Chút tin còn lại

Đăng lúc: Thứ ba - 17/10/2017 16:17 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Hết thảy những lời dạy của Đức Phật là nhằm khơi gợi và đánh thức thiện tâm hay tâm giác ngộ ở trong mỗi người, khuyến khích và chỉ bày cho mọi người cách thức phát huy tâm giác ngộ để thực nghiệm hạnh phúc an lạc.

 
“Ví như, này Bhaddali, một người chỉ có một mắt, các thân hữu bà con huyết thống bảo vệ con mắt còn lại ấy và suy nghĩ như sau: “Chớ để cho con mắt còn lại này bị đoạn diệt”. Cũng vậy, này Bhaddali, ở đây Tỷ-kheo còn sống trong Tăng chúng với một ít lòng tin, với một ít lòng thương. Ở đây, này Bhaddali, các Tỷ-kheo suy nghĩ như sau: “Chư Hiền, Tỷ-kheo này còn sống trong Tăng chúng với một ít lòng tin, với một ít lòng thương. Nếu chúng ta thường hay kết tội Tỷ-kheo này, chúng ta hãy đừng để cho chút ít lòng tin, chút ít lòng thương của vị ấy bị đoạn diệt”.(1)

Trên đây là tâm từ bi của bậc Giác ngộ thể hiện đối với các Tỷ-kheo tỏ ra yếu kém trong đời sống phát triển giới đức, phạm nhiều khuyết điểm trong giới luật bậc Thánh, chưa phát huy được lối sống Tăng thượng giới (Adhisìla), tức giới đức cao cả của bậc xuất thế, có công năng giúp duy trì và bảo dưỡng chút ít thiện tâm hay tâm giác ngộ còn đọng lại trong đời sống người xuất gia.
 
Hết thảy những lời dạy của Đức Phật là nhằm khơi gợi và đánh thức thiện tâm hay tâm giác ngộ ở trong mỗi người, khuyến khích và chỉ bày cho mọi người cách thức phát huy tâm giác ngộ để thực nghiệm hạnh phúc an lạc. Kinh văn truyền thống thường mô tả: “Thế Tôn với pháp thoại khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ vị này vị này”. Tâm giác ngộ là ý thức sáng suốt hướng thượng, luôn luôn nhận rõ lẽ thiện ác, đúng sai và kiên quyết theo đuổi lẽ sống chân chánh hiền thiện, từ bỏ lối sống sai lầm bất thiện. Nó là năng lực thanh tịnh tự nội, có chức năng định hướng và thôi thúc con người tuân theo lẽ sống chân chánh hiền thiện, tránh xa lối sống mê lầm bất thiện. Vì vậy mà khi nào tâm giác ngộ có mặt thì khi ấy con người sáng suốt và hiền lành, cuộc sống trở nên chân chánh, hiền thiện và an lạc. Phật thấy rõ tâm giác ngộ có sẵn trong mỗi chúng sanh nên nói ra điều gì và xử lý việc gì cũng đều lấy tâm giác ngộ của chúng sanh làm cứu cánh. Trong phương pháp giáo dục, tùy vào điều kiện tâm thức cụ thể mà Phật nói đến các phương pháp tu tập và ứng xử khác nhau; tất cả đều nhằm mục đích giúp cho mỗi người phát huy tâm thái giác ngộ và tìm thấy lối đi thực sự an lạc.
 
Tương tự, trong cách ban hành giới luật cho người xuất gia và chỉ bày phương pháp thực thi giới luật, Phật cũng lấy tâm giác ngộ của chúng sanh làm cứu cánh. Giới luật do Phật chế cốt yếu giúp cho người xuất gia gìn giữ và phát huy tâm thức giác ngộ, không để cho tâm giác ngộ bị thương tổn, mai một. Đó chính là sự phát huy tâm tàm quý (hiottappa) nhằm ngăn chặn các hành vi sai trái phi đạo đức của thân, miệng, ý; sự tuân thủ các quy định giới luật nhằm bảo đảm đời sống Phạm hạnh được chân chánh thanh tịnh, giữ cho tâm giác ngộ khỏi bị che mờ hay thương tổn. Đối với trường hợp vi phạm giới tộị, Phật cũng lấy tâm giác ngộ của chúng sanh làm tiêu chí hành xử, cốt yếu giúp cho người xuất gia nhận rõ sự sai phạm khiếm khuyết để nỗ lực khắc phục và vượt qua, để tâm giác ngộ lại được trong sáng, thanh tịnh, không bị che mờ, được lớn mạnh, không bị tổn hại. Chính vì thế mà tùy theo tâm thức của người xuất gia biểu hiện như thế nào trong trường hợp vi phạm thì việc cử tội và xử trị sẽ theo đó mà tiến hành. Những lời giải thích sau đây của bậc Giác ngộ về các trường hợp xử trị Tỷ- kheo vi phạm giới tội cho thấy đạo Phật nhấn mạnh đến khả năng chuyển hóa tâm thức, chủ trương hóa giải các sai phạm bằng tâm thức giác ngộ:

“– Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, ở đây, chúng Tăng luôn luôn kết tội Tỷ-kheo? Bạch Thế Tôn, lại do nhân gì, do duyên gì ở đây, chúng Tăng không luôn luôn kết tội Tỷ-kheo như vậy?

–  Này Bhaddali, ở đây, có Tỷ-kheo thường hay phạm giới tội, phạm nhiều giới tội, khi bị các Tỷ- kheo nói, tránh né câu hỏi bằng một câu hỏi khác, hướng câu chuyện ra ngoài vấn đề, hiện khởi phẫn nộ, sân hận, và bất mãn, không xử sự chơn chánh, không có lắng dịu, không có chấm dứt giới tội, không có nói: “Tôi phải làm gì để chúng Tăng hoan hỷ?” Ở đây, này Bhaddali, các Tỷ-kheo nghĩ như sau: “Này chư Hiền, Tỷ-kheo này thường hay phạm giới tội, phạm nhiều giới tội, khi bị các Tỷ- kheo nói, tránh né câu hỏi bằng một câu hỏi khác, hướng câu chuyện ra ngoài vấn đề, hiện khởi phẫn nộ, sân hận và bất mãn, không xử sự chơn chánh, không có tự lắng dịu, không có chấm dứt giới tội, không có nói: “Tôi phải làm gì để chúng Tăng hoan hỷ?” Tốt lành thay, nếu chư Tôn giả, sau khi điều tra nhiều lần Tỷ-kheo này, chớ có giải tội ấy một cách mau chóng”. Như vậy, này Bhaddali, các Tỷ-kheo, sau khi điều tra nhiều lần Tỷ-kheo ấy, không giải tội ấy một cách mau chóng.

Nhưng ở đây, này Bhaddali, lại có Tỷ-kheo, thường hay phạm giới tội, phạm nhiều giới tội, khi bị các Tỷ-kheo nói, không tránh né câu hỏi bằng một câu hỏi khác, không hướng câu chuyện ra ngoài vấn đề, không hiện khởi phẫn nộ, sân hận và bất mãn, xử sự chơn chánh, có tự lắng dịu, có chấm dứt giới tội, có nói: “Tôi phải làm gì để chúng Tăng hoan hỷ?” Ở đây, này Bhaddali, các Tỷ-kheo nghĩ như sau: “Này chư Hiền, Tỷ- kheo này thường hay phạm giới tội, phạm nhiều giới tội, khi bị các Tỷ-kheo nói, không tránh né câu hỏi bằng một câu hỏi khác, không hướng câu chuyện ra ngoài vấn đề, không hiện khởi phẫn nộ, sân hận và bất mãn, xử sự chơn chánh, có tự lắng dịu, có chấm dứt giới tội, có nói: “Tôi phải làm gì để chúng Tăng hoan hỷ?” Tốt lành thay, nếu chư Tôn giả, sau khi điều tra nhiều lần Tỷ-kheo này, hãy giải tội ấy một cách mau chóng”. Như vậy, này Bhaddali, các Tỷ-kheo sau khi điều tra nhiều lần Tỷ-kheo ấy, giải tội ấy một cách mau chóng.

 
Ở đây, này Bhaddali, có Tỷ-kheo không thường phạm giới tội, không phạm nhiều giới tội, khi bị các Tỷ-kheo nói, tránh né câu hỏi này bằng một câu hỏi khác, hướng câu chuyện ra ngoài vấn đề, hiện khởi phẫn nộ, sân hận và bất mãn, không xử sự chơn chánh, không có tự lắng dịu, không có chấm dứt giới tội, không có nói: “Tôi phải làm gì để chúng Tăng hoan hỷ?” Ở đây, này Bhaddali, các Tỷ-kheo nghĩ như sau: “Này chư Hiền, Tỷ-kheo này không thường phạm giới tội, không phạm nhiều giới tội, khi bị các Tỷ-kheo nói, tránh né câu hỏi này bằng một câu hỏi khác, hướng câu chuyện ra ngoài vấn đề, hiện khởi phẫn nộ, sân hận và bất mãn, không xử sự chơn chánh, không có tự lắng dịu, không có chấm dứt giới tội, không có nói: “Tôi phải làm gì để chúng Tăng hoan hỷ?” Tốt lành thay, nếu chư Tôn giả, sau khi điều tra nhiều lần Tỷ-kheo này, chớ có giải tội một cách mau chóng”. Như vậy, này Bhaddali, các Tỷ-kheo sau khi điều tra nhiều lần Tỷ-kheo ấy, không giải tội ấy một cách mau chóng.
 
Nhưng ở đây, này Bhaddali, lại có Tỷ-kheo không thường phạm giới tội, không phạm nhiều giới tội, khi bị các Tỷ-kheo nói, không tránh né câu hỏi này bằng một câu hỏi khác, không hướng câu chuyện ra ngoài vấn đề, không hiện khởi phẫn nộ sân hận và bất mãn, không xử sự chơn chánh, có tự lắng dịu, có chấm dứt giới tội, có nói: “Tôi phải làm gì để chúng Tăng hoan hỷ?” Ở đây, này Bahaddali, các Tỷ-kheo nghĩ như sau: “Chư Hiền, Tỷ-kheo này không thường phạm giới tội, không phạm nhiều giới tội, khi bị các Tỷ-kheo nói, không tránh né câu hỏi này bằng một câu hỏi khác, không hướng câu chuyện ra ngoài vấn đề, không hiện khởi phẫn nộ, sân hận và bất mãn, xử sự chơn chánh, có tự lắng dịu, có chấm dứt giới tội, có nói: “Tôi phải làm gì để chúng Tăng hoan hỷ?” Tốt lành thay, nếu chư Tôn giả, sau khi điều tra nhiều lần Tỷ-kheo này, hãy giải tội này một cách mau chóng”. Như vậy này Bhaddali, các Tỷ-kheo, sau khi điều tra nhiều lần Tỷ-kheo ấy, giải tội ấy một cách mau chóng.
 
Ở đây, này Bhaddali, có Tỷ-kheo còn sống trong Tăng chúng với một ít lòng tin, với một ít lòng thương. Ở đây, này Bhaddali, các Tỷ-kheo suy nghĩ như sau: “Chư Hiền, Tỷ-kheo này còn sống trong Tăng chúng với một ít lòng tin, với một ít lòng thương. Nếu chúng ta thường hay kết tội Tỷ-kheo này, chúng ta hãy đừng để cho chút ít lòng tin, chút ít lòng thương của vị ấy đoạn diệt”. Ví như, này Bhaddali, một người chỉ có một mắt, các thân hữu bà con huyết thống bảo vệ con mắt còn lại ấy và suy nghĩ như sau: “Chớ để cho con mắt còn lại này bị đoạn diệt”. Cũng vậy, này Bhaddali, ở đây Tỷ- kheo còn sống trong Tăng chúng với một ít lòng tin, với một ít lòng thương. Ở đây, này Bhaddali, các Tỷ-kheo suy nghĩ như sau: “Chư Hiền, Tỷ-kheo này còn sống trong Tăng chúng với một ít lòng tin, với một ít lòng thương. Nếu chúng ta thường hay kết tội Tỷ-kheo này, chúng ta hãy đừng để cho chút ít lòng tin, chút ít lòng thương của vị ấy bị đoạn diệt”.
Này Bhaddali, do nhân này, do duyên này, ở đây, chúng Tăng luôn luôn kết tội Tỷ-kheo. Do nhân này, do duyên này, ở đây, chúng Tăng không luôn luôn kết tội vị Tỷ-kheo”.
(2)

Các biện pháp kết tội và giải tội do bậc Giác ngộ chỉ dạy cho thấy đạo Phật rất chú trọng đến tâm giác ngộ, đề cao tâm giác ngộ và quan tâm bảo dưỡng tâm giác ngộ. Ở đây, tâm giác ngộ chính là thái độ nhận ra các sai phạm hay lỗi lầm mà mình mắc phải, thành thật trình bày với người khác mọi sai phạm, không cố ý che giấu lỗi lầm, không tỏ thái độ phẫn nộ hay bất mãn, thể hiện lòng ăn năn hối tiếc, sẵn sàng chấp nhận mọi hình phạt do chư Tăng quyết định. Chính thái độ chân thành ăn năn sám hối như vậy của vị Tỷ-kheo vi phạm giới tội (hoặc ít hoặc nhiều) khiến cho vị ấy mong chóng vượt qua mọi lỗi lầm, tâm tư trở lại thanh tịnh, không còn ô nhiễm, khiến cho chư Tăng hoan hỷ, nhanh chóng kết thúc việc xử trị. Như vậy, bất luận lỗi lầm phạm phải nhiều hay ít nhưng khi tâm giác ngộ xuất hiện thì con người hết mê lầm, hết sai phạm, hết phiền não khổ đau, hết gây phiền lụy cho người khác. Nói cách khác, con người sẽ không còn rơi vào mê lầm khổ đau, không còn tạo ác nghiệp, trở nên trong sáng và hiền thiện một khi tâm giác ngộ dấy khởi và hành hoạt. Phật thấy rõ khả năng hướng thiện của tâm thức con người nên chủ trương đánh thức và khuyến khích thiện tâm trong lòng mỗi người.
 
Cũng do thấy rõ tính chất lợi lạc của tâm thức giác ngộ nên Phật tỏ ra hết sức nhẫn nại và thể hiện từ tâm trong phương pháp xử trị nhằm bảo vệ tâm thức giác ngộ của người phạm lỗi. Trong trường hợp này, tâm giác ngộ chính là một ít lòng tin, một ít lòng thương (đối với Tam bảo) còn đọng lại trong đời sống của người xuất gia phạm nhiều khuyết điểm. Trong trường hợp như vậy, Phật khuyên chư Tăng không nên xử lý quá nặng tay đối với vị Tỷ- kheo vi phạm giới tội; vì lẽ, giống như một người bị thương tật chỉ còn lại một mắt, cũng vậy, một ít lòng tin, một ít lòng thương còn sót lại nơi người xuất gia vi phạm giới tội là dấu hiệu đáng mừng, đáng được gìn giữ và bảo vệ, không để cho chút ít thiện tâm ấy hoàn toàn bị tiêu diệt. Phật gợi ý cho chư Tăng: “Tỷ-kheo này còn sống trong Tăng chúng với một ít lòng tin, với một ít lòng thương. Nếu chúng ta thường hay kết tội Tỷ-kheo này, chúng ta hãy đừng để cho chút ít lòng tin, chút ít lòng thương của vị ấy đoạn diệt. Ví như một người chỉ có một mắt, các thân hữu bà con huyết thống bảo vệ con mắt còn lại ấy và suy nghĩ như sau: “Chớ để cho con mắt còn lại này bị đoạn diệt”. Như vậy, bất luận tính chất vi phạm nghiêm trọng thế nào nhưng một khi tâm giác ngộ chưa hoàn toàn biến mất nơi vị Tỷ-kheo vi phạm giới tội thì việc bảo vệ chút ít thiện tâm còn sót lại ấy là điều mà Phật khuyên người xuất gia cần lưu tâm. Thế gian ít tình thương nên xử lý việc gì cũng nhanh chóng gọn gàng, chủ yếu dựa vào luật lệ có sẵn. Nhưng Phật thì đầy từ tâm nên làm việc gì cũng thận trọng và nhẫn nại, lấy tâm thức con người làm thước đo, cốt yếu là để giác ngộ con người, để giúp cho chúng sanh giác ngộ.
 
Nhìn chung, những gợi ý của Đức Phật liên quan đến việc xử trị các trường hợp vi phạm giới luật cho thấy cái nhìn sáng suốt đầy từ tâm của bậc Giác ngộ trong đường lối giáo dục. Phật thấy rõ tính chất lợi lạc của thiện tâm hay tâm giác ngộ nên chủ trương hóa giải mọi sai lầm bằng tâm thức giác ngộ và tỏ rõ đức kham nhẫn trong phương pháp bảo dưỡng tâm giác ngộ của mọi người. Giới luật do Phật chế cốt yếu là để cho người xuất gia biết cách giữ gìn đời sống Phạm hạnh thanh tịnh, không tỳ vết, không lỗi lầm, giúp cho người xuất gia đặt để những bước đi vững chắc và an ổn trên con đường tu tập hướng đến mục đích cứu cánh giác ngộ. Giới luật của Phật được thiết lập trên cơ sở tâm giác ngộ, có mục đích bảo vệ tâm giác ngộ và do vậy có chức năng đánh thức và khuyến khích tâm giác ngộ trong đời sống của người xuất gia. Chừng nào tâm giác ngộ có mặt thì chừng ấy người xuất gia có đầy đủ giới đức, không vi phạm lỗi lầm, sống hạnh phúc an lạc. Mặt khác, khi nào người xuất gia bỏ quên tâm giác ngộ, rơi vào lối sống phóng dật khổ đau thì khi ấy giới luật có nhiệm vụ đánh thức và khuyến khích tâm giác ngộ hiện hành. Các biện pháp cử tôi và giải tội do Phật đề xuất nói rõ mục đích của giới luật Phật giáo, không gì khác là giúp cho người xuất gia phát huy tâm giác ngộ để vượt qua mọi mê lầm, nỗ lực khắc phục bản thân, nhiếp phục tự tâm nhằm hóa giải mọi lỗi lầm, chiến thắng cái ác, tự làm cho mình thanh tịnh bằng nếp sống chân chánh hướng thiện.

------------------------------------

1. Kinh Bhaddali, Trung Bộ.
 
2. Kinh Bhaddali, Trung Bộ.

 

Tác giả bài viết: Nguyên Văn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 332
  • Khách viếng thăm: 329
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 69368
  • Tháng hiện tại: 2877511
  • Tổng lượt truy cập: 88682114
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012