Căn nguyên của những khổ đau trong xã hội

Đăng lúc: Thứ tư - 04/06/2014 04:55 - Người đăng bài viết: Nhuận tâm bình

 Xã hội đang quá quan tâm đến sự phát triển cá nhân. Chúng ta quá coi trọng cá tính của riêng mình. Dường như có nghịch lý, bởi một mặt, chúng ta được khuyến khích phát triển cá nhân, nhưng mặt khác, ngay cả trong các xã hội đang chuyển đổi, tất cả mọi người lại đang thay đổi ít nhiều theo cùng một cách.

dau kho

Con người ngày càng trở nên xa lạ với nhau hơn, ngày càng trở nên đơn độc hơn

Quý vị có nhận thấy điều này chăng? Xã hội truyền thống dựa trên nền tảng gia đình. Khi tôi còn là một đứa trẻ, chúng tôi đã chơi những trò chơi với nhau như một gia đình. Mọi thứ thuộc về gia đình. Người mẹ ở nhà, nấu ăn và chăm sóc con cái. Mỗi thành viên là một phần trong khuôn khổ gia đình. Tiếp theo, chúng tôi trở thành thành viên của một lớp học, một tầng lớp xã hội và rộng hơn nữa một khu vực, quốc gia, chủng tộc. Vấn đề là trong xã hội truyền thống, mọi người đều biết đến tất cả mọi người xung quanh. Họ đã có vị trí được định sẵn và ở vị trí đó – dù là cao hay thấp, mọi người đều biết phải làm thế nào và mong đợi những gì; họ cũng có những bổn phận và trách nhiệm là thành viên của nhóm, của gia đình hay một xã hội thu nhỏ mà họ đang sinh sống. Tôi nhớ lại rằng khi lớn lên ở London, nếu bất cứ ai trong khu phố  bị đau ốm là tất cả những người hàng xóm đều có mặt. Hành động này mang tới một ý thức trách nhiệm chăm sóc cho nhau trong cộng đồng. Trong thời gian tôi lớn lên, cảm giác mình một phần trong mạng lưới các mối quan hệ vẫn còn rất mạnh mẽ.

Nhưng ngày nay, sự chú trọng vào cá nhân trở nên ngày một mạnh mẽ, dường như con người trong xã hội ngày càng trở nên xa lạ với nhau hơn. Vì vậy, sự giao tiếp trực tiếp giữa người với người vơi dần đi. Chúng ta không còn được nuôi dưỡng bởi ý thức tôn trọng, bổn phận và trách nhiệm nữa, mà được nuôi dưỡng nhiều hơn bởi ý thức khẳng định “quyền lợi của tôi” và làm “những điều cho tôi”.

Mọi người cho rằng ý thức này sẽ giúp chúng ta thể hiện được bản thân, mang lại những gì mình muốn và có thể làm bất cứ điều gì bản thân thích. Tư tưởng cá nhân hóa làm cho con người rất thỏa mãn; nó giúp chúng ta khám phá bản thân mình , bởi vậy mõi người cảm thấy hoàn toàn thỏa mãn. Nếu chúng ta được làm bất kỳ những việc mình muốn làm, được nói bất kỳ những gì muốn nói và được suy nghĩ về những gì muốn nghĩ, thì điều này bằng cách nào đó sẽ mang lại hạnh phúc, sự thỏa mãn và vui thích bởi vì dường như mình đang có được mọi thứ mong muốn. Nhưng nếu vậy thì có gì không đúng trong cách suy nghĩ và hành động này?

Chúng ta có thể chứng kiến rõ ràng ở một nơi như nước Úc. Nhìn bề ngoài, nước Úc giống như một thiên đường. Ý tôi là, tôi đến từ New Delhi, và thực sự tôi xin đảm bảo với quý vị rằng nước Úc giống như một thiên đường! Đường phố rất sạch sẽ, mọi thứ được tổ chức rất tốt: giao thông luôn đi đúng làn đường, không có chuyện có những đàn bò lang thang qua những con đường! Không có cảnh nghèo đói; không có người phong hủi và ăn xin trên đường phố. Khi bạn nhìn vào, thực sự như một hình ảnh đẹp trong tranh vẽ vậy. Nhưng, tại sao nước Úc là một trong những nước có tỷ lệ tự vẫn cao nhất thế giới? Có điều gì sai ở đây chăng?

Đây là một câu hỏi khó và gây nhiều băn khoăn. Tôi không phải là một nhà xã hội học, cũng không phải một chuyên gia tâm lý, vì vậy tôi sẽ không đi vào quá chi tiết. Nhưng đằng sau câu hỏi đó, là khoảng tối của xã hội. Các phương tiện truyền thông và hệ thống giáo dục đang cố gắng khuyến khích mọi người nghĩ rằng thành công là những gì đo đếm được; và thật tuyệt vời khi có rất nhiều tiền và những bộ thời trang thời thượng, chúng sẽ mang lại hạnh phúc vĩnh cửu. Một sự thật hiển nhiên là điều này không đúng. Nếu là sự thật, quý vị đã không có mặt để nghe tôi chia sẻ giáo pháp ở đây tối nay. Bởi vì nếu là thực sự đúng, thì mọi thứ đã đầy đủ với chúng ta rồi. Chúng ta không còn nhu cầu nào khác nữa.

Ngày nay, ở phương Đông, đặc biệt là các nước thế giới thứ ba, đang bắt đầu hấp thụ lối sống tiêu thụ. Họ đang bắt đầu lao vào nền đạo đức có khẩu hiệu “càng nhiều càng tốt”, và cuộc sống mà không có truyền hình, xe hơi hoặc thời trang thời thượng hay bất cứ những thứ như vậy là một cuộc sống thiếu thốn. Do đó, để được hạnh phúc, con người bắt buộc phải sở hữu những thứ này. Nhưng trên thực tế, hầu hết mọi người đều không thể sở hữu đầy đủ các của cải đó được; hiện có một tầng lớp trung lưu đang tăng lên, nhưng phần lớn người dân vẫn không có đủ các nhu yếu phẩm tối thiểu. Khi nhìn thấy những hàng hóa tiêu dùng hấp dẫn trên truyền hình, nhiều người nghĩ rằng, “Chỉ cần có những thứ này, chúng ta sẽ mãi mãi hạnh phúc.” Họ nhìn thấy những chương trình của người Mỹ quảng chiếu những ngôi biệt thự sang trọng, vì vậy họ tưởng tượng, “Bây giờ, giá mà có một biệt thự như thế, thì nơi đây sẽ trở thành niết bàn”. Nhưng bởi vì không thể có được, nên mọi thứ dường như trở thành viển vông, xa vời. Nhưng trong xã hội phương Tây, chúng ta sẵn có những của cải này. Hầu hết mọi người được nuôi dưỡng trong những ngôi nhà tiện nghi, sang trọng.

Tôi nhớ trước đây có một người bạn người Đức sống ở trại Tây Tạng của chúng tôi. Cô mua được một máy hút bụi và quá đỗi vui mừng! Trong nhiều tuần, cô đi tìm khắp các siêu thị và cuối cùng cũng có một chiếc. Cô làm sạch toàn bộ ngôi nhà của mình và vô cùng hạnh phúc. Bạn có thể tưởng tượng được một cảm giác sung sướng tột cùng khi sở hữu một chiếc máy hút bụi chăng?

Dường như có một ý tưởng rất mạnh mẽ rằng nếu chúng ta sở hữu những của cải vật chất đó, nó sẽ mang lại niềm vui mãi mãi. Chúng ta có thể bị ru ngủ bởi cảm giác sai lầm cho rằng, các vật dụng như vậy là giải pháp cho mọi rắc rối.

Ngày nay ở phương Tây, hàng hóa rất dư thừa, và nếu để tâm một chút, chúng ta sẽ nhận ra rằng đây không phải là giải pháp. Bởi vì sự trống rỗng vẫn bên trong tâm mỗi người, và dù có cố gắng rất nhiều để lấp đầy bằng vô số thứ bên ngoài, cảm giác thiếu thốn bên trong vẫn còn đó. Tôi không có ý nói rằng, chúng ta không nên có truyền hình, xe hơi hay máy hút bụi. Vấn đề là không phải các đối tượng bên ngoài, không phải là chúng ta sở hữu chúng nhiều hay ít, mà vấn đề đặt ra là liệu những thứ bên ngoài đó có thực sự mang lại một niềm an lạc sâu xa.

Chúng ta thường cho rằng, những gì mình đang suy nghĩ là những giá trị rất hiện đại nhưng nếu suy xét kỹ càng, ta sẽ nhận ra chúng thường chỉ có giá trị bề mặt, do đã bị cường điệu bởi các phương tiện truyền thông, bởi môi trường và xã hội. Trong mười hay hai mươi năm sau, khi nhìn lại, chúng ta sẽ thấy, “Ồ, tại làm sao mà khi ấy tôi lại khoác lên mình những thứ đó?”, “Tôi thực sự nghĩ như vậy khi ấy à?” Bởi vì những suy nghĩ và ý kiến, đánh giá và những thành kiến ​​có thể nhanh chóng trở thành lỗi thời như quần áo chúng ta đang mặc. Đôi khi chỉ cần nhìn lại một điều gì đó mang tính cách mạng mới một vài năm trước đây thôi, nó đã sớm trở nên lỗi thời. Trong xã hội, chúng ta được dạy để suy nghĩ về bản thân mình, được rèn luyện để phát triển bản thân thành công. Chúng ta được dạy rằng, sở hữu nhiều thứ trong cuộc sống rất cần thiết và sẽ chứng tỏ cho tất cả mọi người thấy sự thành công của chúng ta, khi ấy nhiều người khác sẽ phải ngước mắt ghanh tỵ. Kết quả là, xã hội được xây dựng trên một nền văn hóa mà con người ngày càng sống xa lạ với nhau. Điều này lại được hỗ trợ bởi thời đại của máy tính, khi mà con người có thể tương tác dễ dàng qua máy tính hơn là trực tiếp với các thành viên trong gia đình. Buổi sớm, vợ chồng đi đến nơi làm việc, đầu tắt mặt tối cả ngày. Đến tối họ về đến nhà và làm gì? Họ mang về nhà một số đồ ăn sẵn, không ai nấu ăn nữa, và chăm chú phía trước truyền hình. Trẻ con về nhà và đi về phòng riêng để xem các chương trình cho riêng mình. Mọi người đều cắm cúi vào Internet, chatchit hay trả lời e-mail.

Xã hội bao gồm các thanh thiếu niên lớn lên không thể giao tiếp với nhau. Ngay cả khi gặp nhau, họ vẫn thường chú tâm vào những trò tiêu khiển của riêng mình. Chúng ta thấy nhiều người đi bộ trên các con đường, nghe nhạc qua tai nghe hoặc chat trên điện thoại di động. Nói cách khác, họ đang đi theo một nhịp sống của riêng mình. Họ đang hoàn toàn đóng mình trong thế giới của riêng bản thân, chẳng liên quan gì đến thế giới bên ngoài cả. Con người ngày càng trở nên xa lạ với nhau hơn, ngày càng trở nên đơn độc hơn và căn bệnh trầm cảm ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Vậy tại sao người phương Tây thường xa lánh, không yêu thích bản thân mình, và luôn mang một cảm giác không thích tương tác với người khác?

Nguyên nhân nằm ở một cảm giác xa lạ sâu sắc đến từ trong tâm, chứ không chỉ từ bên ngoài. Họ không hài lòng với bản thân, không hạnh phúc với chính mình. Họ không trân quý bản thân. Nếu không biết trân quý bản thân mình, sẽ dẫn đến một thực tế là luôn luôn có rắc rối với mọi người và môi trường xung quanh.

2500 năm trước, khi đức Phật dạy về việc thực hành tâm từ. Ngài dạy hai phương cách ban trải tâm từ tới hết thảy chúng sinh. Thứ nhất, có thể ban trải tâm từ rộng khắp muôn phương cho hết thảy chúng sinh trong pháp giới. Cũng có thể bắt đầu với những người thân yêu của mình, từ các thành viên trong gia đình, vợ chồng, con cái, và sau đó mở rộng đến những đối tượng mà trước đây mình cảm thấy xa lạ, và sau đó tới những người mình không ưa thích, rồi cuối cùng rộng hơn nữa khắp tất cả chúng sinh.

Nhưng trước khi làm tất cả điều trên, đức Phật dạy rằng, cần bắt đầu ban trải tâm từ tới chính bản thân mình. Có thể bắt đầu bằng lời nguyện, “Mong nguyện cho con được khỏe mạnh và an lạc. Nguyện con được bình an và hạnh phúc.”Tôi mong rằng quý vị hiểu ý của tôi? Nếu trước hết  không thương yêu và trân quý chính bản thân thì làm thế nào chúng ta có thể thực sự đối xử tốt với những người khác? Chúng ta có thể ban trải tâm từ, tâm bi tới tất cả chúng sinh: con người, động vật, côn trùng, cá, chim… cả những chúng sinh hữu hình và vô hình, chúng sinh trong cõi cao, chúng sinh trong những cõi thấp, chúng sinh khắp tất thảy pháp giới. Tất cả chúng sinh là đối tượng của tình thương yêu và tâm từ bi của chúng ta. Vì vậy, làm thế nào mà lại bỏ qua một chúng sinh đang hiện diện ở đây? Một con người đang có một tâm từ bi vô lượng như vậy? Nó giống như ta đang tỏa rạng vô số ánh sáng nhưng bản thân lại đang đứng trong bóng tối. Như vậy không phù hợp. Trước hết, cần phải rộng mở tình thương yêu đối với con người cũng đang cần tình thương yêu lúc này- đó chính là bản thân chúng ta. Đó chính là khai triển một trái tim biết thương yêu.

Thật trớ trêu, trong nhiều xã hội truyền thống lại dạy chúng ta phải luôn suy nghĩ về tất cả những điều bất thiện mà ta đã phạm và cảm thấy một sự hối tiếc và tội lỗi, rất, rất nhiều tội lỗi; bởi chúng ta là những tội nhân, nên chúng ta nên cảm thấy mình thật tội lỗi. Một quan niệm coi tự thân là thấp kém lại được cho là đáng làm. Nhưng đây không phải là quan điểm Phật giáo. Quan điểm Phật giáo cho rằng, từ khi vô thủy, chúng ta đều hoàn toàn thanh tịnh và hoàn hảo. Tâm bản nguyên của chúng ta như bầu trời rộng lớn, không có trung tâm và không bờ mé. Tâm thức rộng lớn vô cùng tận. Tâm không phải là “tôi” hay “của tôi”. Chính tâm đã kết nối chúng ta với tất thảy chúng sinh – đây chính là bản chất chân thực của con người.

Thật không may, ngay bây giờ đây bản chất chân thật của chúng ta bị che khuất bởi những đám mây dầy đặc, nhưng chúng ta cứ đồng nhất mình với những đám mây; chúng ta không vươn tới được bầu trời trong xanh, sâu thẳm và vĩnh hằng. Và bởi cứ đồng nhất mình với những đám mây, nên các tư tưởng của chúng ta về bản thân và con người rất có giới hạn. Nếu có được quan kiến ngay từ đầu rằng, mỗi con người luôn luôn hoàn hảo nhưng vì nhiều lý do, các phiền não khởi hiện và che lấp bản chất chân thật của chúng ta, khi ấy sẽ chẳng bao giờ ta khởi niệm về bản thân là người không mang lại lợi lạc gì. Tiềm năng luôn luôn sẵn có ở đó, nếu chúng ta có thể thấy được. Mỗi người trong chúng ta đều sở hữu tiềm năng, tiềm năng Phật tính, tiềm năng của sự giác ngộ. Vì vậy, tại sao lại cứ quan niệm thế giới này vô nghĩa? Một khi chúng ta hiểu rằng tiềm năng bên trong luôn là cơ sở và nền tảng, thì ta sẽ hiểu sự cần thiết và tầm quan trọng cần có một trái tim biết thương yêu. Bởi vì những gì chúng ta đang làm là sự phóng chiếu bản chất tự nhiên của mình thông qua tâm từ, tâm bi và trí tuệ. Không phải ta đang cố gắng phát triển những phẩm chất bên ngoài mà bản thân chưa từng có.

Lấy hình ảnh ẩn dụ. Giống như chúng ta đang trở lại với dòng suối thanh khiết. Bên trong nội tâm, có một dòng suối của tình yêu thương, trí tuệ, lòng từ bi và sự hiểu biết đang tuôn trào, là bản chất chân thật của chúng ta. Nó luôn luôn ở đó, nhưng đã bị ngăn chặn, bởi vậy chúng ta luôn cảm thấy thiếu thốn và khô hạn ở bên trong. Chúng ta nhìn ra và tất cả những gì thấy được là mảnh đất khô cằn. Hay như chúng ta lại cứ ví thấy mình như một đống rác khổng lồ, và nghĩ rằng, “Mình thiếu sự trong sạch, giống đống rác này. Mình không thể có một dòng suối tinh khiết của trí tuệ và tình yêu thương. Mình chỉ là một đống rác lớn. Mình chỉ là đồ phế thải!”

Đây là một sai lầm nghiêm trọng. Chúng ta đồng nhất mình với rác rưởi mà không biết được những gì ẩn sâu ở phía dưới. Bên dưới tất cả những rác rưởi và dù cho thậm chí là rác thải có chất cao như một ngọn núi lớn, thì dòng suối thanh khiết vẫn luôn hiện diện ở đó. Nó không bao giờ, chưa bao giờ ngừng chảy. Điều chúng ta phải làm là phát hiện ra dòng suối và đặt ở trên đó một đài phun nước! Vì vậy, điều quan trọng phải hiểu biết rằng từ vô thủy tới nay, bản chất tự nhiên của chúng ta là thanh tịnh, hoàn hảo. Nó có thể đã bị che đậy ít nhiều, nhưng luôn luôn hiện diện ở đó.

Ni sư Jetsunma Tenzin Palmo 

Jigme Kelden dịch

———–

Đôi nét về Ni sư Jetsunma Tenzin Palmo:

Ni sư Jetsunma Tenzin Palmo tôn quý lớn lên ở Luân Đôn và Ngài đã trở thành Phật tử từ thưở thiếu niên. Năm 1964, Ngài quyết định đáp tàu sang Ấn độ để theo đuổi con đường tâm linh mà mình đã lựa chọn. Tại đây, ngài đã hạnh ngộ đức Khamtrul Rinpoche, một đạo sư truyền thừa Drukpa và trở thành một trong những người Phương Tây đầu tiên được thụ giới là một Ni sư dòng Tạng truyền. Ni sư đã ở lại lân mẫn tham học với bậc thầy của mình trong nhiều năm. Sau đó, dưới sự hướng đạo của bậc thầy, ni sư đã bế quan, nhập thất nghiêm mật hơn 12 năm trên một sơn động ở dãy Himalaya. Bộ sách “Trong động tuyết sơn” của tác giả Vicki Mackenzie kể lại hành trình tu tập tâm linh của ni sư đã mang lại niềm xúc động và cảm hứng sâu xa cho rất nhiều độc giả, cho những người thực hành Phật pháp, đặc biệt là giới nữ. Trong nhiều năm qua, với tâm nguyện hoằng pháp lợi sinh, ni sư đã viếng thăm rất nhiều trung tâm Phật Pháp nước trên thế giới, thuyết giảng và chia sẻ giáo pháp. Ngài hiện đang đảm nhận trọng trách là Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo nữ Quốc tế (Sakyadhita).

 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 325
  • Khách viếng thăm: 314
  • Máy chủ tìm kiếm: 11
  • Hôm nay: 97724
  • Tháng hiện tại: 2727713
  • Tổng lượt truy cập: 91619286
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012