Năm tôi lớp 6, một hôm, thằng bạn ngồi cạnh tôi hỏi tôi: "Ê, mày có đi chùa không?".
Tôi đáp:"Có chứ, Tết nào sau giao thừa nhà tao cũng đi chùa cả nhà thắp hương cầu may".
"Không! Đi chùa học giáo lý với chơi cơ!" - Nó lên giọng
"Ơ, chùa mà cũng có học với chơi á, tao tưởng người ta chỉ cúng với thắp hương thì mới lên chùa thôi". - Tôi thắc mắc
"Mày đi không, chủ nhật này đi với tao". - Nó nói
"Đi thì đi"- tôi thách thức
Nhà tôi trong xóm đạo Công giáo vùng Hố Nai - Gia Kiệm, ba tôi là Đảng viên, trong nhà chỉ thờ ông bà. Nghe ba mẹ tôi kể, nhà tôi có gốc làm thầy phù thủy, nghề Thuốc gia truyền nữa. Nhưng nghiệp phù thủy thì hết từ đời ông cố, còn nghề thuốc, ông tôi đột tử nên cũng chẳng truyền lại được cho ai.Nhỏ đến lớn tôi nghe và biết đến chùa như một điều gì đó linh thiêng lắm, chỉ dành cho những ông cao bà cố. Còn những người ở trong chùa, chắc họ mồ côi không nơi nương tựa, hoặc thất tình,... tôi nghe người lớn nói vậy.
"Đến chùa để học, để chơi" - Như kích thích sự tò mò của cậu bé 11 tuổi, sáng hôm đó tôi thức dậy thiệt sớm, lén ra cửa sau rồi kêu Mẹ 2 (chị ruột của Ba-người chiều tôi nhất nhà) đóng cửa và nhắn lại với Ba Mẹ tôi rằng hôm nay tôi đi chùa. Ra khỏi nhà, run run, sợ sợ, cầm quyển tập cây biết mà rớt lên rớt xuống, vì Ba Mẹ tôi khó lắm, đi mà không xin phép thì bị đòn, mà xin phép thì chưa chắc cho đi.
Tôi lên nhà bạn lúc 5h30 sáng nhá nhem, nó ngủ chưa dậy, má nó kêu đi gì sớm dữ. Tôi hồi hộp chờ. Khoảng 7h00, mấy đứa lóc chóc trong khu của tui cũng tập trung, cỡ 20 đứa. Rồi 1 chiếc xe lam tới, chở chúng tôi lên chùa Phước Viên - Biên Hòa, cách nhà tôi 5km. Lâu lâu tôi mới được đi xa như vậy, con đường lạ lẫm làm tôi cứ cúi cúi nhìn qua khe chắn xe để nhìn mọi thứ xung quanh.Chúng tôi đến chùa, tôi ngạc nhiên, tròn xoe mắt vì có rất nhiều đứa trẻ giống tôi nó đã đến chùa từ khi nào, chúng mặc áo màu khói lam, quần dài. Đứa thì trèo cây, đứa thì rượt bắt, đứa thì leo lên ghế chọn bánh mì của tiệm bánh mì trước chùa. Không khí vui lắm, như một trường học vậy.
Nhóm chúng tôi bước vào chánh điện, chị trưởng nhóm gõ ba tiếng chuông, chúng tôi lần lượt lạy xuống. Nào là lạy không được chổng mông, nào là đầu, 2 tay, 2 chân phải sát đất, lần đầu tiên tôi được nghe người ta hướng dẫn lạy Phật. Sau đó chúng tôi được dẫn lên tầng 2, một phòng nhỏ có thờ Phật và một vị Hòa thượng (sau này tôi mới biết đó là Tổ sư Liễu Quán).
Chúng tôi được sắp xếp chỗ ngồi, một chị Phật tử cỡ 20 tuổi hướng dẫn chúng tôi đọc kinh và kể cho chúng tôi nghe câu chuyện "Lòng hiếu chim oanh vũ". Sau đó, có một vị mặc áo nâu xuất hiện, mấy đứa gọi là "Thầy", tôi cũng gọi theo. Thầy nhìn dữ lắm, mặc chiếc áo nâu vá vài chỗ, Thầy bước vào với khuôn mặt nghiêm nghị. Và mọi sợ hãi tan biến khi Thầy cất lời chào và cười với chúng tôi. Hôm đó Thầy nói cho chúng tôi biết về Đức Phật, ông Phật có thật, ông ấy sinh ra Nepal - Ấn Độ, vào mùa trăng tròn tháng tư năm 624 trước công nguyên. Rồi những câu nói như: "Em cười hoa nở xinh tươi, em hờn em giận xấu ình mặt em/ Thương yêu thuận thảo là cô Tấm, ganh ghét hầm hầm con Cám điên". Những điều ấy, tôi chưa đọc lại lần thứ 2, nhưng tôi nhớ đến tận bây giờ.
Đang ngồi nghe, bỗng tôi ngửi một mùi rất thơm, mùi của thức ăn. Thằng bạn nói, nhà bếp gần đây và đó là mùi đậu hũ sốt cà chua. Thế là tôi háo hức chờ bữa ăn.Sau khoảng 45 phút đọc kinh và nghe kể chuyện, chúng tôi được giải lao, tôi lang thang khắp chùa, tất cả đều lạ lẫm với tôi. Có một nhóm anh chị tụ tập dưới gốc cây phượng, người ta đang đập đập quả phượng, tôi tiến gần, nhìn một hồi, một chị cỡ chừng lớp 9, đưa tôi một hạt phượng và nói: Em ăn không?Tôi ngớ người ra, chẳng lẽ hạt phượng ăn được. Ai cũng bảo ăn được, không chết đâu em. Tôi bỏ vào miệng, nhai, nó ngọt, ngọt như tình người giữa những con người lạ lẫm với nhau vậy!
Bỗng tôi nghe âm thanh phát ra từ phía trong chùa, giống như là tiếng người ta gõ vào tấm gỗ. Mấy anh chị bảo, đến giờ cơm rồi, vào ăn cơm. Tôi theo mấy anh chị vào chọn một chỗ và đứng ngay ngắn. Lần đầu tiên trong đời, tôi trải nghiệm được bữa cơm chùa, đúng như ý nghĩa của nó, "bữa cơm giải thoát", mọi cảm giác đến bây giờ tôi vẫn cảm nhận được. Tại sao ở chùa ăn cơm phải đọc kinh trước khi ăn, tại sao người ta lại ăn bằng muỗng và gắp bằng đũa, tại sao người ta lại rót nước vào chén ăn vừa xong và uống nước đó, tại sao ăn xong phải đi xung quanh chùa mấy vòng từ phải qua trái. Những thắc mắc ấy, giờ tôi đã hiểu,...
Sau bữa cơm, chúng tôi được hướng dẫn đi ngủ trong chánh điện, chùa to thiệt to nên mát thiệt mát, chúng tôi ngủ thật ngon. Buổi chiều chúng tôi được các anh chị cho chơi vòng tròn, vui lắm. Khoảng 4h chiều chúng tôi lên xe về. Và hôm đó tôi bị đòn. Một ngày lịch sử đời tôi.
Những chủ nhật sau đó tôi lén Ba Mẹ tôi đi tiếp, và dĩ nhiên tiếp tục bị đòn. Mãi sau này khi tôi có vẻ tiến bộ hơn trong sự tự lập. Ba Mẹ tôi mới bỏ đi quan điểm đến chùa chỉ dành cho người già và kẻ buồn chán sự đời.Tôi lớn lên trong môi trường như thế, ngoài ngày học bình thường, tôi chỉ mong đến chủ nhật để tôi đến chùa, tôi thấy vui và thoải mái lắm.
Sau này tôi xa nhà đi học Đại học, tôi vấp ngã, những điều tôi nghe tai nọ lọt tai kia năm nào lại là phương thuốc thần thánh vớt tôi ra khỏi khổ đau. Tôi tin Phật nhiều hơn và lo tu sửa bản thân mình nhiều hơn. Và tôi thấy mình tiến bộ theo thời gian. Ba Mẹ tôi cũng tiến bộ theo thời gian, nhà tôi giờ đã thờ Phật, Ba tôi hằng ngày đều thắp hương cúng Phật, Mẹ tôi cũng biết niệm Phật, tuy mới chỉ dừng lại ở sự cầu nguyện, nhưng tôi thấy vui lắm. Hàng xóm ai cũng thấy sự cải thiện về tinh thần trong cuộc sống nhà tôi, và họ kính trọng Đạo Phật hơn.
Tôi bước ra ngoài cuộc sống, tôi cứ ngỡ ở đâu cũng giống ở chùa tôi, Thầy cũng giống, bạn cũng giống, tình người cũng giống. Nhưng tất cả sụp đổ trong tôi bởi quá nhiều sự đa đoan của cuộc đời len lỏi. Ngày Hôm nay, một ngày ở chùa Giác Thế, tôi thấy đâu đây bóng dáng của tôi năm nào, tôi thấy đâu đây bóng dáng của vị Thầy áo vá năm nào, tôi thấy đâu đây niềm tin và lý tưởng của tôi.
Có những lời tri ân không thể nói hết được, xin để cuộc đời tôi nói lên lời cảm tạ.
"Một ngày ở chùa Giác Thế"
Huế, 21.6.2015
Mã an toàn:
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...
Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.
Ngày thành lập : 12-09-2012
Ý kiến bạn đọc