tinh thần lục hòa, bình đẳng và tự giác. Điều hành làm sao để mọi công việc được trôi chảy, rút ngắn thời gian nhưng gặt hái thành quả lại rất cao. Làm được như vậy thì không việc gì không thành tựu.
 
3. 3.2. Lập Thanh Quy:

Ngoài những giới luật căn bản từ Đức Phật truyền lại như Sa Di, Sa Di ni, Thức Xoa, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni … mỗi Tự viện cần lập thêm Thanh Quy cho thích hợp với môi trường tu học nội tự. Bởi vì có Tăng chúng là đệ tử thế độ của người trụ trì, nhưng có người từ nơi khác đến y chỉ vị trụ trì, có người niên lạp đáng là đệ tử trụ trì, nhưng cũng có người lớn hơn hoặc tương đương trụ trì. Trong vấn đề tình và lý phức tạp như vậy, ngôi Tự viện cần có bản Thanh Quy làm quy ước để giữ gìn ổn định của đời sống nội tự. Người đến Tự Viện phải là người tự nguyện chấp hành Thanh Quy của Tự Viện, nếu không họ có thể tự do rời khỏi Tự Viện, nếu ở thì phải chấp hành Thanh quy của Tự Viện. Trong Thanh quy, quy định thời khóa tu tập, chấp tác, quy định tinh thần, thái độ của Tăng chúng, quy định những luật lệ giữ gìn sự thanh tịnh của Tăng chúng. Ví dụ, quy định thời gian tiếp khách là bao nhiêu, không để họ tiếp khách cả ngày, mất thời gian tu học và chấp tác, đồng thời cũng giúp cho họ tránh bớt duyên bên ngoài. Sự đi lại của Tăng chúng cũng được kiểm soát rõ ràng, không thể tự do muốn đi đâu thì đi, vì vừa tốn tiền xe, vừa ô nhiễm thế tục, vừa mất thời giờ tu học. Chúng Tăng không được đi đến am cốc Ni, nhà cư sĩ nữ một mình, phải đi hai người vì duyên sự chánh đáng và đối với bên Ni cũng như vậy. Đó là một vài quy luật điển hình của Thanh Quy.

Rõ ràng Thanh Quy là sự trói buộc sự phóngtúng của một người còn nhiều lăng xăng phiền động, để giúp họ ở yên tu học. Người trụ trì tuy hết lòng thương Tăng chúng, luôn luôn lo lắng cho sự tu học của Tăng chúng nhưng phải nghiêm khắc áp dụng Thanh Quy để giữ gìn sự ổn định và thanh tịnh của chốn Thiền môn. [7]
 
3.3.3. Thường xuyên đi tuần liêu để theo dõi sự tu học của chúng:

Tâm chúng sanh rất dễ nhiễm các pháp bất thiện, các pháp bất thiện thì như cỏ dại mọc trên đồng nội, dễ sanh sôi nảy nở, còn các thiện pháp thì phải có sự chăm sóc không ngừng  mới đâm hoa kết trái, ví như cây lúa cần có bàn tay chăm bón của con người mới đơm bông kết hạt. Cũng vậy, tuy là người xuất gia nhưng mới tập tu nên các pháp bất thiện còn mọc đầy trong tâm thức, nếu không có người nhắc nhở, sách tấn, hướng dẫn thì cũng dễ nhiễm pháp thế gian và chảnh mảng tu hành. Cho nên vị trụ trì sau khi đã đặt ra chương trình tu học rồi nhưng cần phải thường xuyên theo dõi sự tu học của chúng, có như vậy mới có thể giải quyết kịp thời sự thiếu thốn của chúng, và phát hiện những chảnh mảng trong sự tu học của chúng. [8]

Đồng thời để dễ giám sát việc tu học của chúng hơn, người trụ trì phải thường xuyên đi xem xét nơi ngủ nghỉ của đồ chúng có đàng hoàng không (thuật ngữ gọi là “tuần liêu”). Theo luật Tăng Kỳ, ngày xưa đức Phật cũng thường đi tuần liêu vì năm việc sau đây:
 
-  Sợ đệ tử làm những việc hữu vi
 
- Sợ đệ tử làm những việc quá thế tục.
 
- Sợ đệ tử ham mê ngủ nghỉ,
 
- Đến thăm viếng các đồ chúng bị bệnh
 
- Khiến cho các đồ chúng mới vào đạo xem thấy oai nghi của Phật mà học theo. [9]

Để thành công trong việc nhiếp chúng, người trụ trì phải gần gũi với chúng, phải làm sao cho chúng kính mình như người cha, thương mình như mẹ và có thể giải bày tâm sự như bạn bè. Có như vậy họ mới thố lộ hết tâm tư, khúc mắc trong vấn đề tu học để nhờ vị trụ trì chỉ dẫn cho họ. Người trụ trì phải nắm rõ tâm tính của từng người để đưa ra những phương cách dạy dỗ phù hợp.
 
3.3.4. Thế độ xuất gia và giáo huấn đệ tử:

Trách nhiệm lớn lao của vị trụ trì là “truyền trì mạng mạch Phật pháp”, nhưng nếu không có người tiếp nối thì lấy ai để giữ gìn Phật pháp ? Thế nên việc xây dựng tầng lớp Tăng sĩ tài đức để sau này có thể tiếp nối những bậc Tôn túc hoằng dương chánh pháp là trách nhiệm quan trọng của người trụ trì.

Theo đường lối của Giáo hội hiện nay, người muốn xuất gia phải được Giáo Hội chấp thuận, Mặt trận, Chính quyền xác nhận, và lý lịch của họ cũng được minh bạch. Việc làm này để đảm bảo rằng không có những thành phần xấu trà trộn trong hàng ngũ Tăng chúng. Vào những thời kỳ Phật giáo hưng thịnh trong lịch sử, số người xin xuất gia rất đông, nhưng lúc nào cũng vậy, lượng nhiều thì phẩm ít. “Cái tệ kiêu Tăng, xa hoa, hưởng thụ, phóng túng … là cái tệ chung của mọi tôn giáo khi tôn giáo đó được đãi ngộ quá mức”. Tôn giáo nào xuất hiện những hiện tượng này thì tôn giáo đó đang xuống dốc. Ngày nay số lượng Tăng ni còn đông hơn trước, tất nhiên không tránh khỏi những điều phức tạp đã và đang xảy ra. Cho nên người trụ trì khi nhận người xuất gia phải chọn lựa kỹ càng, phải biết gốc tích và nguyên nhân xuất gia của họ, phải được cha mẹ gởi gắm và bảo lãnh trước khi họ vào chùa (ngoại trừ những người có hoàn cảnh đặc biệt nhưng tha thiết xuất gia với ý chí dũng mãnh). Khi đã tiếp nhận họ, vị trụ trì phải dạy dỗ nghiêm minh về mọi mặt, đừng ham đệ tử đông mà sau này chính họ phá hoại Tam bảo mà mình là người chịu một phần trách nhiệm. [10] Nhận người vào hàng ngũ xuất gia, người trụ trì phải chọn lựa cẩn thận, sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý phải đầy đủ (như lùn, lé không được xuất gia, nếu xuất gia không được thọ đại giới). Khi mới nhận vào cho tập tu, khoan cạo tóc vội, để thử thách có phải là hảo tâm xuất gia không. Trong thời gian tập tu này vị trụ trì bắt buộc họ phải học thuộc và hành trì hai quyển luật Tỳ Ni Nhật Dụng, Oai nghi của Sa Di (Sa Di Ni) và Công Phu Khuya.  Học xong hai quyển luật và thời Công Phu Khuya, tiếp tục thực tập tụng niệm và học thuộc thời công phu chiều (A Di Đà, Hồng Danh, Mông Sơn). [11]  Sau khi nhận thấy người đó có đạo hạnh và chí nguyện xuất gia chơn chánh, vị trụ trụ thế phát xuất gia, thâu nhận làm đệ tử. Sau khi thế phát cho họ rồi, người trụ trì với trọng trách của một người Thầy, cũng là người cha, người mẹ, phải thương yêu và dạy dỗ, tạo mọi điều kiện cho đệ tử tu học, trở thành một người tài đức mà sau này có thể gánh vác Phật pháp.
 
3.3.5. Tác pháp yết ma:
 
“Yết ma” là thỉnh ý chúng để lấy quyết định, đây là tính cách dân chủ trong đạo Phật. Có những việc quan trọng mà vị trụ trì không thể đơn phương giải quyết, cần phải thỉnh ý chúng. Ví dụ : việc thay đổi Chức sự, nhận thêm chúng, tẩn xuất chúng, truyền giới, thế phát, an cư… pháp “Yết ma” lâu ngày trở thành hình thức hợp thức hóa một quyết định đã được thông qua trước. Ví dụ sau khi đã thông qua quyết định truyền giới, chúng họp lại đầy đủ, y áo chỉnh tề, tác pháp yết ma để hợp thức hóa:
 
“Tác bạch như trên có thành không”
 
“Mô Phật, thành”.
 
Việc như vậy chỉ là hình thức truyền thống, nhưng cũng cần phải duy trì. Tuy nhiên tinh thần thực  sự của pháp “Yết ma” là thỉnh ý chúng một cách dân chủ. Chúng có trách nhiệm đối với những sự kiện quan trọng của Tự Viện và họ cần được biểu quyết ý kiến một cách bình đẳng. [12]
 
3.3.6. Kinh tế Tự Viện:

Kinh tế của Tự Viện phải được tổ chức thế nào để ít đầu tư thời gian nhưng đạt hiệu quả cao. Muốn như vậy, người trụ trì cần phải áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật. Có những Tự Viện có nhiều đất, ruộng, rẫy, nếu không khéo chúng ta sẽ bắt Tăng chúng căng hàng phơi nắng cuốc đất ngày này qua ngày khác. Điều này lỗi thời với thời đại khoa học ngày nay và nói lên sự sắp xếp vụng về của người lãnh đạo.

Có những Tự Viện tổ chức làm nhang, làm đồ chay đem ra chợ bán, có những Tự Viện tổ chức làm tương chao … nhưng như vậy chỉ là chế biến sản phẩm vì chưa phải sản xuất sản phẩm. Có những Tự Viện tổ chức làm nấm mèo, nấm rơm, nấm bào ngư… công việc này nhẹ nhàng ít tốn thời gian chăm sóc và phù hợp với người tu hơn.

Chung quy lại, là người làm trụ trì không nên quá chú trọng vào công việc kinh doanh buôn bán nhiều như người đời mà làm mất thời gian tu học của Tăng chúng, và làm mất đi phần nào giá trị của người xuất gia. Chúng Tăng không cần phải làm quá nhiều như người đời, họ chỉ cần làm vừa đủ để sống một cuộc sống tu hành đạm bạc. Thế nên người trụ trì phải khéo léo tổ chức làm kinh tế sao cho ít tốn thời gian mà đạt hiệu quả. Những máy móc cần trang bị cho nhu cầu công việc phải sắm đầy đủ vì không sử dụng máy móc trong việc làm kinh tế là lạc hậu. [13]

3.3.7. Hướng dẫn quần chúng và Phật tử tu học:

3.3.7.1. Hướng dẫn những người chưa hiểu đạo vào đạo:


Hướng dẫn những người chưa hiểu đạo vào đạo là vấn đề quan trọng trong vấn đề hoằng dương chánh pháp của vị trụ trì. Về khía cạnh này, chúng ta phải nhìn nhận rằng đây là điểm yếu kém của các ngôi chùa về cách truyền đạo không bằng các tôn giáo khác. Điển hình là Thiên chúa giáo, họ có những cách giữ tín đồ cũng như lôi kéo tín đồ. Họ có thể dùng vật chất, hay làm công tác từ thiện, hoặc dạy học, đôi lúc còn hù dọa, cưỡng chế … để lôi kéo tín đồ. Đạo Phật chúng ta thì có xu hướng không tranh, đề cao tinh thần tự giác, đây là lý do mà nhiều tín đồ đạo Phật dễ dàng bỏ đạo mình sang đạo khác, và vì đạo Phật chúng ta không đặt nặng vấn đề lôi kéo tín đồ như các đạo khác nên tín đồ Phật giáo không đông là lẽ tất nhiên. Nói thế, không phải chúng ta cũng phải làm giống như họ mà Đạo Phật chúng ta phải có những cách riêng phù hợp với tinh thần đạo Phật, chúng ta phải coi trọng vấn đề vấn đề đem ánh sáng đạo Phật vào đời. Để thực hiện vấn đề này, người trụ trì phải làm gì?

Đối với những người đi chùa nhưng chưa hiểu đạo Phật, họ đến chùa cầu xin một điều gì đó, hay đi chùa vì thói quen, hay đi chùa vì muốn tìm một chút bình an, thanh thoát khi tâm hồn đang chất chứa bao lo toan, bao phiền muộn trong cuộc sống. Đối với những người đi chùa nhưng chưa hiểu đạo như thế thì người trụ trì phải có phương pháp hướng dẫn họ vào đạo. Chúng ta thấy vào những ngày 30, 1, 14,15 là những ngày mà quần chúng đi lễ Phật đông nhất. Sau mỗi thời lạy sám hối, đích thân vị trụ trì, hay vị trụ trì có thể cử một vị Tăng trong chùa thuyết một thời pháp ngắn cho những người đi chùa nghe. Không những thuyết pháp thôi, mà sau đó còn phát cho họ băng đĩa, kinh sách để họ tự nghiên cứu thêm. Làm được như vậy, dần dần chúng ta giúp họ hiểu được cái hay cái đẹp của đạo Phật, từ đó họ sẽ đến với chùa bằng cái nhìn chơn chánh và tiến bộ hơn nhiều. Một khi họ đã hiểu và có cái nhìn chơn chánh về đạo Phật rồi thì lúc này người trụ trì có thể dễ dàng khuyên họ quy y và thọ trì năm giới. Bên cạnh đó, chúng ta không chỉ thuyết giảng Phật pháp vào những ngày đông người đi lễ Phật thôi, mà bất cứ lúc nào tiếp xúc với những người chưa hiểu đạo, người trụ trì, hoặc tri khách hay bất cứ vị Tăng nào trong nội tự khi nói chuyện với họ cũng khéo léo thuyết giảng cho họ hiểu Phật pháp  rồi khuyên họ quy y và thọ trì năm giới. Chúng ta thiết nghĩ, nếu bất cứ vị trụ trì nào biết đặt nặng vấn đề này và đưa ra những phương cách thích hợp nhất để hướng dẫn quần chúng vào đạo, quy y Tam bảo thì có lẽ đạo Phật chúng ta ngày một phát triển hơn nhiều.

3.3.7.2. Truyền Tam quy – Ngũ giới:

Truyền Tam quy – Ngũ giới là một nhiệm vụ không thể thiếu của người làm trụ trì, vì Tam quy – Ngũ giới là những quy định và tiêu chuẩn đạo đức tuyệt vời giúp người Phật tử thực hiện lối sống lành mạnh, trong sạch, hạnh phúc theo lời Phật dạy. Việc truyền Tam quy – Ngũ giới sẽ tạo cho người trụ trì có nhiều bổn đạo hơn, ngôi chùa sẽ hưng thạnh hơn, vì sau khi quy y họ trở thành những người Phật tử chơn chánh, họ sẽ đi chùa thường xuyên hơn, gắn bó với chùa nhiều hơn.

3.3.7.3. Thành lập đạo tràng, hướng dẫn Phật tử tu học:

Thiết lập đạo tràng tu tập cho quần chúng Phật  tử là một trong những mục tiêu của Giáo Hội nói chung và của mỗi vị trụ trì nói riêng. Kinh Pháp Cú đức Phật dạy: “Hạnh phúc thay tứ chúng đồng tu” đã nói lên hoài bão của Phật rằng: đệ tử xuất gia và tại gia phải nương tựa vào nhau đồng tu học thì Phật pháp sẽ vững mạnh và phát triển. Hơn 40 năm hóa độ, Đức Phật đã xây dựng được bốn chúng đồng tu, xứng danh với “giác hạnh viên mãn”.

Đạo tràng thời đức Phật tập hợp Tăng ni và Phật tử vào những ngày gọi là ngày trai giới. Ngày trai giới còn có tên là ngày Bố Tát, nghĩa là ngày làm lớn mạnh sự thanh tịnh của tâm. Chư Tăng có truyền thống tập trung Bố Tát vào hai ngày: ngày trăng tròn và ngày không trăng (15 và 30). Trong dịp này chư Tăng sẽ thuyết giảng và hướng dẫn các Phật tử tu học trong một ngày đêm qua pháp môn Bát Quan Trai Giới. Từ đó pháp môn thọ Bát Quan Trai Giới trở thành con đường tu tập đạo giải thoát của người Phật tử tại gia. [14]  

Cho nên ngày nay người trụ trì tiếp nối đức Phật cũng như chư vị Tổ sư thành lập đạo tràng tu Bát Quan Trai, hầu giúp Phật tử có một môi trường cũng như cơ hội tu tập để thăng tiến trên con đường tâm linh.

Để đáp ứng nhu cầu tu học hiện nay của Phật tử, ngoài đạo tràng Bát Quan Trai Giới ra, vị trụ trì phải thành lập thêm các đạo tràng tu Phật thất, đạo tràng tu thiền định v.v…
 
- Thiết lập chương trình:  dùtu Bát Quan Trai hay tu Niệm Phật, ngồi thiền … thì chương trình tu học luôn xây dựng trên cơ sở Tam vô lậu học, tức là Giới – Định – Tuệ. Nếu chương trình quá xa lộ trình Giới – Định – Tuệ thì sẽ đánh mất chất liệu đặc thù của Phật giáo.
 
- Phân loại đối tượng : phải phân loại đối tượng để thiết lập nội dung tu phù hợp với từng đối tượng.
 
- Điều hành quản lý đạo tràng :Vị trụ trì là người lãnh đạo và hướng dẫn trực tiếp về mặt chuyên môn, sau đó mới điều hành chư Tăng có chuyên môn và kinh nghiệm, sau nữa là cộng tác với những Phật tử thuần thành của chùa. Có hai mặt phải làm là điều hành các mối quan hệ trong đạo tràng ; hai là chăm sóc các hành giả trong sinh hoạt cũng như trong tu tập. Làm thế nào để mọi người tham dự khóa tu cảm thấy nhẹ nhàng ấm áp tình huynh đệ, làm cho thông điệp tu tập từ người lãnh đạo, thông qua người quản lý đi vào lòng người tham dự khóa tu. Họ sẽ cảm thấy thời gian tu của họ trong đạo tràng thật sự bình an, tiến triển hơn về tâm linh. Vị trụ trì điều hành đạo tràng được như vậy là thành công. [15]

3.3.7.4. Thiết lập mối quan hệ với xóm làng, với xã hội:

Thông thường những gia đình sống gần chùa lại không biết đạo, nên dễ xảy ra sự va chạm qua lại. Cho nên vị trụ trì và Tăng chúng phải khéo léo thiết lập mối quan hệ tốt đẹp giữa chùa với cộng đồng dân cư xung quanh. Khi gia đình nào có người qua đời, thì vị trụ trì cùng Tăng chúng đến phúng điếu, chia buồn, tụng thời kinh, hướng dẫn gia đình cách lo đám như thế nào…Khi gia đình nào nghèo khó, chúng ta cũng đến giúp đỡ vật chất cho họ… Nói chung lại là làm những công việc lợi ích cho làng xóm, để cho mọi người cảm nhận được hình ảnh tràn đầy tình thương yêu của vị trụ trì và Tăng chúng. Một khi mọi người đã có tình cảm gắn bó với chùa rồi thì chúng ta rất dễ truyền đạo. Vị trụ trì phải làm sao để cộng đồng dân chúng sống quanh chùa đều đi chùa, đều quy ngưỡng Tam bảo, trở thành những Phật tử thuần thành hết lòng phụng sự Tam bảo. Làm được như thế mới có thể đem ánh đạo đến với xóm làng, tạo được những tình cảm thân thương gắn bó giữa chùa với người dân.

Vị trụ trì không chỉ quan tâm đến việc tạo mối quan hệ gắn bó giữa chùa với làng xóm thôi mà vị trụ trì còn quan tâm hơn nữa đối với việc thiết lập mối liên hệ giữa ngôi chùa với xã hội. Để thực hiện điều này, vị trụ trì phải tham gia các công tác từ thiện làm lợi ích cho cộng đồng như xây dựng cầu đường, mở lớp học tình thương, cứu trợ đồng bào bị thiên tai … Song song với những việc làm công ích cho xã hội, vị trụ trì còn quan tâm đến việc đem đạo vào đời để chuyển hóa độ đời. Làm sao để mọi người trong xã hội hiểu được giáo lý nhân quả của đạo Phật, thực hành năm giới của đạo Phật. Bên cạnh đó, vị trụ trì làm sao để các lễ hội hội của Phật giáo đi vào tâm tư tình cảm của người dân, tạo thành một nếp văn hóa của dân tộc, chứ không phải chỉ riêng của tín đồ Phật giáo không thôi. Đó chính là tinh thần nhập thế tích cực mà một người làm trụ trì cần thực hiện hầu hoàn thành sứ mạng “hành pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bổn hoài”.

KẾT LUẬN:

Nhìn chung, Tự Viện là cơ sở văn hóa tinh thần, là bóng mát tâm linh cho quần chúng, là chốn Thiền môn nghiêm tịnh cho chúng Tăng an trú tu tập, tiến bước lên trên con đường giải thoát giác ngộ. Trong đó, vị trụ trì là linh hồn của Tự Viện, giữ vai trò lãnh đạo, quản lý, tiếp độ Tăng chúng, là nhà giáo dục tâm linh dẫn dắt tín đồ hướng đến đời sống thuần lương đạo đức, cao hơn nữa là dẫn dắt tín đồ tu tập giải thoát theo giáo lý đức Phật. Vị trụ trì là một nhân tố quan trọng trong sự thịnh suy của ngôi Tự Viện, cũng chính là nhân tố quyết định sự thịnh suy của chánh Pháp. Nếu vị trụ trì có tài đức vẹn toàn, biết cách quản lý điều hành Tự Viện, có nhiệt tâm “truyền trì mạng mạch Như Lai”, đưa đạo vào đời để chuyển hóa độ đời thì lẽ hẳn nhiên ngôi Tụ Viện sẽ hưng thịnh, đúng với câu nói “mái chùa che chở hồn dân tộc”, gần gũi thân thương với làng xóm quê hương, in đậm mãi trong lòng người dân Việt.

Tăng Ni ngày nay có vị hiện đang trụ trì, hoặc có vị tương lai sẽ trụ trì nên vấn đề nghiên cứu kiến thức trụ trì cũng như kiến thức về cách điều hành quản lý một ngôi Tự Viện là một việc làm vô cùng cần thiết, không nói quá là vô cùng cấp bách. Bởi vì sao, làm trụ trì là nắm trong tay vận mạng của Phật pháp, ngôi chùa có mang tính nhập thế cao hay không, có tiếp nối chư vị Tổ sư “truyền trì mạng mạch Như Lai” hay không, tất cả đều tùy thuộc vào người trụ trì có nhiệt tâm, có đạo hạnh và có kiến thức cũng như tài năng điều hành Tự Viện hay không. Hiểu được tầm quan trọng của ngôi chùa trong sứ mạng hoằng dương chánh pháp và vai trò quan trọng của vị trụ trì trong việc quản lý Tự Viện rồi, mỗi người tu sĩ chúng ta ngay từ bây giờ phải trang bị cho mình một kiến thức đầy đủ về trụ trì, đồng thời quan sát cách làm việc của những người đang trụ trì, thấy được những cái hay, cái dở của họ để rút ra bài học kinh nghiệm cho mình sau này. Được như vậy, nếu sau này hội đủ nhân duyên được bổ nhiệm làm trụ trì thì có lẽ chúng ta sẽ làm trụ trì rất tốt, nhất là tránh tình trạng tư hữu, tham chấp chùa là “của tôi”, rồi làm những chuyện phi chánh pháp. Và chúng ta hãy làm trụ trì bằng tất cả tấm lòng “hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bổn hoài”.
 
Tuệ Đạt
 

[1] Tham khảo Đề Cương Hướng Dẫn Môn Học: Tự Viện Quản Trị Học của HT. Thích Thiện Tâm (tài liệu giảng dạy môn Quản Trị Học PG tại Học viện PGVN tại TPHCM)
 
[2] Thích Thiện Thống, giáo trình khóa “Bồi Dưỡng Trụ Trì”, lưu hành nội bộ, tr. 3
 
[3] Xem Kỷ Yếu Khóa Bồi Dưỡng Nghiệp Vụ Trụ Trì của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam-Ban Trị Sự Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, 2002, tr. 43
 
[4] Trách Nhiệm Người Trụ Trì (không tác giả), Bát Nhã Ni Tự in và ấn tống, 2001, tr. 11
 
[5] HT. Thích Trí Quảng. Những Bài Giảng Về Hoằng Pháp Và Trụ Trì, Nxb Tôn Giáo, 2002, Tr. 148
 
[6] Trách Nhiệm Người Trụ Trì, tr. 45-46
 
[7] Sđd, tr. 44
 
[8] Sđd, tr. 47
 
[9] xem bài Trách Nhiệm Của Vị Trụ Trì Trong Sự Nghiệp Phụng Sự Đạo Pháp Và Dân Tộc.
 
[10] Sđd, tr. 36
 
[11] Sa môn Thích Thông Bửu. Môn Quản Trị Học Của Phật Giáo, Nxb Tôn Giáo, 2001, tr. 40
 
[12] Trách Nhiệm Người Trụ Trì, Sđd, tr. 53
 
[13] Xem Sđd, tr. 60
 
[14] xem giáo trình môn Quản Lý Tự Viện tại Học Viện PGHCM, của TT. Thích Viên Giác
 
[15] Xem giáo trình môn Quản Lý Tự Viện tại Học Viện PGHCM, của TT. Thích Viên Giác


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 695
  • Khách viếng thăm: 690
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 86864
  • Tháng hiện tại: 2895007
  • Tổng lượt truy cập: 88699610
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012