Bồ tát Quán Thế Âm là ai, là đàn ông hay đàn bà?

Đăng lúc: Thứ hai - 19/05/2025 21:31 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Có thể trả lời bằng lịch sử khảo cứu, bằng biểu tượng trong điêu khắc, hội hoạ. Nhưng với tôi, Bồ tát Quán Thế Âm đến từ kinh Pháp Hoa. Một bộ kinh đại thừa cổ xưa trên đất Ấn. Một vương kinh của lời, của ngữ ngôn pháp âm phương tiện đà la ni…
Hãy đọc một phẩm trong đó để hiểu Bồ tát Quán Thế Âm là ai, thay vì quan tâm chuyện giới tính và tranh luận về chuyện tiểu thừa hay đại thừa.
 
Với tôi, Bồ tát Quán Thế Âm là thuộc tính lắng nghe của Con Người trong bản chất Phật. Nói cách khác Ngài là một hữu thể vô thể có thể lắng nghe hết thảy mọi âm thanh.
 
Người ta có thể nói ở đâu có nước ở đó có sự sống. Nhưng rất khó để người ta nói ở đâu có nghe ở đó có sự sống. Vì có nghe nên mới có lòng trắc ẩn, vì có nghe nên mới có cứu khổ ban vui…
 
Âm thanh là ngôn ngữ của tồn tại, trong kinh miêu tả rất nhiều loại âm thanh như tiếng sấm, tiếng nước, tiếng suối, tiếng gió, tiếng lá lao xao, tiếng bò tiếng chạy, tiếng thở, tiếng cười, tiếng hát…
 
Vì tiếng là những rung động của sự sống. Tiếng nói của con người và “tiếng nói” của mọi loài đều là những định dạng ngôn ngữ, lắng nghe được điều ấy thì mới có thể tiến xa hơn vào pháp giới.
 
Chư Phật trong mười phương thế giới vẫn hỏi han nhau. Nếu một ngày mà ta không thể hỏi người, hỏi nắng, hỏi gió, hỏi mây, hỏi tiếng chim trời, thì nhân gian này khác nào nghĩa địa.
 
Bản thân tôi khi tụng kinh Pháp Hoa, tôi không quan tâm lắm đến những triết luận cao siêu, vì nó vốn là nguồn gốc của sự tò mò triết lý mà ai cũng muốn diễn giải.
 
Tôi bắt đầu tập lắng nghe từ những lời phát ra trong kinh Pháp Hoa mỗi khi trì tụng. Vì trì tụng phải lắng nghe mới đi vào những vòng tròn ánh sáng, đi vào tiếng, vào mùi, vào những câu thần chú của các loài…
 
Tôi cho rằng tư duy bằng khái niệm, bằng logic triết học chỉ cho ta các kỹ năng chống đỡ tạm thời với truyền thông phản biện. Nó không cho ta đi vào thế giới tự do mà trong đó âm thanh được xem như là chiếc áo giáp của tồn tại.
 
Nếu bạn nghe những từ như “vầng mây sáng rỡ” thì bạn chỉ liên hệ đến những vầng mây mà thị giác của bạn từng lưu trữ được. Nhưng nếu bạn nghe những từ như “vầng mây sáng rỡ đại trí tuệ” thì hoặc bạn sẽ chẳng hiểu nó muốn nói gì, hoặc bạn sẽ bừng tỉnh để đi vào thực tại tồn tại khác, nơi mà bạn có thể nghe được nhìn được nó.
 
Ta không phải cái thấy của người thấy, cái nghe của người nghe, vì thấy nghe kia là giới hạn tồn tại của mỗi cá thể biệt lập.
 
Cái giết chết tồn tại và giết chết khả năng di chuyển vào thế giới âm thanh chính là tư duy khái niệm kết hợp với tư duy logic một cách máy móc, nhằm chống đỡ cho các lập luận đang hiện hữu. Cho nên tư duy khái niệm giống như hoa giả gắn vào cành khô vậy.
 
Ở đây, cũng cần phải xem lại những phát ngôn về “cái đang là” thô kệch mà người ta nói theo nhau như một cái máy thu âm.
 
Nếu “cái đang là” chỉ nhìn bằng con mắt thô lậu của phù trần căn thì giống như nhìn con tắc kè đang không có màu, và sẽ không thể biết các sắc màu khác đang khởi động, chuyển hoá không ngừng nơi làn da tưởng chừng không có màu kia của chúng. Huống chi cái tưởng chừng như “không có màu” kia cũng chính là “màu” trong vô lượng nấc thang màu mà ngôn ngữ định danh (bằng những khái niệm rất tĩnh như: xanh, đỏ, tím, vàng) không chạm tới hết được. Cái định danh “rõ mồn một” giống như cách nói “cái đang là” ấy đã sai ngay từ ban đầu bởi chính sự định danh bằng sở kiến cho khái niệm “cái đang là” của mình.
 
Con người làm sao có thể tự do khi họ bị giam trong những cái lồng đã bị định danh. Bởi chính mỗi ngôn ngữ phát ra là công cụ cho những chiếc lồng giam giữ tồn tại. Những chiếc lồng chụp xuống những chiếc lồng và con người lại gào thét phải phá lồng để được tự do.
 
Thổ địa là ai? Bạn sẽ nghĩ tôi bị điên khi “cảm ơn thổ địa”. Nhưng nếu bạn lắng nghe kỹ từ “cảm ơn thổ địa” bạn đã có vẻ như đang mơ hồ bước vào một thế giới khác trong một hình dung có thể đang vụn vỡ, chắp vá nào đó phải không?
 
Họ trách nhau về nhầm lẫn và ngộ nhận, nhưng chính cái đang khẳng định đó vốn dĩ đã mang trong nó sự ngộ nhận về cảnh giới, màu sắc, âm thanh…
 
Có khi nào bạn cho rằng sự tồn tại của nước là bằng chứng cho sự sống? Và có khi nào bạn cho rằng chính bản thân bạn là sự sống của nước?
 
Duyên sinh như huyễn, vậy thực tại của “cái đang là” ở đâu? Nếu bạn nhìn “cái đang là” máy móc như vậy thì bạn thua cả con chim, vì con chim nhìn thấy bạn tiến đến gần nó còn biết phân biệt bạn là ai để bay hay không bay đi.
Bạn nhìn thấy con hổ đang tiến đến, và bạn nghĩ rằng chỉ cần biết nó là “cái đang là” là đủ, không cần thêm thắt gì chuyện con hổ nó sẽ vồ bạn hay không phải không?
 
Khi bạn đang nói người khác thêm thắt vào chính những điều đang nhìn thấy, thì chính bạn đang suy diễn, gán ghép về họ bởi cái thấy của họ chắc chắn không phải cái thấy của bạn.
 
Vì vốn dĩ bạn luôn nhìn mọi thứ qua một lăng kính mà bạn cho rằng nó đã hoàn hảo. Nếu bạn không thay một chiếc kính khác có tầm nhìn xa rộng hơn thì mãi mãi lăng kính ấy sẽ làm chủ âm thanh, ngôn ngữ của bạn.
 
Con người không có lựa chọn nào khác bởi một cái ống bịt kín hai đầu, bên này là sinh và cuối bên kia là tử.
 
Nếu xem sinh tử là việc lớn, thì chính từ những hiện hữu ấy mà con người lo lắng đặt câu hỏi, làm sao để ra khỏi sự ràng buộc sinh tử kia.
 
Chính khi đặt câu hỏi, con người bắt đầu nghĩ về định mệnh, nghĩ về nghiệp và vẫy vùng quẫy đạp, bằng mọi cứu chữa, mọi khẩn cầu, mọi hiệp lực. Và rồi với bao nhiêu thành quả huy hoàng cũng phải bước dần vào nấc thang trật tự của sinh, lão, bệnh, tử.
 
Chiếc lá rơi từ đâu? À thì chiếc lá rơi từ vô minh. Đừng vội dừng lại ở chỗ vô minh bưng tối, hãy nhún thêm một câu hỏi nữa, vô minh rơi từ đâu? À, nếu cứ tiếp tục, hố thẳm hư vô sẽ xuất hiện. Con người lười suy nghĩ nên thường đóng khung tư duy trong những cái trí khôn đã đóng sẵn. Tiếc rằng cái trí khôn đóng sẵn kia có nguy cơ bị Al vượt qua.
 
Tất cả muốn nhanh gọn hãy hỏi Al. Câu thành ngữ “bóc ngắn cắn dài”, “hết nạc thì vạc đến xương” lặp lại trên trí khôn của loài người.
 
Rồi đến một lúc, ăn cũng Al, ngủ cũng Al. Al cho chúng ta một thứ chủ nghĩa vì ta không tự tin hết vào sự tìm kiếm của chính mình đối với thực tại có quá nhiều ngăn che. Những thứ đã được định hình, được đóng khung bằng tư duy khái niệm nhưng lại làm thoả mãn giới hạn của những giới hạn.
 
Thử hỏi Al, tại sao con người không thể hồn xác về trời? Al sẽ có câu trả lời ngay tức khắc. Lại hỏi Al, hồn xác về Trời là một sự bịa đặt hư cấu chăng? Al cũng có câu trả lời ngay tức khắc.
 
Có nghĩa rằng những dự kiện vẫn luôn bị đóng khung bởi ngôn từ. Từ ngôn từ sinh ra sự thoả mãn hay không thoả mãn các kiến thức đã định hình lên mọi chủ nghĩa, tư tưởng…
 
Hãy thử lắng nghe một tiếng gọi từ không trung.
 
Âm thanh là lời của Chúa, là vô ngôn của Phật…
 
Âm thanh hỗn độn giữa các loài vẫn va chạm một cách hài hoà dù chẳng ai biết hết những âm thanh kia là gì. Và các ông già triết học sừng sỏ lại chụm đầu, lại nâng trà, lại tản bộ hỏi nhau, “cá có biết buồn không?”.
 
Khi ấy cụ Nguyễn Du khiêm tốn chen vào: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, rồi ngồi khóc thương cho thập loại cô hồn chúng sinh.
 
Giới hạn của mọi giới hạn là trò chơi sinh tử, mà nghiệp, mệnh là những ngôn từ triết học sinh ra từ đường ống đã bị bịt kín hai đầu.
 
Kẻ nào đang tâm bịt kín hai đầu ấy để chặn đứng bao ước mơ, khát vọng, nỗ lực của con người. Để con người lại ngộ nhận rằng mình đến đây bằng một sứ mệnh. Đó là sự an ủi phát ra từ những thứ được lập trình, cài đặt sẵn…
 
Dạ đã quên chưa trả lời, kẻ bịt kín hai đầu kia là ai? Nguyễn Gia Thiều gọi đó là “Trẻ tạo hoá” và ông quá ngán với sự đành hanh của nó. Già nửa loài người tin vào sự sắp đặt của một bàn tay vô hình được ngôn ngữ an bài là “Thượng đế”.
 
Người ta cứ nghĩ không có khoa học thì hố thẳm hư vô xuất hiện. Khoa học phát triển như vũ bão rồi cũng chẳng lấp kín được hố thẳm kia, ai mê tín hơn ai trong chiếc ống này vẫn còn chưa biết.
 
Đối diện với thực tại chán ngán của ngôn từ, thôi thì tìm quên chăng. Phật bảo ta chẳng nói một lời nào. Vì “lời” chính là khái niệm. Khái niệm sinh ra khái niệm, khái niệm chồng lên khái niệm. Thế mới sinh ra những tay thợ từ, đẽo gọt từ, chua ngoa từ, phóng đại từ, và cuối cùng đến giai đoạn “mất kiểm soát” là đóng khung từ, cầm tù từ bằng những cuốn sách chứa đầy những say sưa mỹ mãn của loài người, và cũng vẫn trong cái ống bị bịt kín hai đầu ấy.
 
Cả nhân loại không thể “thức tỉnh” trong cái ống kia mà đồng loạt nhảy cầu, trong khi một số thiên tài thì tự tử.
 
Họ luận bàn, họ tiếc và họ bắt đầu đặt câu hỏi tại sao. Nhưng vẫn vậy, ai đang tâm ngồi nhìn một người tự tử. Vô cảm quá chăng? Và phải kính cẩn nghiêng mình cho một phút mặc niệm cuối cùng mới là hữu cảm chăng?
 
Tiếc thay, ngôn từ lại dẫn con người vào cái kết “cuối cùng” ấy. Mọi người vẫn tin có thể sang bên kia thế giới, vẫn tin hồn xác về trời và cũng tin luôn vào cái “cuối cùng” của thân phận. Có thể gọi đó là nghịch lý người chăng?
 
Người xưa nói, sớm nghe đạo chiều chết cũng được rồi. Vì đạo ấy đi bằng nghe, chứ không đi bằng những thao túng của truyền thông.
 
Mà phải không nghe những thứ đã đóng băng và chết khô từ lâu. Vì nghe nó thì sẽ chẳng có dũng cảm nào để thoát ra khỏi đường ống định mệnh kia.
 
Nghe đạo xong, Bồ tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến bay lên hư không châm lửa đốt mình để cúng dường. Phật không nhận thi thể kia, Phật nhận sức sống khác mãnh liệt hơn, thoát ra khỏi những giới hạn giam giữ của ngôn từ.
 
Kinh Pháp Hoa được xem là vương kinh, không chỉ vì nói thẳng việc chúng sinh là Phật sẽ thành. Hành động đốt mình kia mở cửa cho chiếc ống đã bị đóng kín bởi hai đầu sinh tử.
 
Cũng giống như Bồ Đề Đạt Ma quẩy dép về cõi Tây, cũng giống như Chúa Giê Su hồn xác về Trời.
 
“Cõi Tây” và “Trời” là thế giới quan, là vũ trụ quan, là triết học bắt nguồn từ những cái ngước nhìn, cái thấy chẳng giống ai, chẳng thể chứng minh cho rõ ràng, vì nó là cảnh giới của những ai đã tới đang tới và sẽ tới.
 
Âm thanh là lời, hãy đến với Bồ tát Quán Thế Âm trong trì tụng để thấy được những tiếng ngoài tiếng, những âm ngoài âm…

 

Tác giả bài viết: Thích Thanh Thắng
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Chùa Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, thành phố Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật...

Thống kê

  • Đang truy cập: 139
  • Khách viếng thăm: 136
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 45990
  • Tháng hiện tại: 1180233
  • Tổng lượt truy cập: 137183216
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012