Ý nghĩa và công đức của tụng kinh

Đăng lúc: Thứ ba - 23/01/2024 16:39 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Công đức tụng đọc kinh điển (đọc là nhìn vào kinh mới đọc được, còn tụng là không nhìn kinh mà đọc thuộc lòng) là vô cùng mạnh mẽ và vi diệu không thể cân đong đo đếm được, giải trừ tội chướng, tăng trưởng phước đức, trí tuệ vô lượng.

Ý nghĩa của việc tụng Kinh cũng giống như việc cài đặt các phần mềm vào máy tính, tụng đọc Kinh điển hiểu một cách sơ lược là nhiếp tâm ý của bạn vào lời dạy vàng ngọc của Đức Phật, khiến cho thân - khẩu - ý của bạn hòa vào lời Kinh, diệt trừ mọi thứ bất thiện, phát sinh vô số hạnh lành trong hiện tại và tương lai, tạo ra công đức tuyệt đối.

Ý nghĩa của tụng Kinh: 

Tâm ý của chúng sinh giống như một mảnh đất trống. Dựa trên mảnh đất này mà cây cối sinh sôi, ra hoa, trổ quả, xong không biết là cây gì, hên thì cây xoài, cây Bồ Đề…, xui thì cỏ dại, cây độc…

Tiến trình mà "cây cối” hình thành trong “mảnh đất tâm” của chúng sinh như sau: 

Đầu tiên là giai đoạn học hỏi, tiếp thu những kiến thức bên ngoài vào đầu, nếu những kiến thức ấy sai lầm, thì gọi là Tà Kiến, nếu đúng với chân lí, đưa đến an vui giải thoát thì gọi là Chánh Kiến.

Như con người vẫn hàng ngày vào trường học, đọc sách, xem báo, xem ti vi, lướt web, lướt facebook, đọc các dòng slogan ở khắp các pano, biển quảng cáo, tờ rơi khi đi ngoài đường, quan sát cách sống của mọi người xung quanh.v.v….đó chính là đang gieo hạt giống tư tưởng vào tâm mình. ( Xem ra thời đại này hạt giống khá là phức tạp, gì cũng có, rất hên xui, mà xui nhiều hơn hên. Ví như các quảng cáo sản phẩm đa số là xạo thôi, nhưng xem đi xem lại quá nhiều lần khiến nhiều người cũng bị tin theo một cách vô thức).

Tiếp theo, nhờ giai đoạn học hỏi làm nhân mà hình thành quả là giai đoạn 2: Tư duy. 

Dựa trên những kiến thức (chưa xác định đúng sai) đã thu thập vào trong tâm. Con người bắt đầu gạn lọc, suy xét, lí luận để tạo dựng nên hệ tư tưởng cho chính mình. Quyết định xem mình tin theo cái gì, hình thành quan điểm cá nhân.

Nếu tin, chấp nhận theo những kiến thức nào, thì giống như ta giữ lại những hạt giống đó (hoặc tốt, hoặc xấu chưa xác định) trong mảnh đất tâm của mình, và ngược lại, không tin, không chấp nhận kiến thức nào, thì giống như ta đã nhổ bỏ hạt giống của những kiến thức ấy ra khỏi đầu, tương lai không mọc ra cây giống ấy nữa.

Ở giai đoạn này, tùy theo phước trí tuệ mà độ phân tích sâu cạn khác nhau, người hời hợt sao cũng được, thấy người ta sao thì mình theo vậy, lười suy tư nên sẽ nhẹ dạ cả tin, tùy theo những người dẫn dắt mà đi theo, hên thì theo người có Chánh kiến, xui thì theo những người Tà kiến.

Nhưng những người phước trí tuệ lớn thì sẽ săm soi từng chút, vặn vẹo, lí sự, phân tích, bóc tách từng vấn đề một cách kĩ lưỡng để xây dựng nên hệ tư tưởng cho chính mình. Đương nhiên, người xây dựng hệ tư tưởng càng kĩ thì tư tưởng càng kiên cố, khó lay chuyển. Nếu tư tưởng đó đúng thì gọi là kiên định lập trường, nếu sai thì gọi là cố chấp, bảo thủ.

Vậy cái gì quyết định đúng hay sai? Chính là duyên phước. Nếu tiền kiếp được kết duyên với các thiện tri thức, với Chánh kiến, với Phật Pháp, hay có phước đã thường ấn tống kinh sách đúng với Chánh pháp, hay đã gieo trồng chủng tử Bồ Đề.v.v…, thì tư tưởng thường sẽ lập luận theo hướng đúng.

Ngược lại, thường kết duyên với ác tri thức, thu thập nhiều tà kiến suốt nhiều kiếp vào tâm, hay tạo nhiều nghiệp ngu si trong tiền kiếp, gieo rắc nhiều tư tưởng sai lệch cho chúng sinh, phỉ báng Phật Pháp, công kích lẽ phải, bẻ cong chân lí vì tư lợi, hay nói sai sự thật vì ngu si không rõ đen trắng.v.v…mà tư tưởng sẽ có xu hướng suy nghĩ theo chiều sai, dệt nên một hệ tư tưởng sai lầm.

Cuối cùng, nhờ giai đoạn tư duy làm nhân mà hình thành quả là giai đoạn cuối: Hành động. 

Ở giai đoạn này, tư tưởng đã khá cứng cáp, nó như một hệ điều hành đã cài đặt xong, như một ông vua đã đăng quang ngôi vị thống lĩnh, nó sẽ điều khiển cả thân khẩu ý theo những gì đã lập trình.

Người có tư tưởng sai lầm sẽ thường tạo các ác nghiệp, bằng cả thân - khẩu - ý. Người có hệ tư tưởng chân chính, thì thường cả thân , khẩu, ý thường theo các thiện nghiệp. Người thu thập cả tà kiến, chánh kiến vào tâm, tư tưởng đan xen cả đúng lẫn sai, thì khi tạo ác, khi làm thiện.

Và Phước hay Tội theo sau những hành động đó, tạo nên sướng khổ, buồn vui, may rủi, vinh nhục kiếp này và nhiều kiếp sau.

Tuy nhiên, cũng phải nói kĩ lại điểm này. 3 bước trên đây không phải là cố định vĩnh cửu, vì rằng thế gian cái gì cũng vô thường. Cả học hỏi, hay tư duy, hay hành động đều có tuổi thọ của nó, hết hạn thì nó sẽ biến mất.

Giống như năm nay ta gieo toàn hạt giống cỏ dại, cây độc trên mảnh đất tâm của mình. Năm sau thì ta thu hoạch toàn gai góc, độc dược. Nhưng không có nghĩa là vĩnh viễn mảnh đất của ta lúc nào cũng toàn gai góc, độc dược. Theo thời gian, chúng sẽ chết.

Và năm sau sẽ mọc ra cây gì tùy thuộc vào hiện tại, chúng ta gieo gì tiếp cho vụ mùa sau. Nếu như ta lại lấy những hạt giống của những cây xấu có sẵn ấy tiếp tục gieo, thì tương lai mình lại tiếp tục thu được những vụ mùa gai góc, độc dược.

Xong nếu ta chán cái cảnh gai góc, độc dược ấy rồi. Ta quyết định đi lựa những giống cây tốt ở những nơi khác về trồng, như ta tìm giống cây xoài Cát Hòa Lộc, hay cây nho Mĩ, cây Bồ Đề Ấn Độ.v.v… trồng và nhổ bỏ những cỏ dại, cây độc dược đang có trên đất của mình, thì những vụ mùa sau , những gì ta thu hoạch được sẽ khác.

Nói tóm lại, là chúng nối tiếp nhau thành một chuỗi liên tục trên dòng thời gian vô lượng kiếp, cứ học hỏi sinh tư duy, sinh hành động, hành động sinh nghiệp quả, (thực ra cái nào trong 4 cái trên đều có thể sinh ra 3 cái còn lại, bổ trợ cho nhau, sinh ra nhau liên hoàn ) rồi tiếp tục lặp lại chuỗi ấy vô số lần trong mảnh đất tâm của mình mà hình thành luân hồi sinh tử 6 nẻo.

Kết luận cuối, tụng kinh, hay thấp hơn là đọc kinh, nghe kinh, chính là gieo hạt giống của cây Bồ Đề vào mảnh đất tâm của mình, ở giai đoạn thứ nhất - Học hỏi. Và theo nhân quả, thì sẽ sinh ra giai đoạn 2 - Tư duy - sinh ra giai đoạn 3 - Hành động, cuối cùng lãnh thọ các phước báo, tiến trình này là tự nhiên, không thúc đẩy cũng sẽ diễn ra, còn nếu thúc đẩy thêm thì nó càng diễn ra nhanh hơn, cuối cùng sẽ trổ ra quả Bồ Đề, tức thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Điểm đặc biệt của cây Bồ Đề Phật Pháp, mà mọi giống cỏ dại, độc dược .v.v… đều không có, chính là khả năng bất tử. Cây Bồ Đề không bao giờ chết, chỉ cần gieo một hạt giống xuống thì dù nhanh, hay có khi rất chậm, hạt giống ấy chắc chắn sẽ lớn dần lên thành cây Bồ Đề cao lớn, bất diệt, và sẽ đưa ta thoát khỏi luân hồi sinh tử này chứng thành Thánh quả.

Trong quá trình cây Bồ Đề lớn lên, thì đồng thời cỏ dại, độc dược… vẫn mọc, và cạnh tranh nước, chất dinh dưỡng, ánh sáng với cây Bồ Đề, tức là đồng thời thiện và bất thiện trong tâm mình cạnh tranh nhau, bên thì muốn thoát khỏi những thấp kém hèn mọn để vươn lên như các bậc Thánh, bên thì muốn xuôi theo những dục lạc, chiều theo những tập khí xấu ác để chìm xuống. 

Quá trình này rất vất vả vì tư tưởng giao tranh, giằng xé nội tâm, cần phải hỗ trợ bằng cách tu nhiều pháp môn khác nhau để nhổ “cỏ phiền não”, chặt “cây dại tập khí” liên tục, bón phân , tưới tắm cây “Bồ Đề Phật Pháp” liên tục để cây nhanh lớn. Lợi thế của ta là cây cỏ dại, độc dược… thì đều có tuổi thọ, chúng vô thường, sinh rồi diệt, chỉ là chúng có khả sinh sôi mạnh, lứa trước chết rồi, để lại hạt giống sinh lứa sau thôi, chứ không phải bất tử như cây “Bồ Đề Phật Pháp”.

Chính vì lẽ đó, tụng kinh tạo được công đức vô biên vô lượng, ngay cả khi chưa hình thành giai đoạn tư duy, hay hành động, vẫn có vô số điều lành đến ngay với những người trì tụng kinh điển.

Rồi tiếp theo sau đó, suốt vô lượng kiếp sau, sẽ tiếp tục sinh ra những thành tựu vĩ đại nối nhau không dứt, cho đến khi thành tựu Phật Quả Vô Thượng. Tất cả bắt đầu từ việc tụng trì kinh điển Như Lai.

 

Tác giả bài viết: Quang Tử
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 460
  • Khách viếng thăm: 452
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 99550
  • Tháng hiện tại: 853961
  • Tổng lượt truy cập: 110228580
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012