Khi các món ăn tinh thần bị nhiễm độc

Đăng lúc: Thứ ba - 17/06/2014 19:29 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Đã có lần trong một bài viết cũng trong chuyên mục Câu chuyện trong tuần trên báo Giác Ngộ, chúng tôi đã nói đến tình trạng thực phẩm nhiễm độc tràn lan gây nên nhiều vụ ngộ độc do những kẻ sản xuất tham lam, thiếu lương tâm, chạy theo lợi nhuận, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng cùng với sự quản lý thiếu chặt chẽ của cơ quan hữu trách.
Nhu cầu vật chất luôn bức thiết từ buổi chào đời đến lúc lìa đời, chúng ta luôn cần lương thực vật chất để nuôi thân tồn tại. Vậy còn tâm chúng ta thì sao? Có bao giờ chúng ta nghĩ tâm hồn mình cũng đang bị đầu độc theo một cách nào đó?

|

Tâm hồn chúng ta sẽ bị "đầu độc" từ chính những sản phẩm nghe, nhìn... như thế này 

Trong Tạp A-hàm, kinh số 373, Đức Phật có đề cập đến bốn loại thức ăn. Thức ăn mà chúng tôi vừa nói ở trên là đoàn thực, tức là những thực phẩm chúng ta dùng hàng ngày để nuôi sống cơ thể. Loại thức ăn thứ hai là xúc thực.

Chúng ta tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp qua  sáu giác quan là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Hiện nay chúng ta đang bị vây quanh bởi vô số hình ảnh qua sách báo, các trang mạng, truyền hình, phim ảnh. Thử xem một ngày chúng ta đọc bao nhiêu tờ báo với đầy dẫy các vụ án được viết theo lối “độc quyền” khai thác. 

Chỉ một vụ án nhưng các báo cử người xuống tận nơi điều tra, phỏng vấn, mô tả đầy đủ góc cạnh, thêm thắt cho gay cấn…, đọc thấy ghê người! Loại vụ án “độc quyền” kiểu đó có thể thấy đầy dẫy trên các trang mạng hiện nay với cách đặt tên giựt gân, gợi sự tò mò cho một số người, và thường được minh họa sinh động bằng hình ảnh, các đoạn phim với đầy đủ âm thanh được thực hiện công khai hoặc lén lút…

Mắt ta tiếp xúc với hình sắc, tai ta nghe âm thanh thông tin kia, đoạn phim nọ…, vô hình trung những độc tố như khao khát sắc dục, căm thù và bạo động cũng len lỏi vào trong tâm của người đọc, người xem. 

Với mục đích kích thích sự tiêu thụ của con người, chúng ta thấy có một số hình ảnh, đoạn phim quảng cáo sản phẩm hiện nay cũng khơi động sự thèm muốn vật chất, tạo nên các giá trị ảo cho số đông, đặc biệt là đối với lớp trẻ. Trong kinh điển, nói về sự độc hại như vậy ảnh hưởng đến con người, Đức Phật đã dùng hình ảnh một con bò bị lột da dẫn xuống sông. Dưới sông có hàng vạn loài sinh vật li ti bu lại hút máu và rỉa thịt con bò. Và khi ta đưa con bò tới đứng gần một bức tường hay một cây cổ thụ, cũng có những sinh vật li ti sống trên bức tường và trong cây cổ thụ bay ra, bám vào con bò để hút máu. Nếu chúng ta không giữ gìn thân và tâm bằng chánh kiến và chánh niệm thì các độc tố trong cuộc đời cũng bám lại và tàn phá thân tâm ta.

Loại thức ăn thứ ba là tư niệm thực. Từ những xúc thực tầm thường và đầy độc tố như thế, chúng ta bị thui chột những ước mơ cao đẹp cho đời mình. Làm sao có thể thực hiện hoài bão lớn, trở thành một người thành đạt vươn lên trên số phận khó khăn của mình nếu không biết nuôi lớn mình bằng “tư niệm thực” cao quý. Vì có những loại tư niệm thực làm cho ta khổ đau nếu suốt đời chạy theo danh, lợi, sắc dục. Đức Phật cũng từng nêu thí dụ qua câu chuyện một người bị hai lực sĩ khiêng ném xuống hầm lửa đang bốc cháy. Khi ta bị những tư niệm thực bất thiện khuynh loát tâm hồn thì cũng như người bị ném xuống hầm lửa, thiêu cháy thân hình trong đau đớn.

Loại thức ăn thứ tư là thức thực. Khi làm công việc nhận thức, tâm cũng giống như cơ thể đón nhận các thực phẩm. Nếu tâm thức ta như đã nói ở trên tiếp nhận những thức ăn độc hại, thì  tâm thức ta biểu hiện ra y báo và chánh báo không lành. Những gì ta thấy, nghe, ngửi, nếm, tiếp xúc, suy tư, tưởng tượng, tất cả những thứ ấy đều như muôn sông chảy về biển tâm thức. Và những vô minh, hận thù và buồn khổ của ta đều trở về biển cả của tâm thức ta. Vì vậy chúng ta phải biết mỗi ngày chúng ta nhận vào tâm thức của ta những món ăn nào. Nếu với những phương tiện truyền thông tràn ngập thông tin tai hại chắc là tâm thức chỉ toàn là trạo cử, hôn trầm, giải đãi, phóng dật. 

Về thức thực, Đức Phật đã dùng hình ảnh ví dụ qua câu chuyện một người tử tù và ông vua. Buổi sáng vua ra lệnh lấy 300 lưỡi dao cắm vào thân thể của một tử tù. Tới buổi chiều, vua hỏi: “Người tù đó bây giờ sao?” - “Tâu bệ hạ, nó còn sống.” - “Vậy thì đem nó ra, lấy 300 lưỡi dao đâm qua người nó một lần nữa”. Và buổi tối, vua hỏi: “Kẻ đó bây giờ ra sao?” - “Thưa bệ hạ, vẫn còn sống”. - “Hãy lấy 300 mũi dao đâm qua thân thể nó một lần nữa!” - Vua lạnh lùng hạ lệnh. Đức Phật dùng ví dụ đó để nói chúng ta cũng đang hành hạ tâm thức của ta y như thế. Mỗi ngày chúng ta đâm 300 mũi dao của độc tố vào trong tâm thức ta. Những mũi dao của tham lam, giận dữ, ganh tỵ, hờn giận, thù oán, vô minh.

Những câu chuyện trên được chép trong kinh số 373, kinh Tử nhục (Tạp A-hàm), với ý nghĩa nhắc nhở chúng ta phải tỉnh táo giữ gìn chánh kiến. Đọc báo, tiếp nhận các thông tin hàng ngày mà không có chánh niệm, thụ động tiếp thu, chúng ta có thể tiếp nhận rất nhiều độc tố. Chắc ai cũng cảm thấy mệt mỏi, chán nản khi đọc những tin án mạng chồng giết vợ, con giết cha, sau khi sát hại sinh mạng còn tàn nhẫn chặt người làm mấy khúc để phi tang… 

Khuyến tấn về sự tỉnh thức, sự lựa chọn khôn ngoan trước các “thức ăn” của tâm, Thiền sư Nhất Hạnh nói: “Chánh kiến phát sinh ra chánh niệm và chánh niệm cũng làm phát sinh chánh kiến. Tôi biết rằng nhìn, nghe và tiếp xúc với những gì thì thân tâm tôi sẽ khỏe khoắn, nhẹ nhàng và an lạc và tôi quyết định mỗi ngày tiếp xúc với những chất liệu đó. Còn những thứ làm tôi mệt, tôi buồn, tôi lo, tôi giận thì tôi sẽ tránh không tiếp xúc”. Muốn vậy, chúng ta phải hành trì năm giới vì qua đó thực hành chánh kiến, huân tập hạt  giống của chánh niệm vì chánh niệm tạo ra những kháng thể để loại bỏ sự thâm nhập của các độc tố kia. 

Phải lựa sách mà đọc, lựa phim mà xem; có những quyển sách nâng cao tâm hồn ta, có những bộ phim mang lại niềm yêu đời, sự tin tưởng vào lẽ thiện ở đời, không làm phương hại đến chánh kiến..., đó là những thức ăn nuôi dưỡng tính nhân văn trong con người. Ý thức và làm được như thế là chức năng của các bậc cha mẹ, các nhà giáo dục, người trí thức trong xã hội. 

Thiết nghĩ, để xây dựng được lối sống tốt đẹp, các nhà chức năng về giáo dục, văn hóa phải có trách nhiệm quản lý, sàng lọc, cải tạo môi trường cho xanh sạch về mặt tâm hồn, hướng dẫn các luồng thông tin lành mạnh…, phải làm sao cải thiện, làm cho giảm bớt môi trường thông tin bị nhiễm độc kiểu kích thích bạo lực, dục vọng như đã nêu qua báo chí, đang đầy dẫy trên mạng internet. Điều đó cần thiết đối với người lớn cũng như trẻ em.

Muốn có một thế hệ mạnh khỏe về tinh thần và lạc quan, xã hội bình yên, bớt tội ác, loạn động… thì nhất định phải ý thức tới môi trường thông tin, cung cấp những tư niệm thực có thể đưa tới an lạc, hạnh phúc… Đã trễ nếu chúng ta không bắt đầu ngay từ hôm nay.

Nguyên Cẩn (GNO)

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 271
  • Khách viếng thăm: 247
  • Máy chủ tìm kiếm: 24
  • Hôm nay: 87958
  • Tháng hiện tại: 2807539
  • Tổng lượt truy cập: 88612142
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012