Nhớ những buổi trưa nắng như đổ lửa đám nhóc loi nhoi thường có vài điểm hẹn góc me góc mít nào đó với vài trò chơi inh ỏi khuấy động cái xóm nhỏ im lìm, khiến cho những giấc mơ trưa thiu thiu ngủ của nhiều người không no giấc, thế là mấy bà già chống gậy qua nhà mắng vốn. Và như thường lệ, ông nội sẽ rượt tôi chạy dài hết xóm, thương ông không bao giờ đuổi kịp, không biết tại vì tay ông vướn cây roi dài, hay cố ý chạy chậm hơn thằng nhỏ để nó đỡ bầm mông. Mấy bà già ngồi hàng ba nhai trầu bỏm bẻm cũng gật gù hả dạ khi thấy ông cháu nó chơi trò đuổi bắt.
Các cụ quê tôi tuy ít chữ hiếm học nhưng đối đãi thì hết xảy, con cháu bị hàng xóm rầy la là thế nào về nhà cũng bị bầm mông một trận. Ông hay nói: “Mình có quấy thì người ta mới rầy, còn cải hả, cải nè, cải nè...” - nên rút kinh nghiệm thường tui sẽ nằm im thút thít, thấy thương nên trận đòn kết thúc sớm hơn dự định.
Lớn rồi, lâu rồi hông được ăn cây roi nào. Tất nhiên dù cố gắng sống tử tế nhưng cũng thường bị người này người nọ, trách móc, chê bai cái này cái nọ. Nhưng may thay học được vài con chữ hay ho nên vận vào đời sống. Trước những tị hiệm khen chê mình cứ khoác lên đó cái thái độ “không quan tâm” - vì tôi rất “tự tại”, hay ta cứ sống với chính mình (mặc cho ta có đang là một chính mình với đầy rẫy truỵ lạc buông lung, một chính mình đi vào ngõ tối). Nên ta vẫn ngạo nghễ tự tại như nhiều người vẫn vậy, nguy thay!
Sống một đời trần trụi, với mọi biểu hiện xung quanh mình chánh báo y báo điều là kết quả của nghiệp cảm mà lầm tưởng mình như một bậc Thánh tự tại rong chơi giữa đời, bỏ ngoài tai mọi khen chê góp ý. Bước lên diễn đàn phổ thông đại chúng, mỉm cười gật gù với những lời hoa mật thơm tho, rồi dửng dưng khinh chê trước những lời trái chiều góp ý. Tự tại hay tự hại đời mình?
Đôi khi ta nhập nhằng không phân biệt hoặc cố ý bước qua ranh giới rõ ràng giữa hai khái niệm: tinh thần TỰ TẠI và lối sống vô TÀM vô QUÝ (không hổ thẹn).
Trước một lời chê bay phỉ báng, đừng vội lướt qua hãy xem lời này được thốt ra từ ai, nếu đó là lời của bậc Trí, là cộng hưởng của số đông, là tâm tình của tri kỷ thì quả thật nó vô cùng đáng giá và chân thật. Vì chúng ta là phàm phu trầm nịch nên đừng vội khoác lên chiếc nhung y tự tại được dệt nên cho bậc Thánh, hãy xem mình là kẻ cơ hàn thận trọng được phục sức trang nghiêm bởi Tàm và Quý.
Nhớ linh xưa từ Kusinagar, khi những cánh Sa La cuối cùng rơi xuống, Đức Điều Ngự còn thổn thức dặn dò: “TÀM sỉ chi phục, ư chư trang nghiêm, tối vi đệ nhất. Tàm như thiết câu, năng chế nhân phi pháp... Hữu QUÝ chi nhân, tắc hữu thiện pháp. Nhược vô quý giả, dữ chư cầm thú, vô tương dị dã”. Biết hổ biết thẹn là phục sức trang nghiêm và đẹp đẽ nhất để mình vững bước trang nghiêm giữa đời. Không biết hổ thẹn thì khác chi lục súc, bại hoại mọi điều lành, phá tan mọi công đức.
Giữa cái nóng bừng bừng như chảo lửa nhiều thứ bị bốc hơi khô cạn. Chợt nhớ buổi trưa hè ông nội cầm roi rượt thằng nhỏ là mình, lăm le chiếc roi dài, vừa chạy vừa rầy: “Mày phải quấy phải sai thì người ta mới mắng!”.
Thỉnh thoảng vẫn thấy chiếc roi dài vươn tới hôm nay khiều nhẹ giật mình.
loi nhoi, trò chơi, inh ỏi, im lìm, giấc mơ, thiu thiu, thế là, thường lệ, ông nội, bao giờ, đuổi kịp, bỏm bẻm, gật gù, hàng xóm, rầy la, thế nào, người ta, kinh nghiệm, thút thít, kết thúc, dự định
Mã an toàn:
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...
Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.
Ngày thành lập : 12-09-2012
Ý kiến bạn đọc