"Hy hữu Việt Nam Tăng”

Đăng lúc: Thứ bảy - 08/06/2013 07:19 - Người đăng bài viết: Diệu Thành
Hy hữu Việt Nam Tăng” là lời xưng tán của HT.Thích Trí Quang đối với Bồ-tát Thích Quảng Đức - người đã tự thiêu trên đường phố chính tại Sài Gòn ngày 11-6-1963, làm chấn động thế giới.
Phù điêu ghi tạc sự kiện tự thiêu của Bồ-tát Thích Quảng Đức tại công viên mang tên Ngài ở quận 3, TP.HCM - Ảnh: Vũ Giang

Phù điêu ghi tạc sự kiện tự thiêu của Bồ-tát Thích Quảng Đức tại công viên mang tên Ngài ở quận 3, TP.HCM - Ảnh: Vũ Giang

Hy hữu, bởi vì, “đây là một hiện tượng độc nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng và lịch sử Phật giáo thế giới nói chung. Chỉ vì ngọn lửa thiêng này mà từ đây chúng ta có quyền đứng ưỡn ngực, dõng dạc, mạnh bạo, hãnh diện mà nói với thế giới: TÔI LÀ NGƯỜI VIỆT NAM1.

Nguyên lời xưng tán là một bài thơ ngắn, vỏn vẹn bốn câu, song gói trọn tâm nguyện, mục đích, ý nghĩa cũng như tấm lòng của người con Phật Việt Nam đối với Bồ-tát:

“Thập phương thế giới trung

Thiêu thân cúng dường Phật

Thành tựu đệ nhất Pháp

Hy hữu Việt Nam Tăng”2.

Mặc dù HT.Thích Trí Quang có vai trò rất lớn trong phong trào tranh đấu của Phật giáo phản đối chính sách kỳ thị tôn giáo năm 1963, song, trong lời xưng tụng này, Hòa thượng không nhắc đến hành động tự thiêu của Bồ-tát Thích Quảng Đức như là hành vi “tranh đấu, phản kháng”, mà là một cách “cúng dường Phật”. Sự cúng dường ấy như tiếp nối tâm nguyện cúng dường Phật của ngài Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến - vị đã dùng ngũ phần tâm hương thanh tịnh hóa thân tâm, phòng hộ tam nghiệp, thiêu đốt sắc ấm, đốt tan pháp chấp, ngã chấp, thành tựu Pháp hoa, tức thành tựu “đệ nhất Pháp” - Chánh đẳng Chánh giác. Như thế cũng chính là tâm nguyện của Bồ-tát Thích Quảng Đức.

Trong Lời nguyện tâm quyết, Bồ-tát Thích Quảng Đức đã nêu rõ việc tự thiêu của mình rằng: “Nhận thấy Phật giáo nước nhà đương lúc ngửa nghiêng, tôi là một tu sĩ mệnh danh là Trưởng tử của Như Lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật pháp tiêu vong, nên tôi vui lòng phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo”.

Bức tâm thư của một người, nói theo ngôn ngữ thông thường, quyết định chấm dứt mạng sống của mình không có bất kỳ từ nào ẩn chứa nỗi oán hận. Sự tự thiêu ấy, theo Ngài, là sự “vui lòng phát nguyện”. Tất cả những chí nguyện mà Bồ-tát Thích Quảng Đức nêu ra cũng cho thấy Ngài đều vì Phật pháp, vì mong muốn chuyển hóa được sự tham ác của con người. Thậm chí, Ngài còn “mong ơn Phật Tổ gia hộ cho Tổng thống Ngô Đình Diệm...” - người gây ra nỗi thống khổ cho người con Phật Việt Nam.

Tấm lòng từ bi, dũng mãnh của vị tu sĩ Phật giáo Việt Nam “đã mang Phật giáo đến với nhiều sự chú ý của phương Tây, đánh thức nỗi tò mò về một tôn giáo với những tín đồ có thể hành động một cách thuyết phục như thế, đồng thời bày tỏ cảm thức sâu sắc về sự an lạc, thanh thản nội tâm và rõ ràng với sức tự chủ của một con người siêu việt đã tự chế phục được bản thân”3.

Một nhà báo người Mỹ, David Halberstam, chứng kiến hình ảnh bi hùng này, đã phải thốt lên: “Ngọn lửa đã đến từ một nhân thể sống (…). Tôi quá sốc để có thể bật khóc, quá lúng túng để có thể ghi chép hay đặt những câu hỏi, quá hoang mang để có thể thậm chí nghĩ một điều gì”4.

Và, “vị tu sĩ tĩnh tọa trong khi thân thể Ngài rực cháy, đã trở thành một trong những hình ảnh tiêu biểu của thập niên 1960”5.

Biểu tượng Thích Quảng Đức, ngọn lửa Thích Quảng Đức, đặc biệt là trái tim của Bồ-tát Thích Quảng Đức là minh chứng cho sự trường tồn bất diệt của tinh thần Đại hùng - Đại lực - Đại từ bi, chính là sự trường tồn của Phật giáo. Ngài xứng danh là vị Bồ-tát Việt Nam thời hiện đại.

Trái tim Bồ-tát và việc xưng danh vị đã được tác giả của Trí Quang tự truyện kể lại như sau:

“Hòa thượng Thiện Hòa trông coi việc hỏa táng kim quan của ngài Quảng Đức. Tro tàn rồi, quả tim còn lại. Bấy giờ chỉ có ký giả quốc tế đi lại, và có xăng tốt. Thiêu lần thứ 2, quả tim ấy vẫn không cháy. Ký giả quốc tế thông báo cho thế giới biết như vậy.

Khi rước về Xá Lợi, Ủy ban Liên phái thông báo Tăng Ni Phật tử đến hành đại lễ. Tôi thảo lời ngài Hội chủ gửi điệp văn cho các miền và các tỉnh. Điệp văn viết, “Tôi chí thành đảnh lễ vị nhục thân Bồ-tát, xin Ngài hộ trì cho nguyện vọng cuộc vận động của PGVN”. Điệp văn chấm dứt bằng cách niệm “Nam-mô Đại hùng Đại lực Quảng Đức Bồ-tát”.

Từ đó danh hiệu Bồ-tát Quảng Đức đi vào lịch sử PGVN”6.

Một năm sau, khi chiêm ngưỡng lại hình ảnh Bồ-tát Thích Quảng Đức, HT.Thích Trí Quang đã viết:

“Trong cương vị dân tộc, ngài Quảng Đức xuất hiện như một vĩ nhân chót vót, với những hào quang chói tỏa từ cái chết của Ngài, từ tác dụng của cái chết ấy. Trong cương vị tín ngưỡng của dân tộc, Ngài là vị Bồ-tát mà con người chúng ta có thể thấy và đã thấy được. Chúng ta tự hào một cách không quá đáng, rằng dân tộc ta có được một vị Bồ-tát như vậy.

Lịch sử cận đại của con người, thực chưa có cái chết nào oai linh, ảnh hưởng rộng lớn và bất tử như cái chết Quảng Đức. Ngài Quảng Đức chết nhưng Bồ-tát Quảng Đức xuất hiện, tạo nên một sức mạnh Đại hùng lực mà Đại từ bi. Sức mạnh Quảng Đức đó, mãi mãi là lời cảnh cáo cho bất cứ ai, cá nhân hay tập thể muốn đối lập và tuyên chiến với đau khổ và thiện chí của dân chúng.

Do đó mà tốt hơn hết là chúng ta, tất cả mọi thành phần của dân tộc, hãy thắng tự ái, tương thân và tương nhượng nhau trong hào quang Quảng Đức và cũng trong hào quang đó, hãy phối hợp mọi nỗ lực của chúng ta để bảo vệ lấy sự sinh tồn của tổ quốc và tín ngưỡng: đó là sự chiêm ngưỡng mà ta nên có khi ta nhìn vào hình ảnh Quảng Đức”7.

Khi nhắc đến những tác phẩm viết về Bồ-tát Thích Quảng Đức, chúng ta thường nghĩ về tác phẩm Lửa Từ Bi bất hủ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Thế nhưng, đọc kỹ những gì mà HT.Trí Quang viết về Bồ-tát Quảng Đức, chúng ta có thể thấy không ai hiểu rõ tâm nguyện - chí nguyện của Bồ-tát hơn HT.Trí Quang.

... Năm mươi năm qua, ngọn lửa Thích Quảng Đức vẫn còn rực sáng. Và, ngàn năm sau, thậm chí hơn thế nữa, lịch sử Phật giáo Việt Nam vẫn nhắc đến đạo hiệu Ngài. Chúng con chí thành đảnh lễ vị “Hy hữu Việt Nam Tăng”.

- Nam-mô Đại hùng Đại lực Quảng Đức Bồ-tát.

 Quảng Kiến

________________

1 Quốc Oai, Phật giáo tranh đấu, NXB.Tân Sanh, Sài Gòn, 1963, tr.36.

2 Bài thơ này từng được chúng tôi giới thiệu trên nguyệt san Giác Ngộ số 140, tháng 11-2007 với một vài sai sót, sau được đính chính lại trên số báo 141, tháng 12-2007.

3, 4, 5 Damien Leown, Buddhist Ethics - A very short Introduction, Oxford University Press, 2005.

6 Theo Trí Quang tự truyện, NXB. Tổng Hợp TP.HCM, 2011, tr.149-150.

7 Viết để gửi tuần báo Lập Trường, đặc san kỷ niệm đệ nhất chu niên ngày Bồ-tát Quảng Đức tự thiêu thân vì Phật pháp. (Dẫn theo Tâm ảnh lục,NXB.Văn Hóa Sài Gòn, 2009, tr.887-888).


Nguồn tin: GHPGVN
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 302
  • Khách viếng thăm: 298
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 65791
  • Tháng hiện tại: 2873934
  • Tổng lượt truy cập: 88678537
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012