Giai thoại về vị Tam giáo Thiền tăng Phật Ấn Đại sư
Phật Ấn thiền sư (1032- 1098) thuộc tông Vân Môn, pháp danh là Liễu Nguyên, người Nhiễu Châu, Phù Lương, từ nhỏ đã đọc thông thạo các kinh điển của Nho học, 3 tuổi có thể đọc thuộc Luận Ngữ, chư gia thi, 5 tuổi thuộc hơn ba ngàn bài, lớn lên lại ham đọc kinh Phật, được gọi là thần đồng.
Thuở nhỏ Phật Ấn từng ở Trúc Lâm Tự đọc “Đại Phật đỉnh Lăng Nghiêm kinh”. Năm 19 tuổi ông lên Lê Sơn, học ở Thiện Thiêm thiền sư, sau đó lại theo học thiền sư Diên Khánh Tử Dung, được khen rằng “Cốt cách như Tuyết Đậu, thực là bậc anh tài trong tương lai vậy”.
Tới năm 28 tuổi Phật Ấn vẫn chuyên nghiên cứu Không tông, tới ở Thừa Thiên Tự Giang Châu. Sau đó ông từng trụ trì rất nhiều chùa khác. Hơn 40 năm, ông đi khắp các danh lam cổ tích, đức cao vọng trọng. Phật Ấn xây dựng Bạch Liên xã, hoằng dương tư tưởng Tịnh Độ.
Vua Thần Tông từng sắc tứ cho bát vàng để biểu dương đức hạnh. Đệ tử của Phật Ấn có Nghĩa Thiên, Diên Đức... Phật Ấn và Tô Đông Pha có mối giao thiệp rất gần gũi với nhau.
Phật Ấn là một vị tăng có khí chất của Tam giáo chứ không phải là một tăng nhân thuần tuý. Nếu coi Phật Ấn là một tăng lữ Phật giáo chẳng bằng coi là một đạo tăng. Nho học trong ông cũng dùng để kết hợp Phật và Đạo.
Có lần khi trở về Kim Sơn Tự ở Lô Sơn, ông đội mũ đạo sĩ, đi dép nhà nho, khoác áo cà sa, vừa thể hiện sự kiêm dung của tam giáo vừa thấy được tinh thần phóng khoáng của ông. Tư tưởng này về sau cũng hình thành nên phong cách của một tông phái.
Phật Ấn từng có một thời gian làm quan lại địa phương, tới năm 28 tuổi thì mới xuất gia. Dẫu là người kế thừa pháp thống của Thiện Thiêm, nhưng hành động và suy nghĩ lại có tư tưởng rất nhập thế. Ông thường tham gia tiệc rượu, cao đàm khoát luận với những bạn bè ngoài đời.
Một trong những người bạn rất thân của Phật Ấn chính là Tô Đông Pha. Đại thi hào đời Tống hai người thường uống rượu ngâm thơ, lại còn hay chơi đùa trêu chọc nhau. Phật Ấn so với Tô Đông Pha thì vẫn là một người thật thà, nên thường bị Tô Đông Pha bắt nạt.
Tô Đông Pha mỗi lần như thế đều rất lấy làm thích chí... Một hôm hai người đang ngồi tham thiền,Tô Đông Pha liền hỏi: “Ngài thấy tôi giống cái gì?” Phật Ấn trả lời: “Trông như một vị Phật”. Tô nghe xong sung sướng lắm, cười lớn rồi nói với Phật Ấn: “Ngài biết tôi nhìn thấy ngài giống gì không? Trông giống một đống phân”. Phật Ấn chẳng nói gì cả.
Tô Đông Pha về nhà nói với Tô Tiểu Muội. Tô Tiểu Muội chỉ nhìn anh của mình vừa cười vừa nói: “Ngộ tính chỉ có thế mà cũng đòi tham thiền cơ đấy, anh có biết người tham thiền thì quan trọng nhất ở đâu không?
Đó chính là kiến tâm kiến tính, trong tâm có thì mắt có. Phật Ấn nói anh là một vị Phật, chính là nói trong lòng Phật Ấn có Phật. Anh nói anh nhìn thấy một đống phân, thế nghĩ xem trong lòng anh có gì thì tự biết!”.
Tô Đông Pha, Phật Ấn và Hoàng Đình Kiên ngồi uống rượu.
Tô Đông Pha với Hoàng Đình Kiên cùng ở trong Kim Sơn Tự. Một hôm, hai người làm bánh để ăn. Hai người thoả thuận là lần này làm bánh nhất định không nói với Phật Ấn.
Một hồi lâu, bánh thì đã chín rồi, hai người ngồi tính số bánh, trước hết hiến một ít bánh lên trước đài Quan Âm Bồ Tát, rất cung kính lễ bái, cầu khấn một thôi một hồi. Không ngờ Phật Ấn đã biết trước nên núp ở sau rèm, lợi dụng lúc hai người lễ bái, thò tay ra lấy hai miếng bánh.
Tô Đông Pha bái xong, đứng dậy, thấy hình như thiếu mất hai miếng bánh, lại quỳ xuống mà cầu khấn rằng: “Quan Âm bồ tát quả thực là thần thông, ăn liền hai miếng bánh, sao không hiện thân?” Phật Ấn ở sau rèm nói vọng ra rằng nếu ta mà có ở đây thì hẳn đã ra ăn cùng với mấy người rồi, đâu dám tới để làm phiền.
Mỗi khi nhà Tô Đông Pha mời khách, Phật Ấn đều chẳng mời mà tự đến. Vào một buổi tối Tô Đông Pha mời Hoàng Đình Kiên chơi Tây Hồ, trên thuyền có rất nhiều rượu thịt.
Thuyền vừa rời khỏi bờ, Tô Đông Pha đã cười mà nói với Hoàng Đình Kiên rằng Phật Ấn mỗi lần có tiệc tùng thì đều chạy đến được, hôm nay ta đi thuyền tới giữa hồ uống rượu ngâm thơ, chơi cho thật vui, Phật Ấn thế nào cũng chẳng thể tới được.
Nào ai biết được Phật Ấn vốn đã sớm nghe được tin tức Tô Đông Pha và Hoàng Đình Kiên tới hồ để chơi, nên đã chuẩn bị sẵn trước lúc hai người còn chưa lên thuyền thì đã trốn ở trên thuyền rồi.
Trăng soi vằng vặc giữa trời, gió mát đưa hương hoa sen khắp hồ, thuyền từ từ đi về phía tam đàn ấn nguyệt. Tô Đông Pha nhấp chén rượu, tay vuốt râu, rất vui mà nói với Hoàng Đình Kiên: “Hôm nay chẳng có Phật Ấn, quả cũng có thêm phần thanh tịnh, trước tiên chúng ta lấy thơ làm tửu lệnh”.
Tô Đông Pha làm thơ trước, đọc: “Mây trắng mở ra, trăng rằm tỏ rõ, trời kia nói gì, trời kia nói gì?” Hoàng Đình Kiên nhìn thấy đầy hồ hoa sen đang nở, tiếp đó liền nói: “Sen biếc nở ra, cá bơi hiện rõ, được thế còn gì. Được thế còn gì!”.
Đến lúc đó Phật Ấn ở dưới thuyền nhịn không được nữa, nghe Hoàng Đình Kiên nói xong thì mở nắp thuyền chui ra nói: “Ván thuyền mở ra, Phật Ấn tỏ rõ, chẳng nhịn nổi rồi, chẳng nhịn nổi rồi”. Tô Đông Pha và Hoàng Đình Kiên nhìn thấy dưới thuyền có người chui ra, giật nảy mình, nhìn kĩ lại, hoá ra là Phật Ấn, lại nghe nói có bốn câu thơ như thế, chẳng nhịn được cười.
Tô Đông Pha kéo Phật Ấn lại ngồi, nói rằng: “Ông trốn giỏi lắm, đối cũng tuyệt diệu, hôm nay lại vẫn bị ông bắt được”. Nói xong ba người lại cùng nhau cười nói vui vẻ, tiếp tục thưởng nguyệt trên hồ.
Phật Ấn tuy là người xuất gia, nhưng không kiêng việc uống rượu thịt. Hôm đó, Phật Ấn rán cá để uống rượu, đúng vào lúc Tô Thức tới thăm. Phật Ấn vội vội vàng vàng giấu cá vào dưới mõ. Tô sớm đã ngửi thấy mùi cá, nhưng vào trong phòng thì đã không thấy đâu.
Tô lại nhớ tới lần trước bị Hoàng Đình Kiên chọc, trong lòng nghĩ ra một kế nên cố ý nói rằng: “Hôm nay tới muốn thỉnh giáo đại sư một chuyện. Sau câu: "Hướng dương môn đệ xuân thường tại" là câu gì?”
Phật Ấn thấy bạn mình nói tới câu thơ mà cả hai người cùng đều quen thuộc đó liền tiện miệng nói luôn câu sau: “Tích thiện chi gia khánh hữu dư”. Tô Đông Pha vỗ tay nói trong khánh (mõ) đã có ngư (dư) sao lại không tích một chút thiện, đưa ra cùng ăn đi chứ?
Ở đây Tô Đông Pha đã dùng cách chơi chữ khánh là mõ, dư đồng âm với ngư, nghĩa là cá. Quả thực cũng rất tài tình.
Năm Nguyên Phong thứ 8 thời vua Thần Tông, khi đó người giữ chức là Tăng thống Cao Ly (tương đương với chức Tăng hoàng của Thái Lan bây giờ) là Nghĩ Thiên hoà thượng tới thăm Trung Quốc, vừa là thăm hỏi bang giao giữa hai nước, sau đó nhân tiện đi xem phong cảnh, tham học cầu đạo. Ông từ Nam tới Bắc, các chùa miếu ở phương Bắc đều tham bái hết, sau đó mới tới Kim Sơn Tự.
Các chùa ở phương Bắc đều nghênh đón một cách nhiệt tình như nghênh đón các vị vương công đại thần khác vậy. Có điều, khi Nghĩa Thiên tới Kim Sơn Tự, Phật Ấn vẫn cứ ngồi ở trên giường tọa thiền, nhận lễ bái xong sau đó mới lấy lễ khách quý mà tiếp.
Nhưng Tăng thống hoà thượng Nghĩa Thiên vẫn rất cung kính, không hề có một thái độ gì là giận hay trách móc. Một số người thấy điều đó lạ lắm. Khi đó có những người được triều đình phái tới để làm tuỳ tùng tên là Dương Kiệt, liền hỏi Phật Ấn rằng:
“Tại sao thiền sư lại vẫn ngồi trên giường mà tiếp nhận lễ tham bái của Nghĩa Thiên? Đây so với các nơi khác có nhiều khác biệt, điều này chẳng phải là hơi thất thố sao?”
“Làm sao có chuyện đó. Ông không thấy sắc mặt của Nghĩa Thiên sao?”, Phật Ấn trả lời. “Điều đó thì không có thấy, quả thực cũng làm tôi hơi khó hiểu”, Dương Kiệt nói. “Đúng thế, chính bởi ông không hiểu, và cả những người đồng đạo ở nơi khác cũng không hiểu nữa là. Mong thiền sư giải đáp giúp”, Dương Kiệt khẩn thiết cầu xin.
Phật Ấn liền đáp lời mà giải thích rằng: “Bất cứ một vị tăng nhân, bất luận chức vị như thế nào, hành hương tới các tùng lâm khác đều phải dựa theo luật của Phật để tiến hành lễ bái”. “Vâng, điều này thì tôi biết”, Dương Kiệt nói.
Phật Ấn lại bổ sung thêm rằng: “Nghĩa Thiên tuy là Tăng thống của Cao Ly, nhưng dù sao cũng chỉ có thể là một vị tăng nhân, tự nhiên phải chiếu theo tăng chế của tùng lâm, không thể tuỳ tiện thay đổi. Huống hồ Phật đã từng nói:
“Bốn sông vào bể, không còn tên sông, trăm họ làm sa môn, đều xưng họ Thích”. Không thể nào vì giàu sang hay nghèo hèn mà làm hỏng giới luật được.
Trước khi viên tịch một thời gian, tăng chúng ở Vân Cư Tự mời một vị hoạ sĩ tên là Lý Lân tới vẽ tranh cho Phật Ấn. Phật Ấn nói nếu muốn vẽ tranh cho ta thì nhất định phải là tranh đang cười, chứ nếu mặt mày ủ rũ thì ta sẽ không chấp nhận đâu.
Lý Lân nói: “Hoạ người vẽ sơ lược là hình dáng đơn giản nhất, sau đó tới buồn, tiếp đó mới tới trầm tư, khó nhất vẫn là cười”. Lý Lân nhận lời vẽ cho tới khi nào Phật Ấn vừa ý mới thôi. Vẽ không biết bao nhiêu lần, cuối cùng Lý Lân cũng được một bức cười rất đắc ý, Phật Ấn rất hài lòng.
Không lâu sau giữa ngày mùng 4 tháng 1 năm Nguyên Phù thứ nhất, trong lúc cười cười nói nói với các tăng chúng thì ông viên tịch, hình dáng y như trong bức tranh mà Lý Lân mới vẽ cách đó không lâu. Phật Ấn thọ 67 tuổi, pháp lạp 50 tuổi, được triều đình phong hiệu là Phật Ấn Thiền Sư.
Theo Tiểu Chi - PNTD
thiền sư, pháp danh, thông thạo, kinh điển, nho học, có thể, luận ngữ, gọi là, thần đồng, trúc lâm, sau đó, anh tài, tương lai, nghiên cứu, thừa thiên, trụ trì, danh lam, cổ tích, cao vọng, xây dựng, liên xã
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...
Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.
Ngày thành lập : 12-09-2012
Ý kiến bạn đọc