Tâm triền phược

Đăng lúc: Thứ hai - 16/10/2017 18:58 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Đức Thế Tôn nhắc nhở các Tỷ-kheo rằng, để có được sự tiến bộ lợi lạc trong đời sống tu học đạo lý giác ngộ, người xuất gia cần phải biết ngăn tránh năm tâm hoang vu và đoạn tận năm tâm triền phược. Nguyên văn lời nhắc nhở của Ngài:

 
“Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào chưa diệt trừ năm tâm hoang vu, chưa đoạn tận năm tâm triền phược, vị ấy có thể lớn mạnh, trưởng thành, hưng thịnh trong pháp luật này, sự kiện này không xảy ra”. (1)

Năm tâm hoang vu tức là rơi vào tình trạng nghi ngờ đối với Phật, đối với Pháp của Phật, đối với chư Tăng đệ tử của Phật, đối với các học giới do Phật thiết lập và biểu lộ sự bất mãn, chống đối, không hoan hỷ đối với các vị đồng Phạm hạnh. Năm tâm triền phược gồm:
 
1. Bị trói buộc và chi phối bởi các lạc thú thế gian như sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, cảm xúc êm dịu hay bị lôi cuốn và trói buộc bởi tiền tài vật chất, danh vọng quyền lực, sắc đẹp khác phái, cao lương mỹ vị, chăn gối êm ái;

2. Luyến ái tự thân, nghĩa là tỏ ra chăm chút quá nhiều cho sắc thân vật lý như bồi bổ, trang điểm, trang sức, làm đẹp cho cơ thể…;

3. Đam mê sắc dục, tức là chạy theo sắc dục hay rơi vào con đường tình ái;

4. Ham thích ăn nhiều, ngủ nhiều;

5. Tu hành với tâm lý mong cầu sanh vào các hàng chư Thiên.

Đức Phật khuyến cáo các Tỷ-kheo rằng, người xuất gia mà để cho mình rơi vào năm tình trạng mê đắm trên thì tâm tư trở nên bị trói buộc, mê mờ, mất phương hướng, không còn thích thú đối với việc tu học, không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn. Do tâm không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn học hỏi và hành trì pháp giác ngộ của Phật, người xuất gia không đạt được sự lớn mạnh, trưởng thành và hưng thịnh trong đời sống tu học của mình. Nói khác đi, người xuất gia không kỳ vọng có được sự tiến bộ lợi ích gì trong đời sống tu học giáo pháp giác ngộ của Phật, một khi tâm thức bị trói buộc và chi phối bởi năm thứ ham thích ái luyến trên. Trong văn cảnh bài kinh, thuật ngữ “vinibandha” (triền phược) có hai nghĩa thống nhất với nhau, thứ nhất là sự ham muốn, khao khát, tham đắm, ái luyến, chấp thủ; thứ hai là sự dính mắc, ràng buộc, trói buộc gọi chung là triền phược. Do đó, tâm triền phược (cetaso vinibandho) có nghĩa là tâm thức rơi vào tình trạng ham thích, khao khát, tham đắm, ái luyến, chấp thủ các dục nên bị dính mắc, bị ràng buộc, bị trói buộc bởi các dục, chìm đắm trong các dục, quay cuồng trong các dục, không có cơ hội để thoát ra, để được tu tập và phát triển, để được tự do và giải thoát. Cái tâm ấy chỉ quanh quẩn trong dục giới, đổ đầy tham- sân-si, bị dẫn dắt bởi thói quen ích kỷ, vị ngã, dễ rơi vào các hành vi sai trái, bất thiện. Chính vì thế mà Đức Thế Tôn gọi vị Tỷ-kheo nào không đoạn trừ năm tâm triền phược thì không đạt được sự lớn mạnh, trưởng thành, hưng thịnh trong Pháp và Luật của Ngài, nghĩa là không có cơ hội để phát triển và hoàn thiện về đạo đức, tâm linh và trí tuệ đưa đến giác ngộ. Bậc Giác ngộ nhấn mạnh:
 
“Thế nào là năm tâm triền phược chưa được đoạn tận?

Chư Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo đối với các dục, không phải không tham ái, không phải không dục cầu, không phải không ái luyến, không phải không khao khát, không phải không nhiệt tình, không phải không khát ái. Chư Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo nào đối với các dục, không phải không tham ái, không phải không dục cầu, không phải không ái luyến, không phải không khao khát, không phải không nhiệt tình, không phải không khát ái, tâm của vị ấy không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm triền phược thứ nhất chưa được đoạn tận.

 
Và lại nữa, chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với tự thân, không phải không tham ái, không phải không dục cầu, không phải không ái luyến, không phải không khao khát, không phải không nhiệt tình, không phải không khát ái. Chư Tỷ-kheo, vị Tỷ- kheo nào đối với tự thân, không phải không tham ái, không phải không dục cầu, không phải không ái luyến, không phải không khao khát, không phải không nhiệt tình, không phải không khát ái, tâm của vị ấy không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm triền phược thứ hai chưa được đoạn tận.

Và lại nữa, chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các sắc pháp, không phải không tham ái, không phải không dục cầu, không phải không ái luyến, không phải không khao khát, không phải không nhiệt tình, không phải không khát ái. Chư Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo nào đối với sắc pháp, không phải không tham ái, không phải không dục cầu, không phải không ái luyến, không phải không khao khát, không phải không nhiệt tình, không phải không khát ái, tâm của vị ấy không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm triền phược thứ ba chưa được đoạn tận.

 
Và lại nữa, chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ăn cho đến thỏa thê, cho đến bụng chứa đầy, sống thiên nặng về khoái lạc về sàng tọa, khoái lạc về ngủ nghỉ, khoái lạc về thụy miên. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào ăn cho đến thỏa thê cho đến bụng chứa đầy, sống thiên nặng về khoái lạc về sàng tọa, khoái lạc về ngủ nghỉ, khoái lạc về thụy miên, tâm của vị ấy không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm triền phược thứ tư chưa được đoạn tận.

Và lại nữa, chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống phạm hạnh với mong cầu được sanh thiên giới với ý nghĩ: “Ta với giới này, với hạnh này, với khổ hạnh này hay với phạm hạnh này sẽ được sanh làm chư Thiên này hay chư Thiên khác”. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào sống phạm hạnh với mong cầu được sanh thiên giới với ý nghĩ: “Ta với giới này, với hạnh này, với khổ hạnh này hay với phạm hạnh này sẽ được sanh làm chư Thiên này hay chư Thiên khác”, như vậy là tâm triền phược thứ năm chưa được đoạn tận. Như vậy là năm tâm triền phược chưa được đoạn tận”.
(2)
 
Nhìn chung, năm tâm triền phược hay năm yếu tố ham muốn khiến tâm thức bị dính mắc, bị trói buộc, rơi vào mê mờ, quay cuồng, khổ đau, không thanh thản, không an lạc, không có cơ hội để thoát ra, để đạt đến tiến triển, đi đến giác ngộ mà Đức Thế Tôn đã giải thích đầy đủ trên đây chính là các tâm lý sai lầm, đi ngược lại với giáo pháp giác ngộ của Phật, đi ngược lại với chí nguyện của người xuất gia quyết tâm đi theo con đường giác ngộ của Phật. Đó chính là các yếu tố hay nguyên nhân tạo nên khổ đau mà người học Phật nói chung, đặc biệt là người xuất gia, cần phải tránh xa, cần phải khắc phục và loại trừ. Người xuất gia được gọi là xuất gia hay xuất ly (nekkhamma), không chỉ do vị ấy chấp nhận rời bỏ đời sống gia đình, sống không gia đình, mặc áo cà-sa, mà còn do vị ấy nhận ra và quyết tâm rời xa những phiền toái khổ đau của đời sống dục lạc thế gian (xuất thế tục gia), những phiền não trói buộc của đời sống gia đình (xuất phiền não gia) cũng như những phiền muộn khổ đau của sự kiện tái sanh sanh tử luân hồi trong tam giới (xuất tam giới gia). Người xuất gia có nhận thức minh chánh và có lý tưởng cao cả để theo đuổi thế kia mà tự để cho mình rơi vào những ham muốn-trói buộc thường tình như thế thì như Đức Phật đã chỉ rõ:
 
Lìa rừng lại hướng rừng, Thoát rừng, chạy theo rừng; Nên xem người như vậy, Được thoát khỏi buộc ràng, Lại chạy theo ràng buộc. (3)

Để giúp cho người xuất gia ngăn tránh và vượt qua các tình huống tham ái-trói buộc hay năm tâm triền phược đã nêu, Đức Phật đã nói đến nhiều cách thức tu tập và ứng dụng khác nhau. Trước hết, người xuất gia cần làm sống dậy lý tưởng xuất gia, nghĩa là phải thường xuyên quán sát lý do và động cơ xuất gia của mình: “Ta bị chìm đắm trong sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, bị chìm đắm trong đau khổ, bị chi phối bởi đau khổ. Rất có thể, toàn bộ khổ uẩn này có thể chấm dứt được. Nhưng đời sống tại gia chật hẹp, nhiễm đầy bụi đời; đời sống xuất gia phóng khoáng như hư không. Thật không dễ gì cho ta sống ở gia đình có thể thực hành đời sống Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy Ta hãy cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình”.

Nhờ thường xuyên quán sát như vậy mà người xuất gia có đủ ý chí và nghị lực để vượt qua mọi cám dỗ thường tình của cuộc đời, không rơi vào tham ái, không còn bị các dục trói buộc. Ví dụ, trường hợp Tỷ-kheo Sona xin từ chối việc Đức Thế Tôn cho phép mình được đặc cách sử dụng giầy quấn vì lý do đôi bàn chân bị vết thương - “Bạch Thế Tôn, con đã xuất gia, sống không gia đình, đã từ bỏ 80 cổ xe chất đầy vàng và một đoàn tùy tùng gồm bảy voi. Mọi người sẽ phê bình về con như thế này: ‘Sona Kolivisa đã xuất gia, sống không gia đình, đã từ bỏ 80 cổ xe chất đầy vàng và một đoàn tùy tùng gồm bảy thớt voi; nhưng nay vị tôn giả ấy lại tập thói quen dùng giầy dép có quấn một lớp vải.’” (4) - gợi ý tưởng rằng con đường xuất gia cao cả dường nào, khiến người ta có thể từ bỏ nhiều thứ to lớn như thế, sá gì việc vặt vãnh phải mang một đôi giầy!
 
Một cách thức khác là nhận ra tính chất bất an khổ não của tham dục để tìm cách khắc phục và vượt qua lòng ham muốn. Đó là sự suy tư và nhận ra rằng “các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm càng nhiều hơn” (5), song song với việc thực hành thiền định để đối trị và diệt trừ lòng tham. Kinh nghiệp tu tập của Đức Phật cho chúng ta biết rằng người xuất gia chỉ có thể khắc phục và loại bỏ được lòng tham khi nào vị ấy nhận ra sự nguy hại của tham dục và tìm thấy hân hoan trong nếp sống thiền định (6). Do tính chất ly tham, tức năng lực buông bỏ các ham muốn bất thiện (năm triền cái) và siêu việt các thiện pháp (năm thiền chi), thiền định Phật giáo đưa đến tâm hân hoan hỷ lạc, có khả năng đối trị dục lạc hay các thú vui thế gian, giúp nâng cao cảm thức an lạc và tâm thức giải thoát của con người, lần lượt đưa con người đạt đến cứu cánh giác ngộ. Đó chính là lối sống thực chứng an lạc do buông xả, được biết qua các tên gọi như xuất ly lạc (nekkhammasukha), tức sự thanh thảnh và tự do nhờ rời bỏ lòng tham và sự trói buộc của tham dục; độc cư lạc (pvivekasukha), niềm vui của lối sống thanh bần, không còn bị dục vọng và dục tưởng ám ảnh; an tịnh lạc (upasamasukha) hay niềm an lạc của sự vắng bặt các ham muốn và vọng niệm; chánh giác lạc (samboddhasukha), tức niềm vui có khả năng đưa đến giác ngộ, đưa đến giải thoát khổ đau (7). Chính vì vậy mà Đức Thế Tôn đã gọi Thiền (hiểu đầy đủ là pháp môn giới-định-tuệ) là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn (8).
 
Một phương pháp khác nữa có khả năng chế ngự và diệt trừ tâm tham ái-trói buộc hay năm tâm triền phược, đó là quán sát bản chất như thật của các pháp, nghĩa là thấy như thật với trí tuệ hay như thật tuệ tri (yathàbhùtam pajànàti) về tính chất vô thường, khổ, vô ngã của tự thân (ngũ uẩn hay sáu căn) cũng như của mọi thứ mà mình ham thích (thế giới chung quanh hay sáu trần) nhằm buông bỏ tâm tham dục, khát ái. Các ham muốn sở dĩ sinh khởi, tăng trưởng và chi phối tâm tư cũng như đời sống con người ấy là do quan kiến mê lầm và thói quen tham dục tạo ra. Đó chính là ý tưởng về “tôi” hay “ngã tưởng” đi kèm với dục vọng muốn nắm bắt, sở hữu, ôm ấp mọi thứ về cho bản thân thể hiện qua ý niệm “của tôi” hay “tự ngã của tôi”. Chính tâm lý khao khát mê lầm này về tự ngã là gốc rễ khiến tham dục không ngừng phát sinh, trưởng thành và sau cùng chi phối toàn bộ đời sống của con người, làm cho con người hoàn toàn mê mờ, không còn tỉnh táo và sáng suốt, trở nên điên đảo trong nhận thức và hành xử mà biểu hiện là lòng tham lam ích kỷ ngày càng phát triển sâu nặng. Vì vậy, để bứt tận gốc rễ lòng tham dục hay tâm triền phược thì phải tập nuôi dưỡng và phát triển cái nhìn trí tuệ, phải thông qua thiền định chứng nghiệm sâu sắc sự thật vô thường, khổ, vô ngã (sự không điều động được, không làm chủ được) của tự thân và cuộc đời, của hết thảy pháp hữu vi. Chính cái nhìn trí tuệ hay tuệ quán này mới đánh bật tâm thức mê lầm về ngã và ngã sở, đưa đến loại trừ hoàn toàn mọi tập quán tham ái và chấp ngã, vì lẽ “tự ta còn không có thì có đâu con của ta, tài sản của ta” (9)?
 
Tóm lại, dục vọng là mối dây trói buộc đầy khổ đau cho con người, đồng thời là thách thức lớn đối với mọi người con Phật trong sự nghiệp tu học đạo lý giải thoát giác ngộ của bậc Đạo sư. Hết thảy những lời dạy của Đức Thế Tôn đều là những bước đi chính xác và sáng suốt giúp cho con người từng bước đi ra khỏi tham dục, vượt khỏi các trói buộc, giải thoát hoàn toàn mọi khổ đau. Người xuất gia được xem là đang nỗ lực bước đi trên con đường ly dục, giải thoát của Phật, do nhận thức rõ dục vọng là ràng buộc khổ đau. Chính vì thế mà hơn ai hết, người xuất gia cần phải thể hiện nếp sống thiểu dục tri túc, nếp sống không dính mắc trói buộc, nếp sống thanh thản giải thoát trước muôn vàn vướng lụy trần thế. Làm được như thế thì người xuất gia mới thoát khỏi tâm triền phược, mới đạt được sự lớn mạnh, trưởng thành và hưng thịnh trong sự nghiệp tu học của mình, mới tìm thấy lợi ích an lạc thật sự giữa muôn vàn phiền toái và khổ đau của cuộc đời vốn do tham dục tạo ra, mới xứng danh “xuất gia” (nekkhamma), như Tôn giả Ratthapàla từng tự nhận về mình (10):
 
Dục vọng nhiều loại, ngọt, khả ái, Nhiễu loạn tâm dưới nhiều hình thức; Thấy hoạn nạn trong dục trưởng dưỡng, Nên ta xuất gia, thưa Đại vương!

Hãy nhìn hình bóng trang sức này, Một nhóm vết thương được tích tụ,

Bệnh nhiều, tham tưởng cũng khá nhiều, Nhưng không gì kiên cố, thường trú.

Hãy nhìn dung mạo trang sức này, Với các châu báu, với vòng tai, Một bộ xương được da bao phủ, Được y phục làm cho sáng chói.

Như hộp thuốc trang hoàng mới mẻ, Là uế thân được điểm thời trang, Vừa đủ làm mê hoặc kẻ ngu,

Nhưng vô phương kẻ cầu bờ giác.


 ---------------------------------------
 
1. Kinh Tâm hoang vu, Trung Bộ.
2. Kinh Tâm hoang vu, Trung Bộ.
3. Pháp Cú, kệ số 344.
4. Vinaya Pitakam, Vol. I, tr. 185.
5. Kinh Xà dụ, Trung Bộ.
6. Xem Tiểu kinh Khổ uẩn, Kinh Magandiya, Trung Bộ.
7. Kinh Ví dụ con chim cáy, Kinh Đại không, Kinh Vô tránh phân biệt, Trung Bộ.
8. Kinh Niệm xứ, Trung Bộ.
9. Pháp Cú, kệ số 62.
10. Kinh Ratthapala, Trung Bộ.

Tác giả bài viết: Nhật Hoa
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 426
  • Khách viếng thăm: 414
  • Máy chủ tìm kiếm: 12
  • Hôm nay: 60853
  • Tháng hiện tại: 2780434
  • Tổng lượt truy cập: 88585037
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012