Hương giải thoát

Đăng lúc: Chủ nhật - 12/11/2023 17:36 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
“Pháp của Phật như mưa, tùy mỗi loài đều nhận được lợi ích”. Chúng sinh căn tánh bất đồng, song nếu đã lãnh thọ pháp vũ thì không luận là nhiều hay ít, hoặc nhanh hoặc chậm thảy đều được lợi lạc và giải thoát. Lý do đơn giản chính là tuân theo luật nhân quả...
Nắng hạn đã lâu, mặt đất khô cằn, cỏ cây xơ xác, cảnh vật điêu tàn. Bỗng một ngày có cơn mưa lớn trút xuống, vạn vật như được tắm mát, đất đá thấm nhuần, nhẫn cho đến loài đá sỏi cũng được tẩy rửa. Cũng thế, giữa nhân gian ngập tràn đau khổ, vạn loại đang còn chìm đắm trong đêm dài của sanh tử trầm luân, còn nổi chìm trong biển khổ tưởng chừng như bất tận, bỗng đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni vì lòng từ bi xuất thế, Phật nhật huy hoàng, xua tan màn đêm của vô minh, làm thuyền cứu vớt chúng sanh thoát khỏi ái hà.
 
“Pháp của Phật như mưa, tùy mỗi loài đều nhận được lợi ích”. Chúng sinh căn tánh bất đồng, song nếu đã lãnh thọ pháp vũ thì không luận là nhiều hay ít, hoặc nhanh hoặc chậm thảy đều được lợi lạc và giải thoát. Lý do đơn giản chính là tuân theo luật nhân quả.
 

Khi cuộc sống đời thường gặp lúc chật vật khó khăn, chợt nhớ đến lời Phật dạy “ít muốn - biết đủ”...
 
“Ví như người “ăn” chút kim cang không thể tiêu, hạt giống Phật đã gieo vào tạng thức sẽ mãi còn nguyên, không sót mất”. Đến với đạo Phật là đến với sự giải thoát. Tu theo pháp Phật là đã đi trên con đường giải thoát. Phật pháp không xa rời thế gian nên rất thực tế. Ngay trong hoàn cảnh này mà khởi lòng từ bi, ngay trong cuộc sống này mà bao dung, ở nơi các chướng duyên mà nhẫn nhục, vì tâm từ ái mà có thể hy sinh, rõ lẽ vô thường nên sống an bần “thiểu dục tri túc”, lìa các tình chấp nên vô ngã vị tha…
 
Không biết bao nhiêu những nết đức cao đẹp và trong sáng được phát huy từ chỗ chân tu thật đạo, những hạnh lành ấy sẽ đưa người học đạo tiến dần lên quả thánh.
 
Trong niềm hân hoan và an lạc khi được tắm trong dòng nước từ bi có pha lẫn hương giải thoát, tôi cùng tất cả chúng sanh vui sướng không cùng, thiết tha phát lên lời nguyện. Nguyện đời đời kiếp kiếp, dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, trái tim tôi vẫn luôn có Phật, cuộc đời tôi luôn có chánh pháp sáng soi, tới nơi nào cũng được những bậc đại thiện tri thức, những thượng thiện nhân dẫn đường.
 
Tuy tôi không được giàu sang như người nhưng những lúc tôi bước từng bước chậm rãi trong đạo tràng, thân mặc chiếc áo lam, hoặc khi kinh hành, hoặc khi lễ Phật, trong buổi sớm mai, trong cảnh chiều tà, những giờ phút hiện tiền ấy, tôi cảm thấy đời mình thật đầy đủ, thật bình yên. Một ý niệm buông xả bừng lên, bao tham ái tựa hồ như cháy rụi, tôi cảm giác tâm hồn mình ngập đầy sự an lạc thảnh thơi, dẫu biết rằng ngày mai lại rơi vào vòng quay cơm, áo, gạo, tiền...
 
Khi cuộc sống đời thường gặp lúc chật vật khó khăn, chợt nhớ đến lời Phật dạy “ít muốn – biết đủ”, soi lại đời mình, tôi thấy mình là người quá ư đầy đủ vì cha mẹ còn hiện diện, anh em luôn thuận hòa, mỗi ngày đều áo cơm ăn hai bữa, áo vải quần thô cũng đủ ấm thân, còn có sức khỏe để làm việc mưu sinh, có thân thể bình thường để dễ dàng đi đây đi đó, tôi còn được trông thấy dung nhan của đức Từ phụ Thế Tôn, có thể lễ bái trước tôn tượng của đức Quan Thế Âm, mỗi ngày có thể sống bình thường mà mỗi ngày có thể nhớ tưởng đến Tam Bảo… Tôi đã có rất nhiều thứ quý giá và sự thật tôi là một trong số những người may mắn, một trong số những người đầy đủ và là người hạnh phúc giữa cuộc đời có nhiều bất hạnh khổ đau.
 
Mỗi khi gặp điều khổ não phiền lụy trong cuộc đời, nếu không nhờ Phật pháp soi đường, nếu tôi không tin sợ nhân quả, nếu không dùng ngũ giới nhắc nhở, có lẽ tôi đã đào thêm hố sâu tội lỗi, tạo thêm vô lượng vô biên nghiệp chướng.
 
Trong kinh Kim Cang, tôi tâm đắc nhất bài kệ:
 
“Tất cả pháp hữu vi
 
Như mộng huyễn, bọt bóng
 
Như sương, như chớp lòe
 
Nên quán tưởng như thế”
 
Để rồi trong đời sống gặp lúc trái ý nghịch lòng, tôi đem bài kệ này ra để đối trị, chẳng thế, trong lúc vui sướng ngập tràn, tôi cũng dùng bài kệ này:
 
“Vạn pháp do duyên sanh
 
Lại cũng do duyên diệt”
 
Ôi lời Phật thật hoàn mĩ, hàm súc và thiết thực, nên khi nghĩ đến hai bài kệ này thì các ý tưởng tham đắm, cố chấp nhẹ dần.
 
Thế mới biết “Phật pháp rộng sâu rất nhiệm mầu” chỉ cần thật tâm ứng dụng thì chẳng cần phải dùng nhiều phương pháp, mà ở nơi một bài kệ, một câu kinh do Phật thuyết đều sẵn đủ diệu dụng có thể tiêu trừ các phiền não, khổ đau.
 
Tôi chợt nhận ra rằng tu là phải biết xem xét và sửa đổi nơi bản thân thì mới có được lợi ích và an lạc. Chữ tu đó dễ hiểu, là sửa, sửa ác ra thiện, bỏ xấu làm tốt, diệt si mê và khai đường trí tuệ.
 
Nhiều lúc lặng lẽ một mình, tôi nghĩ nếu như đời sống này không nhờ pháp Phật dẫn đường, bản thân mình sẽ ra sao khi đứng trước cuộc đời có nhiều cạm bẫy mê hoặc, phải chăng lửa tam độc càng thêm lẫy lừng, còn tôi hằng vui thú với sát sanh, trộm cắp…
 
Có lắm lúc những người thân yêu đã nói những lời, đã làm những việc khiến cho tôi đau khổ và rồi trong cơn đau khổ ấy tôi chỉ có thể khóc và gọi Phật ơi. Vì khi đó chỉ có Phật mới hiểu và thương tôi thôi. Lại có khi gặp phải hoàn cảnh sợ hãi chúng tôi thầm niệm hồng danh và nhớ tưởng đến hình tượng của Bồ Tát Quan Thế Âm thì nỗi lo sợ cũng bớt đi. Đủ biết Tam bảo là chỗ tốt lành cho tôi nương tựa, là nơi an ổn cho chúng sanh nương về. Đối với pháp môn Tịnh độ, dầu tôi cũng đã có tín tâm nhưng vì nghiệp chướng sâu nặng nên tôi chưa được “nhất tâm bất loạn” vẫn thường hay thất niệm, nhưng hễ tôi nhớ là lại niệm ngay, tôi biết sự tu của tôi còn kém tệ vô cùng, sự hiểu lại càng hạn chế, tôi chưa xứng đáng là một Ưu-bà-di chân chánh nhưng tôi chỉ mong sao lòng niệm đạo chẳng nhạt phai để tôi có thể cố gắng và cố gắng mãi. Nhìn lại những gì đã qua, tôi đã biết mình vừa thay đổi từ xấu thành tốt, tuy không tốt lên được nhiều, song cũng đã hơn trước. Tôi đã có thể vui vẻ mà bố thí, có thể bỏ qua lỗi lầm cho người khác và tôi đã áp dụng câu thần chú “mặc kệ nó” để sống an lạc và hỷ xả với cuộc đời.
 
Ngày nay được mưa pháp tắm gội thân tâm, tôi nghĩ mình đã may mắn và có phước báu lắm. Trong niềm hân hoan ấy, tôi và tất cả mọi loài hữu tình sẽ chẳng thể nào quên đại ân đại đức của đấng Đại giác Thế Tôn đã thị hiện cách nay hơn hai ngàn năm về trước, vì chúng sanh dày công tầm đạo. Lại nhờ ơn chư vị Bồ Tát, lịch đại tổ sư, những bậc đại nhân đã hộ trì chánh pháp, thay Phật chuyển pháp luân chỉ vì muốn làm lợi lạc cho trời, người và hết thảy. Các vị cao tăng thạc đức đã chuyển ngữ giáo điển của Phật thành Việt ngữ, vì lòng từ bi mà hoằng dương thánh đạo để hôm nay chúng tôi được gặp chánh pháp và có chỗ nương tựa tu hành. Tôi xin thành kính tri ân. Mong sao chư vị xuất gia luôn được an lạc, lòng độ sinh không mệt mỏi, để đưa lớp lớp chúng sanh vượt qua biển khổ.
 
“Tam bảo chính là ba ngôi báu
 
Lại là nơi nương náu cho ta
 
Dẫu qua số kiếp hà sa
 
Ngợi khen khôn xiết, ngợi ca khôn cùng”.
Tác giả bài viết: Vô danh
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 124
  • Khách viếng thăm: 110
  • Máy chủ tìm kiếm: 14
  • Hôm nay: 60169
  • Tháng hiện tại: 1340106
  • Tổng lượt truy cập: 107913996
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012