TT. Huế: Lễ tưởng niệm Hòa thượng Thích Thiện Trí (1907 – 2000)

Đăng lúc: Thứ bảy - 08/02/2014 10:00 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Sáng ngày 09.01 Giáp Ngọ (08.02.2014) tại chùa Hiếu Quang (phường Trường An, TP. Huế) Tăng chúng bổn tự và Đạo hữu Phật tử đã trang nghiêm cử hành lễ tưởng niệm 15 năm ngày Hòa thượng Thích Thiện Trí viên tịch. Chư tôn đức Tăng, Ni các Tổ đình tự viện và đông đảo Đạo hữu Phật tử tại tỉnh Thừa Thiên Huế, TP. Đà Nẵng, TP. Hà Nội đã về dâng hương tưởng niệm.

Hoà thượng Thiện Trí (1907 – 2000)
Chùa Hiếu Quang – Huế

Hoà thượng Thiện Trí thế danh Nguyễn Diêu, sinh năm Đinh Mùi (1907) tại làng Đạo Đầu, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Công huý Hồng Ân, tự Tế Mỹ, hiệu Huyền Hưng và Thân mẫu là cụ bà Trần Thị Ngạch, Pháp danh Hồng Liên, tự An Thành. Ngài sinh trưởng trong gia đình theo truyền thống Phật giáo, gia đình có 5 anh chị em và ngài là con thứ hai.

Năm 12 tuổi, Ngài được song thân cho phép xuất gia với Hoà thượng Phước Hậu, trú trì chùa Linh Quang. Với tư chất thông minh hiếu học, sau 7 năm chuyên cần học đạo hầu Thầy.

Năm Ất Sửu (1925), Ngài được Bổn sư cho thọ Sa-di giới tại Giới đàn Từ Hiếu do Tổ sư Tâm Tịnh làm Đường đầu. Ngài đặc biệt có năng khiếu về văn chương, thi phú nên được Bổn sư cho đến chùa Tra Am cầu học với Hoà thượng Viên Thành.

Năm Nhâm Thân (1932), Ngài được thọ Tỳ-kheo giới tại Giới đàn Từ Vân ở Đà Nẵng do Hoà thượng Phước Trí chùa Tam Thai làm Đường đầu Hoà thượng. Trong giới đàn này, Ngài là vị Thủ Sa-di. Được dự vào hàng Chúng trung tôn, Ngài thuộc đời thứ 43 dòng Thiền Lâm Tế và là thế hệ thứ 9 của Pháp phái Liễu Quán, có Pháp danh là Tâm Thái và Pháp hiệu là Thiện Trí. Trên bước đường tu học, Ngài không những được Bổn sư chỉ giáo mà còn được nhiều bậc Cao tăng thạc đức ân cần dìu dắt. Sau sự ra đi của Hoà thượng Viên Thành, Ngài đau đớn bàng hoàng, trống vắng khi mất đi một bậc Ân sư mà Ngài hằng kính quý. Tiếp tục con đường tham vấn, Ngài đã đến cầu học với Hoà thượng Giác Viên chùa Hồng Khê.

Một nhân duyên chớm nở trong bước đầu hành đạo, năm Quý Dậu (1933), Ngài đã thể theo ước nguyện của một số Phật tử ở Sài Gòn, thỉnh Ngài vào Nam để dạy Phật pháp cho họ. Trong dịp này Ngài đã gặp được Cụ Phan Khôi, một nhà thơ mới, một học giả nổi tiếng đương thời. Cuộc gặp gỡ này Ngài thường cho đó như một tiền duyên tao ngộ. Con đường văn chương thi phú của Ngài trở nên thông bác cũng nhờ sự tận tâm chỉ bày của cụ Phan Khôi.

Thời gian ở Nam không lâu khi nghe tin tại quê nhà các Pháp lữ đều vào Bình Định cầu học với Hoà thượng Phước Huệ chùa Thập Tháp, Ngài đã trở về quê rồi lên đường vào Bình Định. Sau một thời gian tham học, Hoà thượng lại về Huế để phụng sự Bổn sư.

Con đường phụng Đạo giúp đời của Ngài được rõ nét nhất trên hai lĩnh vực là văn thơ và nghi lễ. Một tác phẩm đầu tay của Ngài được xuất bản là Phật học thiền đàm với bút hiệu là Tế Nam được nhà Chí sĩ Sào Nam Phan Bội Châu đề tựa cho tập sách này bằng bốn câu thơ:

“Ai vào bể khổ vớt quần sinh,
Ức vạn Như Lai một quyển kinh,
Lời cạn ý sâu là Phật lý,
Khơi đèn Bát nhã diệt vô minh”.


Một tập sách dùng ngôn từ giản dị mà hàm chứa ý Đạo sâu xa được quần chúng nhiệt tình đón nhận và đã tái bản.

Năm 1935, Tổng hội Phật học Việt Nam tại Trung phần ra đời. Ngài được mời vào Ban Giảng sư của Hội.

Năm 1938, Hoà thượng Bổn sư về đảm trách trụ trì Tổ đình Báo Quốc, nên Ngài phải thay Thầy trú trì chùa Linh Quang.

Năm 1940, Cụ Hiệp tá Ưng Bàng phát tâm cúng sở vườn và được một số Phật tử cúng dường tịnh tài, nên Ngài đã xây dựng ngôi chùa Hiếu Quang trên mảnh đất này.

Năm 1945, Ngài đã chuyển chùa Linh Quang cho Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên – Huế làm nơi đào tạo Tăng tài và là cơ sở cho Tăng già sinh hoạt, Ngài trở về sống nhàn tịnh suốt đời nơi ngôi chùa Hiếu Quang khiêm tốn này. Chùa Hiếu Quang từng đã là nơi ngâm thơ, uống trà của Mai Lâm thi đàn mà Ngài là Giám đàn.

Ngài có nếp sống trầm mặc, ưa cảnh thanh bần đạm bạc, bản chất lại khẳng khái bộc trực, thường giao hiếu với văn nhân trí thức. Ngoài kiến thức Phật học, Ngài còn tinh tường về các thể thơ, đối liễn và cổ nhạc. Đối với nghi lễ Phật giáo, Ngài am hiểu cả Thuyết lẫn Tông; lại có một âm thanh kỳ đặc, là một bậc nghi lễ siêu đẳng như Hoà thượng chùa Châu Lâm tán thán: “Phạm âm vi diệu, liên xã đồng hoan”.

Trong con người nhàn tịnh ấy, Ngài lại có một nỗi lòng ưu thời mẫn thế và đã giãi bày hạnh nguyện lợi sinh của mình qua những ca khúc, những vần thơ, câu đối.

Như trong ca khúc Nam ai, Ngài đã tán dương ngày Phật đản sinh; trong điệu Tứ đại cảnh, Ngài dùng lời hướng dẫn mọi người quay về Tịnh độ, xa đời ngũ trược; Khúc ca Nam bình, Ngài có lời nêu cao tinh thần yêu nước thương nòi, bảo vệ giang sơn gấm vóc.

Trong tình Pháp lữ, Ngài luôn tán dương tuỳ hỷ, như qua câu đối tặng Hoà thượng Trí Thủ:

“Trung kiên trách tích, vạn hạnh viên dung,
nhậm vận tuỳ cơ hoằng đại đạo;
Nam độ ứng thân, tam căn phổ nhiếp,
lưu thông phú cảm giác quần sinh”.


Là một Đạo sĩ thường huân tu Phật pháp nên hành, trú, toạ, ngoạ đều là đạo cả. Qua một bữa ăn chiều, Ngài đã ứng khẩu thành thơ nói lên sự lợi ích của an bần, của thiểu dục như:

“Sống đơn sơ là thấy khoẻ tâm hồn,
Khỏi nặng bụng bởi mùi đời lộn xộn,
Không cao lương khỏi bận phiền cùng đốn,
Không ngon mồm khỏi vướng nợ sinh linh.
Đặng thanh tâm cho tuệ mạng trưởng thành,
Dễ tiêu hoá những nỗi niềm tham vọng.”


Trong cái nhàn tịnh như lánh đời thì nhiệt tâm vì đạo pháp và dân tộc bao giờ cũng nóng bỏng trong lòng Ngài.

Năm 1963, trong những ngày đầu của phong trào chống kỳ thị bất công, ở bài Điếu văn tưởng niệm chư anh linh Thánh tử đạo đã bỏ mình tại đài phát thanh Huế, âm ba của Ngài đã xoáy thẳng vào lòng người gây bao cảm xúc...

Khi những Phật sự nào cần đến, Ngài đều hoan hỷ đóng góp không từ nan.

Năm Đinh Tỵ (1977) và năm Tân Sửu (1981), Giáo hội tổ chức hai Đại giới đàn tại Tổ đình Báo Quốc, Ngài đều tham gia vào ngôi vị Tôn chứng. Năm 1982, Giáo hội suy tôn Ngài lên ngôi vị Hoà thượng và là hàng Giáo phẩm Chứng Minh của Giáo hội.

Ngài đã đóng góp cho Đạo và để lại cho đời những thành quả tốt đẹp về nghi lễ. Ngài đã làm trong sáng hoá và đậm nét nghệ thuật vị nhân sinh của nền nghi lễ Phật giáo. Bằng con đường này, Ngài đã xoa dịu biết bao nỗi đau của trần thế. Sự nghiệp thi phú cũng không kém phần tích cực. Cái lớn nhất phải nói là việc nuôi dưỡng rèn luyện đồ chúng. Đệ tử lớn của Ngài là Hoà thượng Thích Quang Thể, Uỷ viên HĐTS GHPGVN, Trưởng Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Đà Nẵng; Thượng toạ Thích Quang Nhuận, Trưởng ban Hoằng pháp kiêm Phó hiệu trưởng Trường Cơ bản Phật học Thừa Thiên – Huế, là những vị đang tích cực đóng góp vào sự nghiệp hoằng dương Phật pháp. Ngoài ra còn nhiều vị Ngài cũng đã dày công giáo dưỡng nên người hữu dụng.

Thời gian cuối đời: Trong những năm tháng khi tuổi ngoại cửu tuần, thân già sức yếu song trí tuệ Ngài luôn minh mẫn, bao giờ cũng sách tấn kẻ hậu học. Mỗi lần xuân đến, hạ mãn, chư Tăng trong Giáo hội đến đảnh lễ vấn an chúc thọ Ngài, song không bao giờ Ngài cho lễ lạy. Ngài lân mẫn ân ần chỉ dạy, khi nào cũng quan tâm đến tiền đồ của Đạo pháp. Bất cứ một sự việc gì xảy đến với Giáo hội Ngài cũng đều biết rõ và rất ưu tư. Ngài rất hoan hỷ khi nghe trình lên những thành tựu của Giáo hội và bao giờ cũng với những lời sách tấn, an ủi và ngợi khen.

Ngài còn trụ thế thì Tăng Ni Phật tử còn được che mát, ẩn mình dưới bóng đại thọ. Giờ đây, hoá duyên đã mãn, Ngài thu thần thị tịch vào lúc 4 giờ sáng ngày 9 tháng 01 năm Canh Thìn, tức ngày 13 tháng 02 năm 2000, hưởng thọ 93 tuổi đời và 68 Hạ lạp.
 
Tưởng niệm
Cố Trưởng lão Hoà thượng Thích Thiện Trí (1907 – 2000)

 
Hoà thượng Bổn sư chúng tôi thế danh Nguyễn Diệu sinh năm Đinh Mùi 1907 tại làng Đạo Đầu, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, xuất thân trong một gia đình nhiều đời theo Phật. Hoà thượng xuất gia năm 12 tuổi, 20 tuổi thụ giới Sa-di, 26 tuổi thụ giới Cụ túc.

Từ lúc xuất gia đến khi viên tịch, Hoà thượng là một tấm gương học tu và hành đạo không mệt mỏi. Quá trình tu học, Hoà thượng đã tham học với nhiều danh Tăng thạc đức như Hoà thượng Phước Hậu chùa Linh Quang, Hoà thượng Viên Thành chùa Tra Am, Hoà thượng Giác Viên chùa Hoằng Khê, Hoà thượng Phước Huệ chùa Thập Tháp. Quá trình hành đạo, Hoà thượng đã giữ nhiều vai trò quan trọng như Giảng sư, Trụ trì Tổ đình, xây dựng trùng tu phạm vũ, nuôi dạy chúng Tăng và giữ nhiều chức vụ trong các cấp Giáo hội qua các giai đoạn lịch sử.

Tuy phong cách thiền Tăng thoát tục,
Nhưng tâm hồn chí sĩ thi nhân,
Rung cảm tiếng lòng
Ưu tư thời cuộc.


Hoà thượng đã từng làm giám đàn cho thi đàn mai lâm, kết bạn vong niên với thi nhân họ phan, người khai sinh phong trào thơ mới, cũng như đã từng gặp gỡ nhà chí sĩ họ Phan, ông già bến ngự, rất là tâm đắc. Đánh dấu cuộc tao ngộ này, Hoà thượng đã lấy biệt hiệu tế nam trong tác phẩm Phật học thiển đàm và được nhà chí sĩ đề tựa, trong đó có bốn câu thơ:

Ai vào bể khổ vớt quần sinh,
Ức vạn Như Lai một quyển kinh.
Lời cạn ý sâu là Phật lý,
Khơi đèn Bát-nhã diệt vô minh.


Hoà thượng sáng tác nhiều văn thơ, ca nhạc, đối liễn nhưng không hề lưu giữ. Mỗi khi xúc sự tuỳ duyên thì như gửi hương cho gió, mac gió đưa đến ngàn phương, nên có ai hỏi xin sao lục thì chỉ cười mà rằng: ”Sự lai nhi tâm thuỷ hiện, sự khứ nhi tâm tuỳ không”.

Mãn cơ duyên, Hoà thượng đi vào cõi bất sinh bất diệt vào ngày 9 tháng giêng năm Canh Thìn 13-2-2000 được 93 tuổi đời và 68 Hạ lạp.
Nam mô Lâm tế chính tôn tứ thập tam thế huý thượng Tâm hạ Thái hiệu Thiện Trí Hoà thượng thuỳ từ chứng giám.
Cố đô Thuận Hoá năm BínhTuất (2006)
Tiết Trọng thu tháng tám ngày tốt
Môn đồ Pháp quyến, Học chúng Phật tử
Đồng chí thành đảnh lễ kính ghi
 
Bài thơ về Hoà thượng Trí Quang

 
Tâm như thiết thạch trí như gương
Can đảm trung kiên thật lạ thường
Tuyệt thực trăm ngày vì Đạo pháp
Hy sinh mấy độ dẹp ma vương
Thế gian tài sánh trang hào kiệt
Tôn giáo đức tày bậc đống lương
Danh lợi uy quyền xem thảo giới
Thanh cao tu sĩ chí hiên ngang.


Dạ sĩ Thiện Trí
 
Tác giả bài viết: Ban TT TT GHPGVN huyện A Lưới
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 551
  • Khách viếng thăm: 548
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 43991
  • Tháng hiện tại: 2852134
  • Tổng lượt truy cập: 88656737
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012